Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 03:19 (GMT +7)
Ngộ độc thực phẩm ở trẻ và những điều cần biết
Thứ 4, 29/03/2023 | 14:09:53 [GMT +7] A A
Trẻ thường bị ngộ độc thực phẩm do ăn phải thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng - hoặc độc tố của những loại ký sinh trùng này.
Triệu chứng và cách điều trị
Bất cứ ai cũng có thể bị ngộ độc, nhưng trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ ngộ độc cao hơn vì hệ thống miễn dịch của trẻ chưa đủ khả năng chống lại tình trạng nhiễm khuẩn tốt như của người lớn. Thêm vào đó, trẻ không có nhiều axid dạ dày – những axid này không chỉ phân hủy thức ăn mà còn có thể tiêu diệt vi trùng.
Cũng giống như người lớn, trẻ nhỏ cũng cần trải qua các triệu chứng cho đến khi sức khỏe khá hơn. Nhưng vì trẻ em có cơ thể nhỏ hơn, tiêu chảy nhiều và nôn trớ có thể ảnh hưởng đến trẻ nhanh hơn, vì vậy có một số điều cha mẹ cần chú ý.
Triệu chứng: Thông thường, các triệu chứng xuất hiện trong khoảng từ 30 phút đến 2 ngày sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm độc. Thời gian xuất hiện sẽ khác nhau dựa trên nguyên nhân gây bệnh, tuy nhiên chúng có thể bao gồm các triệu chứng sau như: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, đau dạ dày, đau quặn bụng, người mệt mỏi, đau đầu
Điều trị: Trong hầu hết các trường hợp, trẻ sẽ khỏi bệnh mà không cần điều trị, nhưng bạn nên cho trẻ tới khám bác sĩ nếu trẻ có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm nặng.
Nếu trẻ ăn uống vào mà vẫn bị nôn hoặc có dấu hiệu mất nước, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được truyền tĩnh mạch và điều trị tích cực để trẻ ngừng nôn. Truyền tĩnh mạch giúp bù đắp chất lỏng mà trẻ đã mất và khôi phục lại sự cân bằng điện giải. Chất điện giải là các khoáng chất, chẳng hạn như natri và kali, giúp ích cho mọi hoạt động trong cơ thể từ việc giữ cho nhịp tim của trẻ bình thường đến việc kiểm soát lượng nước trong cơ thể trẻ.
Đối với ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng do một số vi khuẩn gây ra, chẳng hạn như listeria, trẻ có thể dùng kháng sinh. Trẻ có thể cần lấy mẫu bệnh phẩm và làm xét nghiệm để xác định quy trình điều trị.
Nhưng đối với hầu hết các loại vi khuẩn, trẻ sẽ không cần dùng kháng sinh trừ khi hệ miễn dịch của trẻ quá yếu. Trẻ cũng có thể uống thuốc trị ngộ độc thực phẩm do ký sinh trùng, nhưng đối với virus thì trẻ không cần dùng thuốc gì.
Chăm sóc trẻ ra sao?
Trẻ em có thể bị mất nước nhanh hơn người lớn vì cơ thể trẻ nhỏ hơn, vì vậy, cần cho trẻ uống nhiều nước. Tránh cho trẻ uống sữa tươi, caffeine và đồ uống sủi bọt hoặc có ga.
Thay vào đó, hãy thử cho trẻ uống các thứ sau:
Đối với trẻ sơ sinh, hãy cho trẻ uống sữa mẹ hoặc sữa công thức. Trẻ cũng có thể uống dung dịch bù điện giải.
Đối với trẻ lớn hơn và trẻ nhỏ, hãy cho trẻ uống nước lọc, nước trái cây hoặc đồ uống có hương vị pha với nước.
Bạn cũng có thể thử các cách như: Tránh cho trẻ ăn thức ăn trong vài giờ đầu tiên cho đến khi dạ dày lắng xuống.
Cho trẻ ăn khi trẻ cảm thấy sẵn sàng, nhưng cho trẻ ăn chậm, bắt đầu với một lượng nhỏ thức ăn nhạt, không béo như bánh quy giòn, ngũ cốc khô, bánh mì hoặc cơm.
Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều.
Ngoài ra, đừng cho trẻ uống bất kỳ loại thuốc nào để cầm tiêu chảy. Tiêu chảy là một cách để cơ thể loại bỏ vi khuẩn. Thuốc chống tiêu chảy có thể làm cho các triệu chứng kéo dài hơn và tác dụng phụ đối với trẻ em có thể nghiêm trọng.
Khi nào nên cho trẻ tới gặp bác sĩ?
Bạn nên cho trẻ tới khám bác sĩ nếu trẻ có những dấu hiệu mất nước bao gồm: Trẻ mê sảng, miệng khô hoặc dính, khát nước nhiều, mắt trũng sâu, ít hoặc không có nước mắt khi khóc, không có sức lực, không đi tiểu hoặc đi tiểu ít, tim đập loạn nhịp, thóp trên đầu trẻ sơ sinh lõm vào trong, yếu, chóng mặt, hoặc cảm thấy lâng lâng.
Thông thường, có thể tự chăm sóc trẻ tại nhà, nhưng nên cho trẻ đến bác sĩ để kiểm tra nếu:
Trẻ dưới 5 tuổi
Trẻ đang có bệnh khác, chẳng hạn như các vấn đề về thận
Cho trẻ khám bác sĩ nếu không cải thiện sau 24 giờ hoặc trẻ có bất kỳ triệu chứng nào sau đây: Nôn hoặc đại tiện ra máu; mờ mắt; tiêu chảy và sốt trên 38 độ C; đau bụng dữ dội không hết sau khi đại tiện; yếu cơ; khó thở; nôn ói lâu hơn 12 tiếng; ngứa ran trong vòng tay
Lưu ý: Hầu hết trẻ em sẽ hoàn toàn trở lại bình thường trong vòng 1 đến 5 ngày, nhưng hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ trở lại trường học hoặc nhà trẻ. Nếu trẻ vẫn bị tiêu chảy, trẻ vẫn có thể lây nhiễm vi khuẩn cho những trẻ khác.
Theo kinhtedothi.vn
Liên kết website
Ý kiến ()