Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 16/12/2024 13:39 (GMT +7)
Ngôi nhà chung cho trẻ khuyết tật ở Mạo Khê
Thứ 2, 16/12/2024 | 11:17:05 [GMT +7] A A
Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hướng Dương (khu Vĩnh Tuy 1, phường Mạo Khê, TP Đông Triều) đã trở thành ngôi nhà chung cho trẻ khuyết tật (TKT) hoàn cảnh khó khăn. Từ ngôi nhà này, nhiều TKT hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, chăm sóc, phục hồi, tự tin hòa nhập cộng đồng xã hội.
Chị Nguyễn Thị Thanh Huệ, Giám đốc Trung tâm, cho biết: "Khi còn là sinh viên ngành tâm lý học, tôi tham gia công tác tình nguyện, thấy có rất nhiều TKT bẩm sinh nhưng không được hỗ trợ can thiệp sớm, gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này. Tôi tự nhủ sau này sẽ mở một cơ sở giúp TKT được hỗ trợ can thiệp để hòa nhập".
Sau khi tốt nghiệp, chị Huệ có nhiều năm làm tình nguyện viên tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị (TP Hải Phòng), nên càng đồng cảm với những TKT. Năm 2019 chị thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hướng Dương tại Đông Triều. Mục tiêu của Trung tâm là hỗ trợ phát triển toàn diện cho TKT bằng các chương trình giáo dục đặc biệt, can thiệp sớm và trị liệu, nhằm giúp các em phát triển tối đa tiềm năng của mình, hòa nhập với cộng đồng, tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội, học tập và vui chơi. Qua đó hướng đến việc xây dựng một môi trường giáo dục nhân văn, bình đẳng, giúp TKT có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm đã hỗ trợ tư vấn, đồng hành cùng phụ huynh trong việc chăm sóc, giáo dục và định hướng tương lai cho các em; tổ chức khám sàng lọc miễn phí cho trẻ có rối loạn phát triển để phát hiện kịp thời các dạng tật và can thiệp sớm. Đồng thời đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, nhân viên trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt và trị liệu cho trẻ có nhu cầu đặc biệt. Trung tâm còn hỗ trợ giúp đỡ cho nhiều TKT có hoàn cảnh khó khăn.
Lương Đức Trường (10 tuổi, phường Yên Thọ, TP Đông Triều) mắc rối loạn phổ tự kỷ nặng. Hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, bố làm công nhân, mẹ không có việc làm ổn định, việc điều trị can thiệp tại Trung tâm tốn rất nhiều chi phí. Để giúp em điều trị lâu dài, Trung tâm đã tạo điều kiện cho mẹ em Trường là chị Linh Thị Thủy (36 tuổi) vào làm việc, tiện chăm sóc cho con; đóng BHXH cho chị để sau này hưởng chế độ.
Trần Thị Oanh (18 tuổi, phường Mạo Khê) bị khiếm thính dạng nặng, đến Trung tâm hơn 1 năm nay để học ngôn ngữ ký hiệu và dùng chữ viết để giao tiếp với mọi người. Do hoàn cảnh gia đình em khó khăn, Trung tâm đã hỗ trợ 50% tiền học phí hằng tháng, giúp em có điều kiện được học tập, học nghề để nuôi sống bản thân. Một trường hợp khác là Lê Phấn Hoà (2,5 tuổi, xã An Sinh, TP Đông Triều) bị tự kỷ dạng nặng, được Trung tâm hộ trợ một phần học phí…
Trung tâm hiện có 2 cơ sở với tổng số 80 TKT đang được hỗ trợ, chăm sóc giúp đỡ; nhiều trường hợp gia đình khó khăn được Trung tâm hỗ trợ miễn phí. Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm đang thực hiện mô hình hướng nghiệp để đào tạo nghề làm các món chay, búp phê chay cho các TKT lớn tuổi, mong muốn các em sẽ có một nghề để nuôi sống bản thân. Dự kiến mô hình này đi vào hoạt động đầu năm 2025.
Hằng năm Trung tâm tổ chức các hoạt động khám, sàng lọc, đánh giá cho trẻ có rối loạn phát triển miễn phí trên địa bàn TP Đông Triều; tuyên truyền, cung cấp tài liệu hỗ trợ cho phụ huynh học sinh để nâng cao nhận thức phát hiện, can thiệp sớm để giúp trẻ có khả năng hòa nhập tốt hơn. Trung tâm tổ chức hoạt động thiện nguyện hướng tới trẻ em vùng cao, như: Tặng đồ dùng học tập, đồ chơi, quần áo ấm, chăn, đồ ăn; kết nối các nhà hảo tâm đến tặng quà cho trẻ vào dịp lễ, tết; bán hàng gây quỹ vào các dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán để hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại Trung tâm.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()