Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 17:22 (GMT +7)
Nét đẹp những lễ hội dân gian ở Ba Chẽ
Chủ nhật, 11/06/2023 | 09:10:22 [GMT +7] A A
Các lễ hội trong năm ở Ba Chẽ sẽ quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa các dân tộc và giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP đặc hữu trà hoa vàng, ba kích tím, các mặt hàng nông sản thế mạnh, góp phần xúc tiến thương mại, thu hút doanh nghiệp đầu tư và kích cầu du lịch.
Trên cơ sở đề xuất của UBND huyện Ba Chẽ, mới đây, Thường vụ Huyện ủy Ba Chẽ đã phân tích và thống nhất các lễ hội tổ chức thường niên hàng năm trên địa bàn huyện, quy mô cấp xã bao gồm: Lễ hội đình Làng Dạ, Lễ hội miếu Ông - miếu Bà, Lễ hội Bàn Vương, Ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay, Lễ hội đình Đồng Chức và Lễ hội Xuống đồng. Lễ hội đình Làng Dạ do xã Thanh Lâm chủ trì tổ chức thực hiện, vào mùng 9 và 10 tháng Giêng, với các hoạt động như: Lễ rước thần, lễ dâng hương thành hoàng làng; nghi lễ cuốc hố tra hạt và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian và các hoạt động ẩm thực. Lễ hội đình Đồng Chức và Lễ hội Xuống đồng do xã Lương Mông chủ trì thực hiện, vào các ngày từ 20 đến 22 tháng Giêng với các hoạt động như: Lễ rước thần, lễ dâng hương, lễ xuống đồng và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian và các hoạt động ẩm thực.
Lễ hội miếu Ông - miếu Bà do xã Nam Sơn chủ trì thực hiện, vào ngày 1/3 âm lịch, với nội dung: Lễ mộc dục, lễ rước linh vị thần Tam Trĩ, lễ dâng hương của nhân dân và du khách thập phương, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, chèo thuyền, trò chơi dân gian. Miếu Ông và miếu Bà tạo thành một quần thể di tích thể hiện tín ngưỡng thờ cúng dân gian hòa hợp. Thực chất, đây không phải là một cặp hình tượng cha - mẹ như mọi người lầm tưởng mà là sự phối thờ giữa một nhân thần vùng sông nước và một thiên thần của rừng xanh.
Theo các tài liệu nghiên cứu được lưu giữ, miếu Ông thờ Đức thánh phù Trần tả tướng quân Lê Bá Đức, người có công lớn trong việc cùng quân và dân nhà Trần đánh giặc Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII. Bên kia bờ sông là miếu Bà là nơi thờ Mẫu Thượng ngàn (tức Bà chúa của rừng xanh). Theo truyền thuyết, Mẫu là con gái của Sơn Tinh và công chúa Mỵ Nương (con gái Vua Hùng thứ 18), có công dạy người dân miền núi cách trồng cây ăn quả, trồng lúa nương, đắp ruộng bậc thang, dựng nhà cửa, hái cây thuốc chữa bệnh… Do đó, Lễ hội miếu Ông - miếu Bà là sự tôn vinh quá trình chinh phục tự nhiên, cũng như công cuộc chống giặc ngoại xâm gìn giữ non sông, bờ cõi của cha ông ta.
Lễ hội Bàn Vương do các xã Nam Sơn, xã Đồn Đạc chủ trì thực hiện vào ngày 1/10 âm lịch, với các nghi lễ chính như: Cúng ông tổ Bàn Vương, các nghi thức đặc sắc của người Dao, lễ cấp sắc, nhảy lửa… Lễ hội nhằm tưởng nhớ công ơn Bàn Vương đã đưa con cháu mình đi tìm vùng đất mới. Khác với người Dao ở các địa phương khác trong tỉnh, thường chỉ sống ở trên đồi cao và thông thạo việc rừng, người Dao ở Ba Chẽ lại thông thạo việc sông nước, cuộc sống của họ bám theo con sông Ba Chẽ. Trong Lễ hội Bàn Vương, hành trình vượt biển (khảm hải) của cha ông người Dao xưa được tái hiện trên sông Ba Chẽ. Bắt đầu từ bến thuyền khu vực miếu Ông (thôn Cái Gian, xã Nam Sơn), người Dao sẽ đi thuyền theo đường sông đến miếu Bàn Vương (thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn). Theo truyền thuyết, người Dao có 12 họ cùng di cư đến các vùng đất mới để tìm cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc, dựng xây các bản làng Ba Chẽ hôm nay.
Cùng với đó, còn có Ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay do xã Thanh Sơn chủ trì thực hiện vào ngày 5/5 âm lịch gắn với Tết Đoan Ngọ. Ngày hội văn hóa dân tộc Tày do xã Đạp Thanh chủ trì thực hiện, vào tháng 9 âm lịch gắn với Lễ cơm mới của người Tày. Riêng năm 2023, Ngày hội Văn hóa dân tộc Tày sẽ do cấp huyện tổ chức mang tính phục dựng. Bắt đầu từ năm 2024, huyện sẽ giao cho xã Đạp Thanh chủ trì tổ chức thực hiện.
Đối với các lễ hội được tổ chức quy mô cấp huyện, gồm: Lễ hội Bàn Vương và Lễ hội Trà hoa vàng, huyện Ba Chẽ quyết định tổ chức, định kỳ hai lần trong 5 năm gắn với các sự kiện lớn của địa phương. Đối với các Lễ hội: Lễ hội miếu Ông - miếu Bà (xã Nam Sơn), Lễ hội đình Làng Dạ (xã Thanh Lâm), Lễ hội đình Đồng Chức, Lễ hội Xuống đồng (xã Lương Mông), Ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay (xã Thanh Sơn) và Ngày hội Văn hóa dân tộc Tày (xã Đạp Thanh) sẽ được tổ chức một lần với quy mô cấp huyện trong 5 năm, tùy từng điều kiện thời gian những năm còn lại tổ chức quy mô cấp xã.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()