Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 12:24 (GMT +7)
Nghịch lý giá cả
Thứ 6, 27/04/2007 | 07:10:13 [GMT +7] A A
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,49% so với tháng 3, tăng 3,52% so với tháng 12.2006 và tăng 7,16% so với tháng 4.2006. Các chỉ số này đều cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình trên có thể coi như một nghịch lý. Nghịch lý này được biểu hiện trên một số mặt.
Thứ nhất, năm nay là năm đầu tiên Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo dự đoán của các chuyên gia cũng như sự mong đợi của người tiêu dùng, khi nước ta gia nhập WTO, thuế suất thuế nhập khẩu sẽ được cắt giảm theo cam kết, thì hàng nhập khẩu vào nước ta sẽ nhiều hơn và rẻ hơn, giá tiêu dùng sẽ có điều kiện nếu không giảm thì cũng sẽ tăng thấp hơn. Thực tế, với việc cắt giảm thuế suất của gần 2.000 mặt hàng, kim ngạch nhập khẩu vào nước ta quý I tăng cao gần gấp đôi tốc độ tăng của xuất khẩu (33,6% so với 17,9%), nhập siêu đã lên đến 1.315 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu), nhưng giá tiêu dùng đã tăng cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước.
Lý giải tình hình này, các chuyên gia đã đưa ra một số nguyên nhân. Có nguyên nhân nhập siêu tăng nhưng lại chủ yếu tập trung vào các nước và vùng lãnh thổ châu Á, đặc biệt là từ Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ (chỉ với 8 thị trường này Việt Nam đã nhập siêu tới trên 4,3 tỉ USD), trong khi thuế suất thuế nhập khẩu từ các nước này hầu như không giảm vì đã thấp hơn từ trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Những mặt hàng được cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu chủ yếu là từ các nước ngoài khu vực và chủ yếu là những mặt hàng cao cấp - những mặt hàng hiện còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị của "rổ" hàng hóa, dịch vụ tính chỉ số giá của nước ta. Có nguyên nhân do sự biến động của cả hai nhóm hàng hóa: những sản phẩm không còn được bảo hộ nữa sẽ giảm giá theo giá thế giới nhưng thực tế năm nay giá thế giới lại tăng so với cùng kỳ năm trước (nhất là sắt thép, phân urê, giấy, sợi dệt, bông, lúa mì,...); những sản phẩm mà Chính phủ thôi trợ cấp thì lại được "tháo cũi" để giá tăng dần lên theo giá thị trường, như xăng dầu, than, điện,...
Thứ hai, tăng trưởng kinh tế năm nay cả về mục tiêu, cả về thực tế trong quý I đã cao hơn năm trước (thực tế quý I tăng 7,7% so với 7,2%, mục tiêu cả năm tăng 8,5% so với 8,17%). Sản xuất trong nước tăng cộng với nhập siêu tăng sẽ làm cho cung tăng cao hơn. Khi cung tăng cao hơn thì sẽ tạo điều kiện cho giá cả tăng thấp hơn mới là bình thường, nhưng thực tế giá lại tăng cao hơn, thì đó là nghịch lý.
Lý giải nghịch lý này, các chuyên gia đã đưa ra nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn (cả lúa, cả gia cầm, cả trâu, bò, lợn), điện tăng thấp... trong khi giá xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng làm cho mặt bằng giá trong nước tăng theo.
Thứ ba, lãi suất huy động tiết kiệm của các ngân hàng thương mại duy trì ở mức cao, thậm chí còn cao hơn cả năm trước. Cộng với tốc độ tăng giá ở thị trường chứng khoán, thị trường nhà đất, thị trường vàng... có tác động hút tiền trong lưu thông, giảm áp lực đối với giá tiêu dùng. Điều đó đồng nghĩa với giá tiêu dùng khó mà tăng cao hơn mới đúng, nhưng thực tế giá tiêu dùng đã tăng cao hơn và đó cũng là một nghịch lý. Lý giải nghịch lý trên, các chuyên gia đã đưa ra nguyên nhân có thể là do mức cung tiền và mức cung tín dụng cao hơn năm trước, trong đó lượng tiền chạy từ các ngân hàng thương mại ra lưu thông thông qua sự nóng lên của thị trường chứng khoán, đất đai, vàng.
Từ các nghịch lý và những nguyên nhân được lý giải ở trên, cộng với những yếu tố tác động trong thời gian tới (như giảm lãi suất huy động; giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng, giá than, giá thuốc,... tăng; giá chứng khoán giảm...), các chuyên gia đã đưa ra dự đoán giá tiêu dùng cả năm không những tăng cao hơn năm trước (6,6%), mà còn cao hơn cả mục tiêu đã đề ra (7%).
Đây là điểm cần lưu ý đối với các nhà quản lý kinh tế, điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.
Liên kết website
Ý kiến ()