Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:22 (GMT +7)
Ngọc Vừng làm theo lời Bác
Thứ 3, 30/07/2013 | 09:20:57 [GMT +7] A A
Ngày 12 tháng 11 năm 1962, quân dân đảo Ngọc Vừng đã được vinh dự đón Bác Hồ về thăm. Tại đây, Bác đã ân cần hỏi thăm, động viên quân dân trên đảo đoàn kết chiến đấu, vững bước đưa đảo ngọc phát triển đi lên. Lời dạy của Bác năm xưa đã trở thành động lực để Ngọc Vừng vươn lên như ngày hôm nay.
* Ghi nhớ lời Người năm xưa
Dù đã hơn 50 năm nhưng chuyến thăm và những lời dạy của Bác năm xưa vẫn như sống động trong lòng từng người dân xã đảo Ngọc Vừng. Tuy đã cao tuổi nhưng ông Nguyễn Thanh Sỉu (nay trú tại thôn Đông Hợp, Đông Xá, Vân Đồn) vẫn rành rọt kể lại: Còn nhớ vào sáng ngày 12-11 năm đó, chúng tôi bất ngờ được đón Bác về thăm. Cả liên đội khoảng 60 học sinh ào ra đón Bác. Sau khi trò chuyện với quân và dân đảo, Bác ân cần bảo ban học sinh, trực tiếp phát quà, động viên chúng tôi học giỏi. Tôi còn nhớ bàn tay ấm áp, đôi mắt hiền, giọng nói ấm áp, dáng người nhanh nhẹn của Bác...Chính lời dạy của Bác là nguồn động viên để quân dân đảo Ngọc Vừng chiến đấu không mệt mỏi, giành nhiều chiến công. Với lớp trẻ chúng tôi, lời động viên của Bác tạo lên phong trào thi đua học tập hăng say.
Khu lưu niệm Bác Hồ trên đảo Ngọc Vừng được xây dựng ghi nhớ lần bác Hồ về thăm và nói chuyện với quân dân đảo Ngọc Vừng |
Bác Hoàng Minh Trang (nay trú tại thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn), nguyên cán bộ huyện Vân Đồn kể lại: Là liên đội trưởng, lúc đó tôi được vinh dự đọc 5 điều Bác dạy. Thật vui khi Bác ngợi khen học sinh đảo giỏi, xoa đầu và trực tiếp chia kẹo cho chúng tôi. Với tôi, lời động viên ân cần, ấm áp đó chính là động lực cho tôi học tập, phấn đấu không ngừng. Tôi luôn tâm niệm phải làm việc, cống hiến vì nhân dân, quê hương, đất nước. Sau này, dù ở cương vị nào lời Bác dạy luôn là “kim chỉ nam”, hành trang để tôi hoàn thành công việc.
Không chỉ để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí từng người, lời dạy của Bác là động lực để nhân dân đảo ngọc vượt qua bao khó khăn, “mưa bom bão đạn” trong chiến tranh ác liệt. Những lời động viên, khích lệ của Bác Hồ đã thúc đẩy quân dân Ngọc Vừng quyết tâm chiến đấu và chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc từ năm 1964 đến 1972 của đế quốc Mỹ. Khi đó, Ngọc Vừng trở thành pháo đài thép bắn rơi nhiều máy bay địch. Còn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội lời động viên đó là nguồn sức mạnh để các thế hệ trên đảo quyết tâm xây dựng quê hương thành đảo Ngọc như mong muốn của Người.
* Xây dựng đảo ngọc ngày nay
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Thư, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng cho biết: Phát huy truyền thống, thực hiện lời Bác dạy, bao thế hệ dân đảo đang nỗ lực xây dựng phát triển Ngọc Vừng ngày một giàu đẹp. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Ngọc Vừng đang nỗ lực tận dụng mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát huy lợi thế kinh tế, đổi thay diện mạo của đảo. Dù còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân xã đảo luôn đồng lòng, quyết tâm vượt khó vươn lên, xây dựng đảo Ngọc vững mạnh xứng đáng với mong ước của Bác.
Với nỗ lực không mệt mỏi trong nhiều năm qua, Ngọc Vừng đã “thay da đổi thịt”, đạt được nhiều kết quả khả quan. Nếu trước đây Ngọc Vừng rất nghèo, cơ sở hạ tầng, bến cảng, đường sá…đều chưa được đầu tư, nhỏ hẹp. Kinh tế nhỏ lẻ, ngay cả nuôi trồng thuỷ hải sản, du lịch vốn là thế mạnh cũng chỉ phát triển manh mún, tự phát. Nay diện mạo một đô thị mới đang dần hình thành. Hệ thống đường giao thông rộng rãi với độ dài 6km nối từ cảng vào tận trung tâm xã đảo, tới tận thôn xóm... Nhiều ngôi nhà lớn, khu đô thị khang trang mọc lên ở trung tâm xã. Từ trên cao, trung tâm xã đảo như một bức tranh sáng nhiều màu của mái ngói đỏ, nhà cao tầng nối tiếp nhau, đường bê tông thẳng tắp...
Một góc xã đảo Ngọc Vừng đổi mới hôm nay |
Sự thay đổi rõ nét của Ngọc Vừng đó là chuyển biến đáng kể về kinh tế. Ngoài một số ngành nghề khác, Ngọc Vừng đang tận dụng và phát triển tốt thế mạnh vốn có: nuôi trồng thuỷ hải sản. Ngọc Vừng tập trung cho các hộ dân đầu tư vào nuôi trồng các loại nhuyễn thể như: ốc, tu hài, hầu biển. Nhờ lợi thế bờ biển, ghềnh đá dài, nuôi trồng hải sản rất phát triển, cho thu nhập khá, ước tính mỗi hộ đạt từ 30-40 triệu đồng/năm, giúp cải thiện nâng cao đời sống của nhân dân.
Xác định lợi thế, Ngọc Vừng tiếp tục đưa vào những loại hải sản có giá trị thương phẩm cao, quy hoạch khu vực nuôi trồng tập trung ở các thôn: Ngọc Lam, Bình Minh, Ngọc Hải…Số lượng hộ tham gia nuôi trồng cũng tăng nhanh chóng. Nếu như trước năm 2004, xã chỉ có 14 hộ nuôi thí điểm thì tới năm 2013 toàn xã đã có hơn 120 hộ dân nuôi trồng, với diện tích trên 200ha mặt nước. Ngoài ra, Ngọc Vừng còn phát triển các loại cây trồng đặc trưng như: Kiệu, khoai đặc sản…đem lại năng suất cao và thu nhập khá cho người dân. Biết phát huy lợi thế, cải thiện đời sống nhân dân, nay tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh chóng xuống 7,17% (2012), giảm 5,38 so với năm 2011.
Trong thời gian qua, Ngọc Vừng không ngừng thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch và có những thay đổi lớn. Khu vực cảng tàu du lịch Cống Yên có độ dài trên 120m và con đường du lịch dài 3km được đầu tư, hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tháng 6-2013, dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Sông Đà - Ngọc Vừng đã đưa một số hạng mục khách sạn, nhà hàng vào sử dụng, nâng cao khả năng đón khách du lịch. Trên bãi biển Trường Chinh và các khu dân cư gần đó nhiều khách sạn, nhà hàng đang mọc lên. Với cơ sở hạ tầng như vậy Ngọc Vừng đang trở thành một điểm thu hút đầu tư hấp dẫn. Với quy hoạch và nhiều dự án dự kiến triển khai trong tương lại, có lẽ không lâu sau Ngọc Vừng sẽ trở thành một khu du lịch sinh thái nhộn nhịp, một điểm đến hấp dẫn.
Với những kết quả trên, hy vọng rằng trong tương lai không xa Ngọc Vừng sẽ vươn lên phát triển mạnh mẽ, giàu đẹp như mong muốn của Người.
T.Quân - Ngọc Hà - Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()