Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 05:05 (GMT +7)
“Nghề giáo là một nghề cao quý, cần sự đồng hành của toàn xã hội…”
Chủ nhật, 19/11/2023 | 11:13:45 [GMT +7] A A
Tự hào là học sinh một trong những ngôi trường có bề dày truyền thống ở Quảng Ninh là Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long), cô giáo Trần Thị Hồng Nhung (SN 1985) càng tự hào hơn vì 16 năm qua được nối tiếp các thế hệ giáo viên viết tiếp những trang vàng trong sự nghiệp trồng người ở chính ngôi trường xưa, đồng thời cũng là nối tiếp truyền thống gia đình gắn với nghề giáo.
Một niềm vui, niềm vinh dự nữa vừa đến với cô giáo Nhung, đó là tại Hội thi Giáo viên giỏi cấp tỉnh năm 2023 vừa qua, cô đã xuất sắc nhận được điểm số giờ dạy cao nhất trong số 77 giáo viên toán tham gia hội thi, được Giám đốc Sở GD&ĐT tặng giấy khen. Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện với cô giáo Trần Thị Hồng Nhung (ảnh) xung quanh những vấn đề về trường lớp, về nghề giáo mà cô đã và đang dành nhiều tâm huyết gắn bó.
- Chào cô Nhung. Cô có thể chia sẻ thêm với bạn đọc, cơ duyên nào khiến cô quay trở lại trường cũ giảng dạy và điều đó có ý nghĩa như thế nào với cô?
+ Tôi sinh ra ở TX Quảng Yên nhưng TP Hạ Long là nơi tôi sinh sống và gắn bó từ thuở ấu thơ, tôi yêu Hạ Long cũng yêu ngôi trường THPT Hòn Gai, vì đây là nơi tôi được học tập, rồi từ đây trưởng thành. Với tôi, đây cũng là ngôi trường lý tưởng, có bề dày truyền thống lịch sử 64 năm hình thành và phát triển, được nhiều giáo viên như chúng tôi mơ ước được về đây giảng dạy. Vì vậy, khi có cơ hội được quay trở về trường cũ làm việc, cống hiến, tôi vô cùng hạnh phúc.
Với tôi, việc được quay trở về giảng dạy tại Trường THPT Hòn Gai cũng là một cái duyên. Khi tôi học xong Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Thái Nguyên), ra trường vào năm 2007 cũng trùng với thời điểm nhà trường đang thiếu giáo viên, vì vậy tôi đã đăng ký thi tuyển vào trường.
Quá trình thi tuyển, tôi may mắn được các thầy cô từng giảng dạy khi tôi là học sinh của trường giúp đỡ, tạo điều kiện, cho tôi thêm nghị lực và tự tin tham gia kỳ thi. Đặc biệt phải kể tới cô giáo Vũ Thị Dung từng là giáo viên chủ nhiệm, dạy môn Toán của tôi năm xưa, khi ấy cô đang là hiệu phó của nhà trường. Cô cũng chính là giáo viên tôi ngưỡng mộ, là người đã truyền cảm hứng, nhiệt huyết cho tôi từ một cô học sinh có năng khiếu văn, giỏi văn chuyển sang đam mê môn Toán và từ đó lựa chọn thi vào Trường THPT Hòn Gai, theo đuổi môn Toán, sau này nối tiếp công việc giảng dạy môn Toán của cô.
- Như vậy, với cô hẳn là việc truyền cảm hứng cho học sinh cũng quan trọng không kém việc truyền dạy về kiến thức?
+ Tôi nghĩ, việc truyền cảm hứng, lôi cuốn các em học sinh vào niềm say mê học tập là điều quyết định thành công thực sự của người giáo viên. Bởi lẽ, trong thời đại này có rất nhiều kênh thông tin để học sinh có thể tiếp cận tri thức như mạng internet, sách báo… Nhưng để những kiến thức ấy đi vào thực tế và hữu ích trong cuộc sống thì giáo viên phải là người truyền cho các con cảm hứng, năng lượng để các con chủ động lĩnh hội và sử dụng kiến thức đó phục vụ cuộc sống của mình.
- Từng là học sinh, giờ đây lại trở thành giáo viên ở ngôi trường xưa, cô nhận thấy học sinh thế hệ mình và lớp học sinh hôm nay có nhiều khác biệt không?
+ Các em học sinh bây giờ giỏi hơn chúng tôi ngày xưa, đặc biệt là giỏi ngoại ngữ, các em cũng năng động, tự tin hơn rất nhiều. Cơ sở vật chất trường lớp giờ khang trang hơn, công nghệ thông tin phát triển giúp các em tiếp cận được nguồn kiến thức rộng mở hơn, thể hiện được năng lực của bản thân, từ đó phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, phát triển toàn diện các kỹ năng của học sinh.
Ngược lại, các em học sinh giờ phải chịu nhiều áp lực hơn, môi trường xã hội phát triển cũng khiến các em phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ mạng xã hội, công nghệ… dễ làm cho không ít học sinh có những xao nhãng trong việc học tập, không làm chủ được bản thân, dễ bị lôi kéo, sa đà vào các thói xấu, tệ nạn xã hội… Các em có những không gian riêng trên mạng xã hội, có những nhóm riêng, từ đó tạo ra những “sóng ngầm” về mặt tâm lý mà giáo viên, phụ huynh không dễ nhìn ra…
- Là một giáo viên chủ nhiệm, cô có bí quyết gì để gần gũi, khiến các em có thể chia sẻ những tâm tư mà có thể các em còn không chia sẻ với bố mẹ mình?
+ Mỗi giáo viên sẽ có phương pháp khác nhau, còn với tôi khi tiếp nhận bất cứ một lớp nào thì điều đầu tiên là tôi sẽ phải tạo cho học sinh cảm giác “an toàn” khi tiếp xúc với cô giáo. Sự chân thành, gần gũi, thân thiết từ phía giáo viên giúp học sinh thêm tin tưởng và có thể coi cô giáo như một người bạn, sẵn sàng lắng nghe mọi vấn đề mà các em chia sẻ, từ đó tư vấn, định hướng cho các em. Giáo viên chủ nhiệm lại càng phải xây dựng niềm tin từ học sinh của mình. Nó được dựng xây bởi tình yêu thương, trách nhiệm, sự tôn trọng và ủng hộ học sinh từ phía giáo viên. Tôi tin rằng, khi học sinh đã có niềm tin thì các em sẵn sàng cởi mở, chia sẻ với giáo viên.
Các em học sinh THPT đang trong độ tuổi trưởng thành, tôi xác định là phải luôn học hỏi, trang bị thêm cho mình những kỹ năng trong giao tiếp để có thể tiếp cận với học sinh, giúp các em chia sẻ với mình những vấn đề các em gặp phải trong cuộc sống. Các em nhiều khi chỉ với một chiếc điện thoại là chìm đắm trong thế giới ảo, ít chia sẻ với mọi người xung quanh những vấn đề gặp phải, vì vậy giáo viên như tôi cũng phải học hỏi, có nhiều giải pháp để có thể giúp các em chia sẻ nhiều hơn, sống với tập thể, vì tập thể nhiều hơn.
- Quan hệ của giáo viên giờ đây còn là mối quan hệ với phụ huynh học sinh, cô có chia sẻ gì về điều này?
+ Xây dựng mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh học sinh để thúc đẩy sự phát triển của học sinh là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Không nên chỉ khi phát sinh vấn đề, phụ huynh và giáo viên mới có những cuộc gặp gỡ để giải quyết. Tôi thường liên lạc với phụ huynh khi học sinh của mình đạt những thành tích cao hoặc có sự tiến bộ trong học tập và rèn luyện, trao đổi các vấn đề về tâm sinh lý của các con, những khó khăn, vướng mắc của học sinh cần sự hỗ trợ từ phụ huynh…
Giảng dạy các em học sinh THPT là lứa tuổi chuẩn bị bước vào đời, vì vậy tôi đặc biệt cũng hay trao đổi về định hướng nghề nghiệp của các con với phụ huynh dựa trên những điểm yếu, điểm mạnh của các con. Sự tin cậy, tin tưởng, hết lòng vì con em chính là những điểm tựa vững chắc nhất cho mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh học sinh ngày càng tích cực hơn.
- Chia sẻ thật ngắn gọn về nghề giáo thì cô sẽ chia sẻ điều gì?
+ Cho tới giờ, tôi vẫn luôn yêu nghề giáo, chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ có lúc nào đó mình có thể vơi bớt đi niềm yêu nghề, vì từ nghề giáo đem lại cho tôi những hạnh phúc mà tôi sẽ đi theo suốt cuộc đời này. Xã hội bây giờ mặc dù có nhiều quan điểm, đánh giá khác nhau nhưng tôi luôn nghĩ nghề giáo là một nghề cao quý, cần được xã hội tôn vinh, trân trọng, nhà giáo cần được xã hội tin tưởng, ủng hộ, vì nhà giáo giờ cũng chịu áp lực từ nhiều phía, rất cần sự đồng hành của toàn xã hội.
- Xin cảm ơn cô về cuộc trò chuyện!
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()