Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 21:17 (GMT +7)
Nét riêng văn hóa Bình Phước
Thứ 7, 04/02/2023 | 18:15:36 [GMT +7] A A
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11-2021, Hội thảo Văn hóa 2022 đã hoạch định chủ trương, chính sách phát triển văn hóa với chủ đề: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của văn hóa, quan tâm xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Vấn đề thu hút các ý kiến tại Hội thảo Văn hóa 2022 đó là khủng hoảng văn hóa nông thôn và tràn lan “rác độc” văn hóa trên không gian mạng. “Giữ văn hóa truyền thống, xây nét riêng văn hóa trên cơ sở nghiên cứu đặc tính văn hóa vùng Đông Nam Bộ ở một tầm nghiên cứu khoa học”. Đó là chia sẻ của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khi có dịp đến tỉnh Bình Phước.
Hội tụ nhiều nét văn hóa là diễm phúc
* GS.TSKH Vũ Minh Giang có thể cho biết cảm nhận về vùng đất, văn hóa, con người Bình Phước?
Lần đầu tiên đến Bình Phước trong tôi đầy ắp các địa danh mà có lẽ người dân Việt Nam ai cũng biết, đó là Căn cứ Tà Thiết, sóc Bom Bo, Đồng Xoài… Điều đó khẳng định đây là vùng đất có truyền thống cách mạng nổi tiếng cả nước. Ở góc nhìn văn hóa, Bình Phước như một Việt Nam thu nhỏ. Bởi một trong những nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam là đa sắc tộc. Trong tổng số 54 thành phần dân tộc của đất nước ta thì Bình Phước có 41 thành phần dân tộc sinh sống. Hội tụ nhiều thành phần dân tộc có những nét văn hóa riêng, đó là một diễm phúc.
Hỗn dung văn hóa - đặc sắc của Bình Phước
* Bình Phước hội tụ 41 thành phần dân tộc cùng chung sống. Điều này theo GS. TSKH Vũ Minh Giang có gây cản trở trong xây dựng nét riêng văn hóa Bình Phước?
Đa sắc có nghĩa là không đơn điệu. Bình Phước nhiều thành phần dân tộc, là đa dạng văn hóa chứ không phải thiếu nét riêng bản sắc. Khi có sự đa dạng thì chúng ta có sức mạnh về văn hóa. Bởi văn hóa dễ bị triệt tiêu nếu như đơn điệu.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) từng có một chủ trương lớn là khuyến khích và hậu thuẫn cho chính sách bảo tồn giá trị văn hóa của các quốc gia khác nhau. Mục đích của chủ trương này là để giữ sự đa dạng, tránh sự chi phối của một nền văn minh khác làm nghèo nàn văn hóa.
Có một nhận định rất hay là Bình Phước không có ý thức cục bộ. Không “đóng cửa”, không cục bộ, không phân chia mà ở rất hòa đồng, đó là điều ai cũng cảm nhận được khi đến với Bình Phước. Đó cũng là một nét đặc sắc riêng được hình thành trong quá trình dài tiếp nhận người dân di cư khắp nơi đến lập nghiệp mang theo nhiều nền văn hóa dân tộc khác nhau. Hỗn dung văn hóa chính là đặc sắc của Bình Phước.
Yếu tố văn hóa hứa hẹn sự phát triển của Bình Phước
* Dấu ấn văn hóa cũng có thể xem như là thương hiệu. Và thương hiệu nào cũng cần xây dựng. Nét riêng văn hóa Bình Phước cũng không ngoại trừ phải không, thưa GS. TSKH Vũ Minh Giang?
Tạo dựng một thương hiệu để nói đến là người ta biết, người ta nhớ và có cảm nhận rõ ràng, đặc biệt là về văn hóa thì có những cái tự hình thành, nhưng cái tự hình thành thì luôn ở mức độ thấp. Muốn phát triển và xây dựng thành biểu tượng, thương hiệu cần vun đắp và có thời gian.
Sau tái lập tỉnh (năm 1997), Bình Phước đã có nhiều cố gắng trong việc chỉnh trang đô thị, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng văn hóa. Làm việc với các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, tôi thấy các đồng chí đặc biệt quan tâm làm thế nào để phát huy văn hóa về đúng giá trị là nội lực, là tài nguyên, từ đó khai thác, đẩy mạnh phát triển. Những trăn trở tìm giải pháp là yếu tố hứa hẹn cho sự phát triển của Bình Phước trong thời gian tới.
Đưa cảnh quan vào văn hóa
*Là tỉnh trẻ, đa vùng miền, sắc tộc, Bình Phước cần tận dụng những lợi thế nào để xây dựng, phát triển văn hóa, thưa giáo sư?
Đích đến của Bình Phước là không chỉ để người trong nước biết đến đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng mà còn là những sản phẩm văn hóa có giá trị, hấp dẫn. Như vậy, chúng ta phải xác định những lợi thế sẵn có và tiềm năng lâu dài. Bình Phước đang có thế mạnh về đất đai, cảnh quan, đa dạng văn hóa. Chúng ta phải lấy giá trị cảnh quan là tài nguyên khai thác và phát huy. Cũng có thể đem những giá trị văn hóa lớn của các dân tộc, các nơi về Bình Phước. Hội tụ, tích hợp tất cả giá trị, đưa cảnh quan vào văn hóa, để văn hóa Bình Phước không chỉ là hội nhập mà còn là hội tụ, nhưng một điều cần quan tâm là phải nghiên cứu một cách khoa học và nghiêm túc. Trong đó, đặc biệt chú ý các nghiên cứu đặc tính văn hóa Đông Nam Bộ ở Bình Phước với tầm nghiên cứu khoa học.
Văn hóa tạo ra những giá trị mới
* Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Cần hiểu điều này như thế nào thưa giáo sư?
Sức mạnh của chúng ta chính là văn hóa. Năm 1946, trước khi bước vào cuộc đọ sức với thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập hội nghị văn hóa toàn quốc. Đưa toàn bộ văn hóa Việt Nam vào trận chiến với thực dân Pháp chứ không phải là hội nghị quân sự toàn quốc. Chúng ta đã chiến thắng thực dân Pháp và các cuộc chiến tranh khốc liệt sau này đều bằng văn hóa.
Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói, nếu chúng ta nghiên cứu những chiến thắng của Việt Nam chỉ từ tiếp cận quân sự thì không bao giờ hiểu đầy đủ. Chỉ khi nhìn từ góc độ văn hóa mới hiểu truyền thống đoàn kết, trung kiên của con người Việt Nam làm nên chiến thắng. Và điều đó là cả một nền văn hóa mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh bằng cụm từ “hồn cốt của dân tộc”. Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, khi đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội nghĩa là trọng tâm biến những giá trị văn hóa thành sức mạnh để “xốc” một dân tộc đi tới những giá trị mới - hướng tới khát vọng phồn vinh. Chúng ta phải trở thành những nước sánh vai với các quốc gia phát triển.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()