Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 23:15 (GMT +7)
Ngăn ngừa thanh thiếu niên vi phạm pháp luật
Thứ 4, 13/07/2022 | 10:02:32 [GMT +7] A A
Thời gian qua, công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên tiếp tục có sự chung tay vào cuộc của gia đình, nhà trường và cộng đồng, bằng nhiều hình thức phù hợp nhất, giúp ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trong lứa tuổi này.
Hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy năm 2022, trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) và Tỉnh Đoàn đã phối hợp tổ chức 4 chương trình “Ngày hội pháp luật”, tại 4 địa phương là Quảng Yên, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, thu hút sự tham gia của gần 1.000 ĐVTN.
Tại chương trình, báo cáo viên của Công an tỉnh đã giúp các ĐVTN hiểu thêm về Luật Phòng chống ma túy và công tác phòng, chống ma túy trong lứa tuổi thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh hiện nay. Đặc biệt làm rõ: Nhận biết các chất ma túy mới, ma túy tổng hợp đang được thẩm lậu vào Việt Nam; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm buôn bán ma túy; cách thức phòng ngừa thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo của đối tượng xấu... Để nâng cao hiệu quả cho buổi tuyên truyền, các báo cáo viên đã trình chiếu hình ảnh, video thực tế các vụ án ma túy trên địa bàn tỉnh; giới thiệu các mẫu vật dụng cụ sử dụng ma túy, như bình đập đá, bình shisha...
ĐVTN cũng hiểu rõ hơn, không chỉ riêng ngành Công an có trách nhiệm vào cuộc, mà cả cộng đồng đều đang rất nỗ lực cùng phòng ngừa tệ nạn. Cụ thể là thông qua những mô hình tổ tự quản về an ninh trật tự, các chi hội đoàn thể của phụ nữ, thanh niên, công đoàn được thành lập tại khắp các khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, đang tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới các thanh thiếu niên, giúp ngăn chặn nguy cơ vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết.
Trong quá trình lắng nghe tuyên truyền, các ĐVTN đã mạnh dạn nêu ra những thắc mắc của bản thân, những tình huống liên quan đến tệ nạn và tội phạm ma túy mà các bạn đã gặp phải trong thực tế cuộc sống..., để được giải đáp, tư vấn cách xử lý có hiệu quả, đúng luật.
Tuy nhiên, để đẩy lùi tệ nạn ma túy nói riêng, ngăn chặn nguy cơ thanh thiếu niên vi phạm pháp luật nói chung, thì không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Thực tế cho thấy, thanh thiếu niên đang hằng ngày, hằng giờ chịu sự tác động mặt trái của mạng xã hội, phim ảnh, trò chơi điện tử... với không ít những nội dung lệch lạc, ít nhiều cổ xúy cho suy nghĩ, hành vi bạo lực, lối sống thực dụng, hưởng thụ, tôn thờ vật chất, lười lao động... Do đó, luôn rất cần sự quan tâm đúng cách ngay từ các bậc phụ huynh trong việc định hướng về đạo đức, lối sống cho các em.
Các nhà trường cần thường xuyên quan tâm đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật, kỹ năng sống để học sinh được phát triển toàn diện. Giữa nhà trường và gia đình có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong quản lý con em, học sinh trong giai đoạn vị thành niên. Đặc biệt, người lớn cần tránh việc trừng phạt khắc nghiệt sẽ dẫn đến tâm lý tiêu cực, thay vào đó là áp dụng các biện pháp tiếp cận phù hợp, chia sẻ với các em, uốn nắn kịp thời khi có biểu hiện tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật, hướng các em tới những hoạt động văn hóa tinh thần bổ ích, các sân chơi lành mạnh, vui khỏe... Đối với những thanh thiếu niên có quá khứ vi phạm pháp luật cũng rất cần sự quan tâm đúng mức từ cộng đồng để có định hướng đúng đắn, động lực sửa chữa sai lầm.
Ngày 17/2/2012, Chính phủ ban hành Nghị định 10/2012/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 10/4/2012) quy định chi tiết thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội. Trong đó nêu rõ, việc thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội phải tuân theo các quy định của pháp luật hình sự, thi hành án hình sự nhằm giám sát, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục sửa chữa sai phạm, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống cộng đồng, phát triển lành mạnh, trở thành người có ích cho xã hội.
Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao giám sát, giáo dục có trách nhiệm phối hợp với đơn vị dân cư cơ sở và gia đình, thường xuyên gặp gỡ, giáo dục, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của người được giáo dục để tìm biện pháp giúp đỡ; đề nghị các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tạo điều kiện cho người được giáo dục ổn định cuộc sống. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được giáo dục...
Khi người được giáo dục đã chấp hành được 1/2 thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục có nhiều tiến bộ thì được đề nghị xét chấm dứt trước thời hạn.
|
Hoàng Giang
- Quảng Ninh giành 9 huy chương tại Giải vô địch súng hơi các nhóm tuổi thanh thiếu niên toàn quốc 2022
- Đảm bảo an toàn giao thông cho thanh thiếu niên trong dịp hè
- 9 học sinh THPT thuê phòng sử dụng trái phép ma túy
- Kịp thời ngăn chặn nhóm thanh thiếu niên dùng dao “phóng lợn” giải quyết mâu thuẫn
- Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho thanh thiếu niên
Liên kết website
Ý kiến ()