Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp, doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam miền Trung, thẳng thắn nêu ý kiến: Các doanh nghiệp đang thiếu nhân lực và nguyên liệu nghiêm trọng. Dù 1 doanh nghiệp có sản xuất được, có chủ động được "3 tại chỗ" (3T), nhưng đầu vào ách tắc là 3T cũng không sản xuất được.
"Tôi có nhà máy nước mắm sản lượng 25 triệu lít/năm, mỗi tháng doanh nghiệp cần mua vài nghìn tấn cá cho nông dân, cho ngư dân nhưng việc vận chuyển không thể giải quyết được, không đi được. Để cung ứng hàng hóa ra thị trường, chúng tôi cần nút chai, tem, nhãn, hộp catton, thùng đựng… đầu vào đều bế tắc nên cuối cùng nhà máy phải đóng cửa" - ông Nguyễn Hoàng Anh nói.
Còn theo ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, trong nhà máy, vấn đề dịch bệnh được quản lý rất tốt, chỉ đáng lo ngại công nhân không đảm bảo được nguồn lây khi ở nhà hoặc trên đường đi làm. Trong thời gian trước, tỉnh Cà Mau kiểm soát dịch bệnh theo “một cung đường nhiều điểm đến" và công nhân đi làm rất tốt. Nhưng chỉ 1 doanh nghiệp làm không tốt, có ca nhiễm, khiến tất cả doanh nghiệp đã phải thực hiện 3T hết.
Theo các chủ doanh nghiệp, dịch COVID-19 đã gây đứt gãy nguồn cung nguyên liệu sản xuất, nguồn nhân lực lao động, nên xảy ra tình trạng: Doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất lại thiếu nguyên liệu, doanh nghiệp có nguyên liệu lại không có lao động. Các trường hợp trên chỉ là những ví dụ nhỏ về muôn vàn khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt với đứt gãy sản xuất hiện nay.
Theo ông Trần Đình Luân Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đã có 120 trong tổng số 449 nhà máy chế biến thủy sản dừng hoạt động; những nhà máy còn lại thì công suất chỉ đạt khoảng 30-40%. Chi phí sản xuất của nhà máy tăng, nguy cơ chậm và bị phạt đơn hàng là rất lớn.
Mặc dù hiện tại giá xuất khẩu tăng, đơn hàng tăng nhiều hơn, nhưng thiếu nhân lực, thiếu nguyên liệu vì không thể vận chuyển từ vùng này sang vùng khác, doanh nghiệp đang bị “trói tay” không thể tăng quy mô sản xuất để đáp ứng xuất khẩu.
Ông Bùi Bá Sự - Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Việt Úc, nhấn mạnh: Các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Châu Âu đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và nhu cầu nhập khẩu thủy sản trong đó có mặt hàng tôm rất cao. Nhất là dịp Noel và năm mới sắp đến, tạo cơ hội rất lớn cho ngành thủy sản Việt Nam tăng tốc về đích, đạt các chỉ tiêu sản xuất, xuất khẩu năm 2021. Do đó, trong thời gian tới, dự báo giá tôm sẽ tăng. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp thủy sản đang bị COVID-19 giáng đòn nặng nề, cần hỗ trợ của Nhà nước mới có thể tái sản xuất trở lại.
Dự báo xuất khẩu thủy sản chỉ ở mức 8,8 tỉ USD
Đầu năm 2021, ngành thủy sản đã đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 9 tỉ USD, nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 gây đứt gãy chuỗi sản xuất như hiện nay, Vasep cho rằng, năm 2021 chỉ có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 8,8 tỉ USD. Đây cũng là kết quả rất đáng khích lệ.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, dù trong dịch bệnh phức tạp, sản lượng thủy sản năm 2021 vẫn đặt mục tiêu kế hoạch 8,6 triệu tấn, chúng ta đã đạt xấp xỉ 5,87 triệu tấn, 4 tháng tới phải đạt thêm 2,9 triệu tấn.
"4 tháng cuối năm sản lượng ở đâu, như thế nào, cần có kịch bản cụ thể. Chống dịch là trên hết nhưng phải phấn đấu để đạt "mục tiêu kép", các tỉnh, các doanh nghiệp đang vật lộn để đạt mục tiêu. Về vốn sản xuất, cần xem doanh nghiệp nào khó khăn để tháo gỡ" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Để hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị bẻ gãy, Bộ NNPTNT đã có văn bản đề nghị các địa phương ưu tiên vaccine cho ngành thủy sản, đặc biệt là đối với các nhân lực lao động trực tiếp. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ về lãi suất, tiền điện để doanh nghiệp vượt qua "cú sốc" COVID-19.
Về lưu thông hàng hóa, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nêu rõ: Vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp phải được lưu thông. Chính phủ đã quy định, trừ hàng cấm, tất cả hàng hóa đều được lưu thông. Do đó, cần có sự thống nhất giữa các địa phương, đưa ra được phương án quản lý tài xế thì vấn đề sẽ được tháo gỡ.
"Nguồn lây virus không phải ở xe, không phải ở vật tư, nguyên liệu, mà ở lái xe, do đó chỉ cần quản lái xe trong phòng chống dịch thì vấn đề này đã được tháo gỡ. Về xét nghiệm, WHO đã khuyến cáo để 3 ngày thì nên thực hiện, tại sao có tỉnh lại tự quy định chỉ 24 giờ" - Thứ trưởng Tiến nêu câu hỏi.
Ý kiến ()