Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 04:17 (GMT +7)
Nghệ nhân hết lòng vì nghệ thuật then
Thứ 4, 12/07/2023 | 10:47:37 [GMT +7] A A
Trong một gia đình đã có 4 đời "làm then", từ nhỏ bà Nông Thị Hang (SN 1946, thôn Chiến Thắng, xã Điền Xá) đã được tiếp xúc với các nghi lễ làm then cầu an, cầu phúc. 26 tuổi bà đã thành thục then nghi lễ, thường xuyên được mời làm lễ cầu phúc, cầu an cho bà con người Tày trong vùng.
Ngôi nhà nhỏ của Nghệ nhân Nông Thị Hang khá đơn sơ. Điều ấn tượng nhất đối với ai đến thăm gia đình bà là một dãy các bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền trao tặng vì những đóng góp của bà vào việc phát triển, bảo tồn nghi lễ làm then cầu an, cầu phúc.
Bà Hang cho biết: “Dường như tôi sinh ra đã gắn bó với cây đàn, nghi lễ làm then cầu an, cầu phúc, nên học đến đâu nhớ đến đó, khi vào việc tâm trí như quên tất cả mọi thứ. Vì vậy chỉ sau một thời gian ngắn tôi đã trở thành một trong những hạt nhân tiêu biểu của xã về thực hiện nghi lễ làm then cầu an, cầu phúc của dân tộc Tày”.
Theo Nghệ nhân, hát then để cầu, chúc phúc, giải hạn, cầu được mùa màng tốt tươi, tai qua nạn khỏi, phúc lộc đầy nhà. Then tín ngưỡng được xem là liều thuốc tinh thần khuyến khích, động viên mọi người vượt qua khó khăn hoạn nạn, tin tưởng vào tương lai tốt đẹp, không vi phạm pháp luật, giữ sự hoà khí trong gia đình, tình làng nghĩa xóm... Khi tổ chức làm then nghi lễ, bà then phải kiêng không ăn mặn, nhất là thịt trâu, bò, chó.
Ngoài các bài then cổ, bà Hang còn sưu tầm được vài chục bài then mới có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước đổi mới, tinh thần đoàn kết của bà con dân tộc. Qua đó làm phong phú thêm các làn điệu then, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong vùng.
Dù nay tuổi đã cao, nhưng bà Hang vẫn giữ nguyên niềm đam mê với những làn điệu hát then như lúc đôi mươi. Những ngón đàn của bà vẫn điêu luyện, khi cất lên đưa người nghe đến với cảnh sắc vùng biên cương đẹp và cuốn hút. Để không mai một đi các làn điệu then, hằng ngày bà Hang cặm cụi chép những bài then theo trí nhớ; đến các bản xa để sưu tầm làn điệu then đậm nét văn hoá dân gian của dân tộc Tày; từ đó chỉnh sửa lời hát sao cho gọn gàng, dễ hiểu, truyền đạt cho lớp trẻ.
Bà Hang tập hợp những người yêu thích hát then, truyền dạy kiến thức, những làn điệu then cho học trò. Lớp học thường được tổ chức vào các buổi tối tại Nhà văn hóa thôn, dịp học sinh được nghỉ hè. Đến nay bà Hang đã truyền dạy cho vài chục học trò, trong đó có những học trò xuất sắc tiếp thu tốt như các chị: Nông Thị Mai (xã Điền Xá), Hoàng Thị Niên (xã Phong Dụ), Sùng Thị Liên (thị trấn Tiên Yên), Hà Thị Ánh Mai (xã Châu Sơn, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn)…
Đi lại khá khó khăn, nhưng vào tháng 2, tháng 7, tháng 11 trong năm, bà Hang vẫn nhận những lời mời làm lễ hay trình diễn then cổ. Bà cũng thường xuyên tham gia các lễ hội trong và ngoài tỉnh. Nghệ nhân Nông Thị Hang được xem là “nhạc trưởng” trong mỗi đợt đi biểu diễn then cổ.
“Tôi làm không phải vì thù lao mà cái chính là vì tình yêu văn hóa của cha ông truyền lại và niềm đam mê với then. Bây giờ tuổi tuy đã cao, mắt mờ, đi lại khó khăn, nhưng mỗi khi cầm cây đàn, miệng cất tiếng hát, làm các thủ tục nghi lễ với then, tôi thấy mình như trẻ ra. Vì vậy, tôi còn sức thì vẫn còn làm và tiếp tục truyền dạy cho thế hệ đi sau giữ gìn bản sắc của dân tộc mình” - Bà Hang nói.
Với những đóng góp của mình, năm 2013 bà Nông Thị Hang được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng Nghệ nhân dân gian; năm 2015 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Nguyễn Duy
Liên kết website
Ý kiến ()