Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 06:26 (GMT +7)
Những di sản văn hoá thời Lê
Thứ 2, 24/04/2023 | 09:43:36 [GMT +7] A A
Trong các triều đại phong kiến Việt Nam, thời Lê (thế kỷ XV-XVIII) là một trong những giai đoạn để lại nhiều di sản văn hoá nhất, cả về vật thể và phi vật thể.
Bài Thơ là hòn núi đá vôi cao 206m nằm ở trung tâm TP Hạ Long. Trong nhiều thế kỷ, núi được các triều đại lấy làm vọng gác ở vùng Đông Bắc nên có tên là núi Truyền Đăng hay Dọi Đèn. Nếu có biến, những người lính đồn trú sẽ đốt lửa để cấp báo cho lộ phủ An Bang (trong các bài trước, chúng tôi đã chỉ ra rằng dấu tích thủ phủ của lộ An Bang nay là ở thôn Làng Bang, xã Thống Nhất, TP Hạ Long).
Năm 1468, vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi tuần thú An Bang, đóng quân dưới chân núi Truyền Đăng. Trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ, non nước Hạ Long, nhà vua đã cảm hứng ứng tác một bài thơ và sai người mài đá đề vào vách núi. Từ đó, núi có tên gọi núi Bài Thơ. Bài thơ của vua Lê Thánh Tông ca ngợi non nước Hạ Long, khẳng định núi sông nước Nam từ muôn đời nay vẫn bền vững, chính là lúc gác việc võ để chăm lo cho nền văn hoá của dân tộc. Năm 1729, chúa Trịnh Cương đến kinh lý Hạ Long đã làm một bài thơ hoạ lại và cho khắc vào vách đá gần đó. Hai bài thơ của vua Lê Thánh Tông và chúa Trịnh Cương cho tới nay đã trở thành di sản văn hoá vô giá, góp phần tôn vinh giá trị núi Bài Thơ.
Di sản văn hoá thời Lê trên vùng đất Quảng Ninh còn khá nhiều và đa dạng. Tiêu biểu là đình Trà Cổ (thuộc phường Trà Cổ, TP Móng Cái). Đình mang phong cách đình làng thế kỷ XVIII nhưng có ý kiến cho rằng đình xây dựng vào năm 1550. Tới nay, đình Trà Cổ được coi như “cột mốc văn hoá” nơi địa đầu Tổ quốc.
Sau khi lập nên các làng xã vào thời tiền Lê (thế kỷ XV), từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII, các dòng họ tiên công ở vùng Hà Nam (TX Quảng Yên) đã xây dựng các từ đường để tôn thờ các vị tiên công. Các ngôi từ đường tuy không lớn nhưng có giá trị nhất định về điêu khắc và kiến trúc. Các vì kèo, đầu bẩy, cửa võng, câu đối, long ngai, bài vị… thể hiện tài nghệ chạm khắc dân gian đặc sắc. Trong tổng số 71 nhà thờ của các dòng họ ở khu vực Hà Nam thì có tới 21 nhà thờ các vị tiên công đã được xếp hạng di tích quốc gia. Các di tích này nằm ở các phường, xã: Phong Cốc, Phong Hải, Yên Hải, Cẩm La, Liên Hoà và Liên Vị, phần lớn được xây dựng từ thời Lê.
Sau thời kỳ vàng son thời Lý - Trần, Phật giáo thời Lê có phần suy thoái, nhường chỗ cho Nho giáo. Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, Phật giáo phát triển trở lại. Các vua Lê, chúa Trịnh cho mở mang, trùng tu nhiều chùa chiền. Chùa Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên là những ngôi chùa lớn ở Đông Triều đã được trùng tu trong thế kỷ XVII-XVIII. Đình Phong Cốc (phường Phong Cốc, TX Quảng Yên) được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII tới nay còn giữ được các phần trang trí nghệ thuật sinh động đặc sắc thời Lê trên hai cửa chính, các bức cốn, đầu bẩy…
Cũng tại Hà Nam còn có đình Trung Bản (xã Liên Hoà) được xây dựng vào thế kỷ XV, thờ Trần Hưng Đạo là Thành hoàng làng. Trong đình có tượng Trần Hưng Đạo tay cầm trâm búi tóc gắn bó chặt chẽ với truyền thuyết ngài chống gươm búi tóc khi chỉ huy trận Bạch Đằng năm 1288. Ngoài ra, đình còn lưu giữ được quấn tẩy, hoành phi, câu đối, bộ kiệu bát cống - tương truyền do một viên quan triều Lê cung tiến vào đình mong tìm vận may.
Tượng Trần Hưng Đạo quấn tẩy, kiệu bát cống tại đình Trung Bản được các nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng đều được chế tác vào thế kỷ XVII. Trải qua thời gian và chiến tranh, điều may mắn là những hiện vật này còn khá nguyên vẹn và là những di sản văn hoá vô giá - dấu tích của một giai đoạn lịch sử trên vùng đất Quảng Ninh.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()