Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:51 (GMT +7)
Ngành gỗ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng
Thứ 6, 10/02/2023 | 08:30:00 [GMT +7] A A
Ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam có lợi thế về sản xuất nhưng chưa làm chủ được thị trường. Đã đến lúc các doanh nghiệp, hiệp hội hợp tác thực hiện các chuỗi chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh ngành gỗ có quy mô tầm cỡ, tương xứng với năng lực sản xuất, cung ứng để thu hút khách hàng lâu dài.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại buổi họp báo cung cấp thông tin về Hội chợ xuất khẩu đồ gỗ và nội thất TP Hồ Chí Minh (HawaExpo 2023) do Viforest Fair (Tổ chức liên kết giữa Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và hiệp hội gỗ các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, chiều 9/2.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, nhiều năm liền ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam đạt được tăng trưởng cao ở mức 2 con số mỗi năm nhờ vào sự gia tăng nhanh chóng của quy mô thị trường thế giới và sức hút từ năng lực sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm đòi hỏi tay nghề cao. Tuy nhiên, chính vì thuận lợi đó khiến hầu hết doanh nghiệp trong ngành chỉ tập trung vào khâu sản xuất, xây dựng nhiều nhà máy lớn mà thiếu quan tâm cho việc xúc tiến thương mại, kết nối chặt chẽ với các thị trường. Điểm yếu này khiến các doanh nghiệp gỗ Việt Nam bị động khi nhu cầu thị trường suy giảm, minh chứng là từ nửa cuối năm 2022 đến nay, khi lạm phát lan rộng và đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt giảm mạnh, trong khi các doanh nghiệp FDI khác trong ngành vẫn sản xuất đều. Vì vậy, muốn phát triển bền vững, các doanh nghiệp, hiệp hội phải liên kết và đầu tư đúng mức cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, cập nhật thông tin, năng lực cung ứng đến khách hàng quốc tế.
Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nhận định, năm 2022 là năm rất khó khăn đối với hoạt động thương mại của Việt Nam nói chung và xuất khẩu ngành gỗ nói riêng. Bước sang năm 2023, dù tình hình được cải thiện, nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức, khó lường do những bất ổn trên thế giới, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn sẽ tiếp tục, suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia.
Để hỗ trợ ngành gỗ phát huy thế mạnh, tiềm năng và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, Cục Xúc tiến thương mại khuyến nghị các Hiệp hội, doanh nghiệp phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp ngành gỗ như tổ chức các hội chợ, triển lãm chuyên ngành tại Việt Nam, hướng đến quy mô và tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao vị thế ngành chế biến gỗ Việt Nam trở thành trung tâm năng động, động lực tăng trưởng của ngành tại khu vực.
Song song đó, lựa chọn và tổ chức gian hàng quốc gia Việt Nam tại các hội chợ, triển lãm, sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế chuyên ngành sản phẩm đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ và lâm sản có uy tín tại các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng như Mỹ, EU, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada... để các doanh nghiệp ngành gỗ tham gia.
Theo ông Lê Hoàng Tài, về nội tại, hiệp hội ngành hàng cần xây dựng nền tảng, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại về thiết kế và phát triển sản phẩm; kỹ năng nghiên cứu thị trường nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, yêu cầu, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Từ đó, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng; đồng thời, từng bước xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm gỗ và lâm sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh thông tin, để mở đầu cho chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại ngành gỗ và nội thất năm 2023, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) và các hiệp hội ngành đồ gỗ ở các địa phương có thế mạnh như TP Hồ Chí Minh (HAWA), Bình Dương (BIFA), Đồng Nai (DOWA), Bình Định (FPA) đã liên kết để tổ chức HawaExpo 2023, diễn ra từ 22 - 25/2 tại TP Hồ Chí Minh. Đây là điểm nhấn quan trọng nhất cho sự hợp tác quy mô toàn ngành trong việc xúc tiến thương mại, được các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả tích cực thu hút khách hàng đến tham quan, hợp tác thương mại, đầu tư.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, HawaExpo 2023 có quy mô dự kiến lên đến 1.600 gian hàng, quy tụ sự tham gia đông đảo của các nhà sản xuất xuất khẩu lớn của Việt Nam như AA Corporation, Interwood, Lâm Việt, An Cường, Scansia Pacific… Việc quảng bá hội chợ triển lãm đã được thực hiện đến trên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ thông qua các kênh truyền thông, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và sự hỗ trợ của các đối tác nhập khẩu. Đến nay, HawaExpo 2023 đã nhận được gần 1.000 lượt đăng ký tham quan từ các khách hàng ở thị trường xuất khẩu truyền thồng như Mỹ, châu Âu, đến các khách hàng mới như Trung Đông, Ấn Độ…
"Ngoài trưng bày, giới thiệu sản phẩm, HawaExpo 2023 cũng tập trung cho các hoạt động kết nối giao thương, tham quan nhà máy và nhiều hội thảo chuyên đề giúp doanh nghiệp và đối tác có cơ hội tìm hiểu thông tin tin thị trường, khách hàng, năng lực sản xuất để xúc tiến hợp tác. Có thể nói, HawaExpo 2023 là hội chợ thể hiện sự đa dạng hoá và sức mạnh của các ngành sản xuất địa phương. Sự kiện cũng là tiếng nói khẳng định quyết tâm và khẳng năng bứt phá khỏi mô hình gia công, tham gia các phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị mà ngành chế biến gỗ Việt Nam theo đuổi", ông Nguyễn Quốc Khanh chia sẻ thêm.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()