Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 00:14 (GMT +7)
Ngành Chăn nuôi: Xóa bỏ tư duy đầu tư manh mún, nhỏ lẻ
Thứ 6, 17/09/2021 | 07:55:08 [GMT +7] A A
Tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi. Trong đó, chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng con giống và công nghệ chăn nuôi; cơ cấu lại công tác quản lý chăn nuôi, thú y…
Với 8 ô chuồng, chăn nuôi trên 200 con lợn thịt, để đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, từ năm 2020 gia đình anh Vũ Văn Diên, khu Lâm Sinh 2, phường Minh Thành (TX Quảng Yên) đã sử dụng đệm lót sinh học trong chuồng trại. Anh Diên chia sẻ: Qua một thời gian áp dụng, tôi thấy việc áp dụng đệm lót sinh học trong nuôi lợn rất hiệu quả. Đệm lót được làm bằng nguyên liệu hữu cơ đã được lên men bằng vi sinh vật sử dụng làm nền chuồng, giúp phân hủy chất thải chăn nuôi, giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi tạo môi trường trong sạch không ô nhiễm... Nhờ vậy, đàn lợn của gia đình phát triển ổn định, phòng chống dịch bệnh tốt hơn.
Cùng với gia đình anh Diên, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng đã từng bước chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát sang chăn nuôi theo quy mô gia trại, tập trung và chú trọng áp dụng những giải pháp bảo vệ môi trường. Ngành Nông nghiệp tỉnh đã tiến hành rà soát vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung đã được quy hoạch; xây dựng quy định cụ thể về khu vực được chăn nuôi và vùng cấm nuôi; chú trọng thực hiện kiểm soát dịch bệnh để chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững; khuyến khích các mô hình chăn nuôi quy mô trang trại, áp dụng biện pháp đảm bảo môi trường...
Bên cạnh đó, xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung, Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, tiêu biểu như: Chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh; hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, hỗ trợ đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ... Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng... cho doanh nghiệp triển khai dự án chăn nuôi tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ, bền vững với môi trường. Bằng những chính sách hỗ trợ cần thiết, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế, đến nay toàn tỉnh đã có 240 trang trại chăn nuôi, 26 doanh nghiệp, 24 hợp tác xã hoạt động chăn nuôi, 8 cơ sở chăn nuôi theo quy trình VietGAP.
Trong tháng 8 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) đã phối hợp với Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương thực hiện Dự án Hỗ trợ Phát triển chăn nuôi lợn sinh sản an toàn sinh học tại thôn Hà Tranh, xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả. Theo đó, 16 hộ dân tham gia dự án đã được cấp phát 32 con giống; thức ăn hỗn hợp cho lợn và các loại vắc-xin, hóa chất sát trùng chuồng trại; hỗ trợ tư vấn, lắp đặt, vận hành hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi (bể biogas composite). Dự án là một giải pháp mới để thúc đẩy chăn nuôi theo hướng bền vững, với mục tiêu tạo sinh kế, giúp hộ dân nắm được những kiến thức, kỹ năng và tư duy tổ chức sản xuất trong chăn nuôi lợn sinh sản an toàn sinh học; cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân qua khai thác các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường từ công trình khí sinh học quy mô hộ gia đình.
Tuy nhiên, những giải pháp mới áp dụng cho ngành Chăn nuôi địa phương vẫn chưa nhiều. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn còn phân tán, nhỏ lẻ, chủ yếu là hình thức hộ gia đình, thiếu quy hoạch phát triển; cơ sở hạ tầng chăn nuôi chưa được đầu tư đúng mức; chưa phát triển theo chiều sâu, chưa có sản phẩm chủ lực; chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi chưa cao. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, chưa hình thành chuỗi sản xuất ra sản phẩm sạch và an toàn...
Ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) cho biết: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp bám sát mục tiêu tăng trưởng về giá trị sản xuất của ngành, trên cơ sở tăng tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt, lâm nghiệp. Trong đó, cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi, tạo sự đột phá và nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi, góp phần tăng trưởng ngành nông nghiệp từ 3,5-5% theo mục tiêu Nghị quyết số 300/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh. Để làm được điều này, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm. Đó là: Đa dạng hóa các loài vật nuôi để phát huy lợi thế của từng tiểu vùng và nhu cầu đa dạng của từng thị trường, tập trung chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế của tỉnh Quảng Ninh; tăng hàm lượng khoa học và ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm làm giảm chi phí, tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững. Đồng thời, tổ chức các mô hình chăn nuôi đến từng vùng sinh thái của từng huyện; tranh thủ tối đa những hỗ trợ từ cơ chế chính sách, huy động được mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế để hỗ trợ người chăn nuôi kết nối, tiếp cận với dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, liên kết với các doanh nghiệp chế biến, hệ thống tiêu thụ sản phẩm để phát huy sức mạnh tổng hợp, đảm bảo chăn nuôi có hiệu quả.
Nguyễn Thanh
- Giữ vững đà tăng trưởng chăn nuôi năm 2021
- Ngành chăn nuôi nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất
- Đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi
- Thách thức của ngành chăn nuôi
- Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, đăng ký thế nào?
- Mở cửa thị trường tìm hướng đi cho ngành chăn nuôi
- Quy chuẩn vệ sinh nước dùng trong chăn nuôi vẫn còn hiệu lực
Liên kết website
Ý kiến ()