Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:13 (GMT +7)
Nghệ nhân Thanh Hương và niềm đam mê hát chèo
Chủ nhật, 16/07/2023 | 13:14:04 [GMT +7] A A
Với niềm đam mê hát chèo sâu nặng, Nghệ nhân dân gian Thanh Hương đã thầm lặng cống hiến, biểu diễn và truyền dạy hát chèo đến với công chúng yêu nghệ thuật dân tộc ở Quảng Ninh.
Nghệ nhân dân gian Thanh Hương (tên thật là Nguyễn Thị Hương), sinh năm 1952 tại quê lúa xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Sinh ra tại miền đất của chèo nên từ tấm bé, bà Hương đã được tiếng đàn của cha, tiếng hát chèo của mẹ ngấm vào lòng. Sau này, gia đình bà chuyển ra Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng sinh sống nhưng nền nếp hát chèo ở quê hương thì vẫn được duy trì.
Nghệ nhân Thanh Hương nhớ lại: Cha tôi là đội trưởng của đội văn nghệ thị trấn Cát Bà nên chúng tôi sống trong môi trường văn nghệ hát hò từ bé. Thời đó, cha tôi biết sử dụng rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc như: Nhị, hồ, đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tam thập lục. Ông kể, ông học hát chèo và chơi nhạc từ các bậc nghệ nhân cao niên từ thời trẻ khi ông còn ở Thái Bình. Mẹ của tôi là một cô gái thôn quê hát chèo rất mượt mà ở thôn Cổ Lũng, xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy. Hai người nên duyên vợ chồng từ những câu hát chèo. Tôi ra đời từ mối duyên tình giữa làng chèo quê lúa như thế.
Khi lên 5 tuổi, bà Hương được cha mẹ bắt đầu truyền dạy cho hát chèo. Những bài đầu tiên bà học là điệu “sắp cổ phong”, “sắp thường”. Cha mẹ hướng dẫn cho bà rất tỷ mỷ. Người mẹ thường hát mẫu thị phạm cho con xem để con hát theo. Nhờ đó, 3 năm sau, khi lên 8 tuổi, bà Hương đã có thể biểu diễn các làn điệu chèo cơ bản.
Cũng năm đó, Đoàn Nghệ thuật chèo Hải Phòng ra Cát Bà biểu diễn đã chú ý đến một cô bé xinh xắn đam mê hát chèo. Nghệ sĩ Minh Tơ, diễn viên của đoàn, nghe bà Hương hát và đã đề nghị với gia đình cho con đi học chèo sau này sẽ xin về Đoàn Nghệ thuật Chèo Hải Phòng. Cứ thế bà Hương lớn lên với những làn điệu chèo của cha mẹ và sự kèm cặp của nghệ sĩ Minh Tơ. Nhờ những làn điệu chèo được dạy từ nhỏ mà sau này lớn lên bà Thanh Hương đã có thể hát vững vàng nhiều làn điệu khó hơn như: Nhịp đuổi, xẩm xoan, lới lơ v.v..
Từ năm 1968, thị trấn Cát Bà bị ném bom ác liệt, cha mẹ bà Hương phải đưa đàn con về quê ngoại Thái Thụy, Thái Bình tản cư. Sống giữa quê hương là cái nôi của hát chèo, bà Hương có nhiều cơ hội để thể hiện năng khiếu của mình. Bà được các lão nghệ nhân trong xã tiếp nhận vào đội văn nghệ để tiếp tục truyền dạy cho những làn điệu chèo cổ. Từ năm 1970, bà Hương được phân công một vai trong vở chèo “Đường về trận địa” và thường xuyên tham gia đội tuyên truyền phát thanh lưu động của xã đi biểu diễn giao lưu khắp nơi trong vùng.
Với niềm say mê hát chèo, bà Hương thường tranh thủ tiếp cận các nghệ nhân cao niên để được dạy cho những bài hát chèo cổ. Trong môi trường đó, bà Hương đã tập hát thành công hàng chục làn điệu chèo cổ trong kho tàng di sản hát chèo Việt Nam như: Đường trường thu không, Chinh phụ, Đường trường bắn thước, Đường trường tiếng đàn, Con nhện giăng mùng, Tò vò v.v..
Năm 1972, bà Hương về công tác tại công trường xây dựng, Nhà máy đóng tàu Ba Lan, Quảng Ninh. Dù bận rộn với công việc cơ quan và gia đình nhưng bà vẫn thường xuyên tập luyện và biểu diễn hát chèo trong các buổi giao lưu văn nghệ. Đây cũng là những năm tháng bà Hương say mê thực hành biểu diễn các làn điệu dân ca chèo trên đất mỏ Quảng Ninh.
Trải qua mấy chục năm ca hát, với niềm đam mê hát chèo, bà Thanh Hương đã tham gia hàng trăm chương trình văn nghệ của cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, khu phố. Năm 1992, bà Hương xin nghỉ hưu sớm và về tham gia đội văn nghệ của khu phố và làm đội trưởng. Đội văn nghệ đã đi phục vụ nhiều chương trình văn nghệ của khu phố, phường, tham gia các hội thi, hội diễn của thành phố và đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thanh Mai, nguyên phó Trưởng Đoàn Nghệ thuật Chèo tỉnh Quảng Ninh, nhận xét: Nghệ nhân Thanh Hương là người hát chèo không chuyên nhưng lại có một chất giọng rất đặc biệt, trầm ấm, truyền cảm. Đặc biệt là chị có khả năng thuộc lời rất nhanh tất cả các làn điệu. Chị có sở trường với những làn điệu chèo trữ tình, những vai chính diện kiểu đào thương. Trong việc biểu diễn và truyền dạy, chị rất vất vả nhưng vì tình yêu chèo, vì sự đam mê, chị đã biểu diễn hết mình, một cách tự nguyện.
Nghệ nhân dân gian Thanh Hương hiện là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Yêu tiếng hát dân ca quê hương thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh với 32 thành viên. Bà tự nguyện truyền dạy hát chèo cho các đội văn nghệ của nhiều thôn, xã trong tỉnh; phục vụ các lễ hội đình, hội chùa, dàn dựng nhiều hoạt cảnh chèo với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản diễn xướng chèo dân gian của cha ông.
Năm 2021, bà Nguyễn Thị Hương được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam vì đã có công thực hành và truyền dạy hát chèo cổ. Hiện nay, Nghệ nhân Thanh Hương sinh sống ở tổ 5, khu 6, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long và vẫn say mê biểu diễn thực hành và truyền dạy hát chèo.
Huỳnh Đăng
- Công bố thêm nhiều di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Thêm 14 di sản ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
- Thực hành Then được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
- Độc đáo 14 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Việt Nam
- Bộ VHTTDL công bố Danh mục 19 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Lễ hội đua ngựa Bắc Hà trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
- Bảo vệ di sản phi vật thể Hà Nội trước sức ép của đô thị hóa
- Di tích miếu Bà Rá và đường tới Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Liên kết website
Ý kiến ()