Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:53 (GMT +7)
Nâng mức phạt vi phạm giao thông
Thứ 6, 04/03/2022 | 13:11:15 [GMT +7] A A
Nghị định số 123/2021/NĐ-CP "Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng" có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Việc nâng mức xử phạt được xem là giải pháp quan trọng mang tính chất răn đe, xử lý nghiêm.
Theo Đại tá Vũ Minh Đức, Trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh), ngay sau khi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, lực lượng CSGT đã triển khai công tác xử lý, đồng thời tăng cường tuyên truyền đến các lái xe, nhằm chấp hành tốt. Nghị định sẽ góp phần hạn chế các hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh), được giao kiểm soát trên 70km đoạn Quốc lộ 18 qua các địa bàn Hạ Long, Cẩm Phả. Đây là đoạn quốc lộ có mật độ phương tiện tham gia giao thông đông, do vậy công tác đảm bảo trật tự ATGT luôn phải được thực hiện 24/24 giờ. Ngay sau khi Nghị định có hiệu lực, Đội CSGT số 2 đã tăng cường việc tuyên truyền để lái xe nắm bắt được mức xử phạt mới, tránh trường hợp không chấp hành, gây mất ANTT.
Theo cán bộ của Đội CSGT số 2, nhiều chủ phương tiện khi bị lập biên bản xử phạt đều khá ngỡ ngàng trước mức phạt tăng. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, giải thích và cho xem các quy định mới, đa số vui vẻ chấp nhận. Một số trường hợp cố tình không hợp tác, lực lượng CSGT buộc phải có biện pháp cứng rắn để xử lý theo quy định.
Theo Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, các hành vi điều khiển xe gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc gắn biển không do cơ quan có thẩm quyền cấp, gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp... sẽ bị phạt từ 4-6 triệu đồng (trước phạt cao nhất đến 1 triệu đồng). Không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách khi điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông có thể bị phạt tới 600.000 đồng. Đón trả khách trên đường cao tốc bị phạt từ 10-12 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng; nhận, trả hàng hóa trên cao tốc bị xử phạt tương tự hành vi đón, trả khách trên cao tốc.
Đua mô tô, xe máy, xe đạp điện trái phép, mức phạt tăng lên 10-15 triệu đồng, bị tịch thu xe. Tài xế chở quá tải trên 50% quy định phải nộp phạt từ 40-50 triệu đồng, bị tước bằng lái 3-5 tháng, thay vì 1-3 tháng như trước đây. Trường hợp này, chủ xe là cá nhân bị phạt từ 70-75 triệu đồng, chủ xe là tổ chức bị phạt từ 140-150 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Trung, lái xe khách tuyến Liên Vị - Vân Đồn, cho biết: Việc tăng nặng mức xử phạt là cần thiết trước diễn biến phức tạp trong công tác đảm bảo trật tự ATGT hiện nay. Trước kia do mức phạt nhẹ, một số người dân có tư tưởng không chấp hành, thì nay đều phải tuân thủ do mức phạt tăng cao. Tuy nhiên, mọi người nên chấp hành tốt Luật Giao thông không chỉ vì mức phạt tăng cao, mà hơn hết là để bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng, cùng nhau xây dựng văn hoá giao thông.
Bên cạnh việc Nghị định 123 có hiệu lực ngày 1/1/2022 thì nhiều quy định, thông tư mới cũng bắt đầu được áp dụng xử phạt đối với một số loại hình hoạt động vận tải. Trong đó có việc xử phạt phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải không đổi biển kiểm soát từ màu trắng sang màu vàng theo Thông tư 58/TT-BCA của Bộ Công an và lắp Camera giám sát hành trình đối với xe kinh doanh vận tải của Bộ GTVT.
Việc nhiều nghị định, thông tư mới về tăng mức xử phạt về lỗi vi phạm Luật giao thông có hiệu lực đã góp phần rất lớn vào việc đảm bảo trật tự ATGT, kéo giảm TNGT. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả đó là người tham gia giao thông cần phải chấp hành nghiêm các quy định an toàn khi lưu thông trên đường, có như thế thì TNGT mới giảm sâu và bền vững.
Nguyễn Duy
Liên kết website
Ý kiến ()