Hơn hai tuần sau cam kết giảm lãi suất, một số ngân hàng đã điều chỉnh lãi vay 0,5-1% với các khoản cũ khi chi phí vốn đầu vào hạ bớt.
Chị Lê Thanh (TP HCM) cho biết đầu tháng 6 đã nhận được thông báo khoản vay mua nhà (từ một ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ) được giảmlãi suấtgần 100 điểm cơ bản, từ 14,9% về 13,95% một năm."Đây là lần đầu tiên kể từ suốt mùa dịch đến nay, khoản vay của tôi được giảm lãi suất", chị Thanh cho biết.
Các khách hàng vay mua, sửa nhà, vay với mục đích tiêu dùng tại một số ngân hàng cũng bắt đầu nhận được thông báo điều chỉnh lãi suất, với mức giảm phổ biến từ 0,5%.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng tư nhân cho hay, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu rất quyết liệt về việc giảm lãi suất cho vay với nhóm khách hàng cũ (gồm cá nhân và doanh nghiệp), sau cuộc họpcuối tháng 5. Nhà điều hành đặt ra ngưỡng giảm tối thiểu 0,5% để các nhà băng phấn đấu.
Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) mới đây thông báo giảm đồng loạt 0,6% với tất cả khoản vay lãi suất thả nổi, áp dụng từ 31/5. Cụ thể, lãi suất cơ sở (lãi suất tham chiếu) với nhóm khách cá nhân vay mua bất động sản, ôtô, tiêu dùng thế chấp giảm về 8,8% một năm. Với khách hàng doanh nghiệp, lãi suất cơ sở mới áp dụng từ 25/5 với khoản vay dưới 12 tháng là 10,5-11,6%, còn vay trung dài hạn là 12-13,9% một năm.
Đại diện Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng cho biết nhà băng đã thực hiện nhiều đợt điều chỉnh giảm lãi suất, với mức 0,5-3% tùy từng khoản vay với từng nhóm khách hàng. Tương tự, Ngân hàng Phương Đông (OCB) giảm lãi suất 0,5% cho tất cả khách hàng áp dụng từ đầu tháng 6.
"Trong bối cảnh hiện nay, việc các ngân hàng giảm lãi suất các khoản vay cũ có tác động tích cực hơn đối với tâm lý của doanh nghiệp", lãnh đạo một nhà băng bình luận.
Tuy nhiên, ông cho rằng động thái này chưa gỡ được một số nút thắt lớn khác, đặc biệt là vấn đề đơn hàng và thị trường. Ngoài ra, việc kỳ vọng mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm mạnh cũng khó xảy ra. Về dư địa giảm lãi suất trong thời gian tới, lãnh đạo nhà băng này này cho biết vẫn phải "vừa ngóng, vừa làm".
"Về cơ bản, ngân hàng phải phòng bị trong những kịch bản xấu, đặc biệt khi nợ xấu lên cao", ông nói.
Đợt giảm lãi suất lần này tập trung vào nhóm nhà băng tư nhân chưa hạ lãi suất khoản vay cũ từ đầu năm tới nay. Một số ngân hàng gồm bốn ngân hàng có vốn nhà nước, một số nhà băng tư nhân và ngân hàng có vốn nước ngoài đã chủ động giảm lãi suất đồng loạt, không nằm trong diện giảm lãi suất lần này.
Cụ thể, Vietcombank có hai đợt giảm lãi suất với các khoản vay hiện hữu, áp dụng từ đầu năm tới hết tháng 7. Agribank giảm 0,5% lãi suất với khoản vay trung dài hạn từ 15/5 đến hết 30/9. Tại nhóm tư nhân, ACB trước đó giảm từ 0,5% đến 2% cho khách hàng cũ có khoản vay đến kỳ thay đổi lãi suất.
Với nhóm ngân hàng có vốn nước ngoài, nhân viên tín dụng một ngân hàng có vốn Hàn Quốc cho biết đã áp dụng việc giảm lãi suất trước khi có yêu cầu từ Ngân hàng Nhà nước, với mức giảm cao nhất là 1,25% cho những khoản vay có tài sản đảm bảo chịu lãi suất từ 12,5% mỗi năm trở lên.
Thực tế, lãi vay đợt này của nhóm ngân hàng còn lại cũng đã giảm nhưng không phải diễn ra đồng loạt mà tùy thuộc vào cam kết, tình hình sức khỏe của mỗi ngân hàng. Hơn hết, việc giảm lãi suất vay ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu kinh doanh và quyền lợi của cổ đông ngân hàng, do đó chính sách này rộng rãi tới đâu còn tùy thuộc vào "thiện chí" của cổ đông và đội ngũ ban lãnh đạo.
Nhân viên tín dụng mảng khách hàng cá nhân của một ngân hàng trong nhóm đầu về lợi nhuận cho biết chưa nhận được thông tin về chính sách lãi suất mới, dù nhà băng này nằm trong nhóm cam kết giảm lãi suất cho vay.
Người này cho hay, việc giảm lãi suất nhiều nhất sẽ áp dụng với những khoản vay đã phát sinh trên một năm, hoặc những khoản vay mới do chi phí vốn ở những giai đoạn này ở mức thấp. Trong khi đó, những khoản vay phát sinh trong nửa cuối năm ngoái có thể chỉ giảm ở mức độ tương đối do chi phí vốn cao.
"Việc giảm lãi suất còn phải căn cứ theo chi phí vốn đầu vào ở từng thời điểm, nên mức độ giảm có thể sẽ khác nhau", nhân viên này nói.
Theo ước tính của Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI, lãi suất cho vay trung bình (không tính các khoản ưu đãi) hiện tại vào khoảng 12,5% mỗi năm, giảm khoảng 220 điểm cơ bản so với cuối năm ngoái nhưng vẫn cao hơn khoảng 200 điểm cơ bản so với năm 2019.
Tính tới cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế mới đạt 3,17% so với cuối năm 2022, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tăng trưởng chỉ đạt khoảng 35% hạn mức đầu năm đối với các nhà băng quốc doanh và 50% với ngân hàng thương mại cổ phần.
Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, theo SSI, có 3 nguyên nhân chính: doanh nghiệp sản xuất có đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn khiến nhu cầu vay vốn giảm, doanh nghiệp nhỏ và vừa có tình hình tài chính suy yếu dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn và nhu cầu vay của doanh nghiệp bất động sản giảm sút do nhiều dự án gặp khó khăn pháp lý.
Ý kiến ()