Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 00:26 (GMT +7)
Ngành thuỷ sản tìm cơ hội phục hồi xuất khẩu những tháng cuối năm
Thứ 6, 03/11/2023 | 09:53:36 [GMT +7] A A
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuât khẩu Việt Nam (Vasep) cho thấy, kết quả xuất khẩu thuỷ sản tháng 10/2023 vẫn chưa đạt được mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2022 nhưng đã có một số tín hiệu lạc quan đối với mặt hàng cá tra, cá ngừ, cua ghẹ trong những tháng cuối năm.
Theo đó, xuất khẩu thủy sản tháng 10 ước đạt trên 863 triệu USD, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến hết tháng 10 năm nay, thủy sản thu về gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm chiếm 38% kim ngạch xuất khẩu thủy sản với giá trị trên 2,8 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng trong tháng 10, xuất khẩu tôm đạt khoảng 320 triệu USD, giảm 11% so với tháng 10/2022. Trong khi đó, xuất khẩu cá tra trong tháng 10 đạt 189 triệu USD, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2022. Luỹ kế hết tháng 10, xuất khẩu cá tra đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong nhóm hải sản, xuất khẩu cá ngừ và cua ghẹ trong tháng 10 có chiều hướng khả quan hơn với mức tăng trưởng 2 con số, tăng lần lượt 13% và 40% so với cùng kỳ, đạt 87 triệu USD và 28 triệu USD. Tới hết tháng 10, cá ngừ đã mang về lượng ngoại tệ 704 triệu USD, giảm 20% và cua ghẹ thu về 164 triệu USD, thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các mặt hàng mực, bạch tuộc và nhuyễn thể có vỏ vẫn giữ tăng trưởng âm từ 10-13% trong tháng 10. Lũy kế 10 tháng qua, xuất khẩu mực, bạch tuộc ghi nhận doanh số trên 540 triệu USD, giảm 14%, nhuyễn thể có vỏ đạt trên 109 triệu USD, giảm 10%. Xuất khẩu các loại cá biển khác khoảng 1,6 tỷ USD, giảm 8%, riêng trong tháng 10 đạt 166 triệu USD, giảm 11%.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Vasep cho biết, diễn biến xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm và năm 2024 phụ thuộc phần lớn vào những biến động trên thị trường Mỹ. Khối lượng nhập khẩu tôm bắt đầu hồi phục, tuy nhiên, giá nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhập khẩu giảm không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam và cả ngành tôm Ấn Độ cũng lao đao. Ngành thủy sản đã trong tình trạng dư thừa tôm trên toàn thế giới trong hơn một năm. Tại Mỹ, EU và Trung Quốc, giá nhập khẩu tôm trung bình năm 2023 đã giảm lần lượt là 13,4%, 10% và 2,7%.
Tuy nhiên, Mỹ được coi là thị trường có xu hướng tích cực về nhập khẩu tôm từ Việt Nam khi xuất khẩu tôm sang thị trường này đã tăng trưởng dương trong vài tháng liên tiếp. Dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ tích cực cũng là cơ sở giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tôm hy vọng tình hình tiêu thụ và nhập khẩu tôm tại thị trường này sẽ khả quan hơn trong hai tháng cuối năm.
Đối với cá tra, bà Lê Hằng cho rằng, việc tiêu thụ đang có tín hiệu tốt hơn nhờ những thông tin tích cực về thị trường Mỹ. Sau chương trình thanh tra của Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS), cá tra Việt Nam được đánh giá tốt về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, kết quả sơ bộ cho đợt rà soát lần thứ 19 (POR19) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/7/2022 có mức thuế thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước. Dù chưa phải là kết quả cuối cùng nhưng đây là tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Nhu cầu cá tra của thị trường Mỹ cũng đang hồi phục. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang tìm mua 5,96 triệu pound phi lê cá tra, cá da trơn đông lạnh để sử dụng trong các chương trình phân phối thực phẩm trong nước. Đây là thương vụ mua cá da trơn lớn thứ ba của USDA vào năm 2023, sau thương vụ mua 6,2 triệu pound phi lê cá da trơn chưa tẩm bột với tổng trị giá 41,8 triệu USD (38 triệu EUR) vào tháng 3.
Tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu cá tra ở đã giảm đáng kể kể từ đầu năm 2023, nhưng doanh số bán phi lê cá tra tẩm bột đang có dấu hiệu tốt hơn ở thị trường này. Tính từ đầu năm cho đến hết tháng 8/2023, Trung Quốc nhập khẩu 11.900 tấn cá tra từ Việt Nam, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh số bán cá tra phile tâm bột vẫn tăng, khi mà sản phẩm này xuất hiện ngày càng nhiều trên thực đơn các nhà hàng ở miền Bắc Trung Quốc với giá 5,47 - 6,83 USD/suất. Sản phẩm này cũng nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng Trung Quốc.
Theo các chuyên gia thị trường của Vasep, tiêu thụ cá ngừ, mực, bạch tuộc và một số hải sản cao cấp tiếp tục bị tác động bởi những bối cảnh kinh tế giảm, lạm phát cao, người tiêu dùng chi tiêu thận trọng. Để hầu hết người tiêu dùng vẫn tiếp cận được các sản phẩm hải sản phổ biến và cao cấp, các nhà chế biến và kinh doanh thủy sản đang có xu hướng đóng gói sản phẩm kích cỡ nhỏ hơn, giá phù hợp với túi tiền của mọi tầng lớp thu nhập. Xu hướng này hy vọng sẽ kích cầu tiêu dùng hải sản tốt hơn trong thời gian tới.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()