Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 06:48 (GMT +7)
Gìn giữ nét đẹp đi lễ chùa đầu năm
Thứ 7, 10/02/2024 | 12:21:00 [GMT +7] A A
Với người Việt, đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa tâm linh, mang đậm bản sắc dân tộc. Lễ chùa thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, đồng thời là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn, hướng con người tới giá trị của chân - thiện - mỹ. Bởi vậy, dù cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại, nhưng thói quen tốt đẹp đi lễ chùa đầu năm luôn được người dân lưu truyền, gìn giữ.
Chùa Long Tiên (TP Hạ Long) tọa lạc dưới chân núi Bài Thơ, lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa… lâu đời của thành phố với khung cảnh trang nghiêm, yên bình, độc đáo... Ngay sau giờ phút đón giao thừa, thời khắc chuyển giao của năm cũ và năm mới, nhiều gia đình tới chùa để cầu an, cầu tài, cầu lộc. Năm nào cũng vậy, chùa Long Tiên thu hút đông đảo người dân đến dâng hương, lễ Phật.
Với nhiều gia đình, việc đi lễ chùa đầu năm mới không chỉ để ước nguyện những điều may mắn, bình an, hạnh phúc, mà còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Mỗi người đi lễ với những mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Thế nhưng, khi đến cửa Phật, đất Thánh, hòa vào dòng người hành lễ, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được sự giao hòa của đất trời. Mùi khói nhang, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên thanh thản.
Chị Đỗ Mộc Hằng, phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, chia sẻ: Hằng năm, ngay sáng mùng 1 Tết, tôi và bạn bè thường đi lễ chùa Long Tiên và một số đền, chùa trên địa bàn thành phố. Tới đây, chúng tôi vừa tham quan, chụp ảnh, vừa thắp hương lễ phật để cầu ước cho một năm mới bình an, may mắn, tài lộc. Thêm vào đó, về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh của ngày đầu năm, lòng mình trở nên thanh thản.
Không riêng chùa Long Tiên, các điểm du lịch tâm linh khác như: Đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), khu di tích danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí), chùa Ngọa Vân (TX Đông Triều), đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long), chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn), chùa Ba Vàng (TP Uông Bí)…cũng thu hút rất đông người dân và du khách đến tham quan.
Đặc biệt, những năm gần đây, các điểm du lịch tâm linh được nhiều gia đình chọn trong những ngày đầu năm. Đến đây, các gia đình không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp, thưởng lãm nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân, mà còn giáo dục cho các con lịch sử, truyền thống, văn hóa của dân tộc.
Chị Nguyễn Thị Hương Lan, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, chia sẻ: Năm nào, gia đình tôi cũng đưa các con cùng đi tới đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn ngay ngày đầu của năm mới. Cùng với việc lễ đền cầu mong cho một năm mới bình an, gia đình tôi còn giáo dục cho các con về công lao dẹp giặc tại vùng đông bắc Tổ quốc của Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn, con trai cả của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, cháu ruột vua Trần Thái Tông cũng như lịch sử của ngôi đền, từ đó, hun đúc tình yêu lịch sử, quê hương, đất nước.
Mặc dù lượng người dân và du khách tới vãn cảnh, chiêm bái khá đông nhưng các hoạt động tại các điểm du lịch tâm linh vẫn diễn ra trật tự, ổn định, an toàn. Không khí trang nghiêm, công tác quản lý bài bản, môi trường sạch đẹp. Hầu hết các điểm du lịch tâm linh đều có lực lượng công an và địa phương thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ.
Ông Ngô Quang Hùng, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long cho biết: Trong những ngày đầu năm mới, hầu hết các di tích đều tấp nập du khách nhưng tôi thấy công tác quản lý bài bản, an ninh trật tự được đảm bảo, an toàn giao thông được thực hiện tốt, nhất là không có tình trạng xô đẩy, chen lấn và trộm cướp. Hi vọng rằng, thời gian tới, các điểm du lịch tâm linh sẽ tiếp tục được quan tâm đầu tư để đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân, trở thành nơi giáo dục lịch sử dân tộc, tiếp tục truyền thụ những nét đẹp văn hóa.
Cuộc sống ngày càng hiện đại nhưng nét đẹp văn hóa đi lễ chùa đầu năm vẫn luôn được người dân lưu giữ. Hòa vào dòng người đi lễ đầu năm, giữa không gian thanh tịnh, bất kỳ ai cũng cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi vào xuân, lắng nghe mùa xuân đang về. Cửa chùa rộng mở với tiếng chuông ngân vang, phảng phất mùi hương trầm, hoa lễ, tâm hồn con người thanh bình đến lạ. Đối với mỗi người dân, đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, qua đó không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, mà còn vun đắp cho tinh thần người Việt thêm trân trọng những giá trị cội nguồn.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()