Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:54 (GMT +7)
Ngành GT-VT chủ động sớm các biện pháp phòng chống mưa bão
Thứ 5, 19/05/2022 | 08:01:15 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, tình hình mưa bão trên địa bàn tỉnh luôn có những diễn biến phức tạp, gây khó khăn trực tiếp đến công tác quản lý bảo trì đường bộ, đảm bảo giao thông trên các tuyến đường. Để chủ động phòng ngừa và hạn chế thấp nhất hậu quả do thời tiết bất thường gây ra, ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, ngành GT-VT đã chủ động triển khai kế hoạch ứng phó với mưa bão.
Quảng Ninh dù được Trung ương đánh giá là địa phương có hạ tầng giao thông đồng bộ và phát triển nhất miền Bắc, nhưng với địa hình trải dài, nhiều đồi núi, sông ngòi, hạ tầng giao thông đa dạng khi sở hữu hơn 1.000km đường giao thông, 16 tuyến luồng đường thủy nội địa, 160 cảng, bến thủy và các công trình cầu lớn, trong đó có nhiều công trình thời gian sử dụng đã lâu và đang trong quá trình xuống cấp… thì công tác đảm bảo ATGT thông suốt, nhất là trong mùa mưa bão trở thành nhiệm vụ hết sức nặng nề. Thực tế cho thấy, đợt mưa bão năm 2021, hạ tầng giao thông của Quảng Ninh dù đã có sự chuẩn bị, chủ động các phương án đối phó song vẫn có 10 tuyến đường bộ bị thiệt hại, 37 điểm sạt lở mái taluy, nhiều vị trí rãnh thoát nước bị vỡ, một số hạ tầng tuyến luồng đường thủy nội địa bị đổ, gãy… Đặc biệt, trận mưa đầu mùa năm 2022 vào sáng ngày 10/5 vừa qua, đã khiến nhiều tuyến đường bị ngập cục bộ, hơn 2.000m3 đất bị trôi tràn mặt đường, xói lở khiến tỉnh lộ 334 (Vân Đồn) bị sạt một làn đường, giao thông ùn tắc, đi lại khó khăn.
Hậu quả mưa bão đối với hạ tầng giao thông không lường trước về khối lượng, vị trí cụ thể trong khi yêu cầu về giao thông thông suốt là bắt buộc. Vì thế, trước thông tin dự báo về thời tiết cực đoan năm 2022 từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và những tác động trực tiếp sau cơn mưa đầu mùa, Sở GT-VT đã sớm xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp phòng để hạn chế thấp nhất những tác động.
Theo đó, Sở đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, xác định rõ nhiệm vụ phòng chống thiên tai là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Đồng thời đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành, nhà đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh tổ chức kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm và lập kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai nhiệm vụ phòng chống mưa bão năm 2022; tập trung khắc phục xong những hư hỏng của công trình giao thông do ảnh hưởng bão, lũ trên địa bàn tỉnh.
Với phương châm 3 trước (nhận diện, chủ động phòng, chống trước; phát hiện, hành động, xử lý trước; chuẩn bị phương án, vật tư trước) và 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ), Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Sở đã thành lập các đoàn kiểm tra, tổ chức rà soát, phối hợp với nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, kiên cố hóa những đoạn đường có nguy cơ mất an toàn. Tổ chức huấn luyện sử dụng thành thạo các phương tiện, trang thiết bị hiện có; diễn tập ứng cứu tai nạn, sự cố cầu, phà và tìm kiếm cứu nạn tại địa bàn trọng điểm để nâng cao năng lực cho các lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách; tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị thực hiện kế hoạch PCTT&TKCN tại các đơn vị trực thuộc.
Cụ thể, đối với các vị trí đèo dốc, xung yếu có khả năng sụt trượt, đứt đường, ngành huy động nhân lực, phương tiện máy móc, đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, gia cường mặt đường bị hư hỏng. Song song với đó, yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện sơn sửa cọc tiêu, biển báo hiệu, thanh thải lòng cầu, lòng cống, chặt tỉa, đốn hạ cây có thể gây mất an toàn; chủ động xây dựng kế hoạch phân luồng giao thông, dự phòng nguyên vật liệu (đá hộc, rọ thép, ống cống…) tại các vị trí trung tâm, dễ lấy, dễ vận chuyển... Chủ động phương án huy động nhân lực, vật tư thiết bị phải sẵn sàng; việc khắc phục thiệt hại phải đảm bảo nhanh nhất, hiệu quả, an toàn và đúng quy định; phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị.
Đối với các dự án giao thông đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, Sở yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phương án riêng, cụ thể sát với thực tế để chủ động phòng chống mưa bão; đảm bảo đúng tiến độ thi công đã cam kết; quan tâm đặc biệt đến việc thoát nước, xử lý những mái taluy âm dương có nguy cơ sạt lở cao tại các vị trí thi công gần khu dân cư, đăng ký sẵn sàng hỗ trợ phương tiện, thiết bị khi có huy động.
Với hệ thống giao thông đường thủy nội địa, Sở GT-VT yêu cầu các đơn vị thành viên liên quan chủ động kiểm tra hệ thống báo hiệu, thay thế, sửa chữa các biển hiệu không đạt yêu cầu, bố trí và thông báo rộng rãi các vị trí tránh trú bão cho tàu, thuyền khi mưa bão về. Các tàu đảm bảo giao thông trên các tuyến luôn thường trực, sẵn sàng tham gia khi sự cố xảy ra.
Đồng thời, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các phương án, tình huống kịch bản thiên tai để chủ động phòng chống, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và ứng phó tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng; thiết lập đầu mối thông tin liên lạc, kiểm soát chặt chẽ thiết bị định vị GPS và radio trên các phương tiện thủy, tàu du lịch hoạt động đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long và các tuyến đảo. Cập nhật danh sách tàu, thuyền du lịch, tàu vận tải hành khách và số lượng khách ra các tuyến đảo; thống nhất thông tin liên lạc, nâng cao công tác dự báo để thông tin đến du khách, sẵn sàng phương án di chuyển khách khi có tin bão. Cảng vụ đường thủy nội địa không cấp phép rời cảng, bến cho các tàu, thuyền không đảm bảo an toàn…
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()