Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:28 (GMT +7)
Người bệnh viêm phổi nên ăn gì, kiêng gì?
Thứ 5, 04/11/2021 | 07:44:31 [GMT +7] A A
Người mắc bệnh viêm phổi cần tăng cường các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, giàu năng lượng và protein để nâng cao thể trạng, giúp ngăn ngừa biến chứng và nguy cơ suy dinh dưỡng sau này.
1. Bệnh nhân viêm phổi cần tăng cường dinh dưỡng
Bệnh nhân bị viêm phổi cần được tăng cường dinh dưỡng vì những triệu chứng sốt, khó thở, ho làm tiêu hao năng lượng của cơ thể. Trong quá trình phục hồi, cơ thể càng cần được cung cấp đủ năng lượng, chất dinh dưỡng.
Đặc biệt, nguy cơ biến chứng và tử vong do viêm phổi dễ xảy ra ở trẻ suy dinh dưỡng hay do các triệu chứng của bệnh khiến bệnh nhân mệt mỏi dẫn đến ăn uống kém, sút cân, thiếu chất cũng góp phần làm bệnh nặng thêm.
Vì vậy, bên cạnh việc điều trị dùng thuốc thì chế độ dinh dưỡng rất quan trọng, góp phần tăng hiệu quả điều trị, ngăn ngừa biến chứng, giúp người bệnh viêm phổi nhanh hồi phục.
2. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh viêm phổi
2.1 Người bệnh viêm phổi nên ăn gì?
- Thực phẩm giàu protein
Protein (hay còn gọi là chất đạm) là thành phần thiết yếu giúp hình thành, duy trì, tái tạo cơ thể. Nếu thiếu protein dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, hay mắc bệnh do sức đề kháng giảm.
Protein có vai trò quan trọng trong việc tạo ra các mô các tế bào bị tổn thương và sản sinh ra các mô tế bào mới. Đối với người bệnh viêm phổi, việc tăng cường cung cấp protein sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục của cơ thể.
Người bệnh nên ăn các thực phẩm giàu protein như: thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu đỗ... Chọn những thực phẩm ít chất béo như thịt gia cầm không da, thịt trắng, các loại đậu. Hạn chế ăn thịt đỏ vì có thể làm tăng tình trạng viêm.
- Thực phẩm giàu vitamin A
Vitamin A có vai trò quan trọng để tăng sức đề kháng cho cơ thể và chống lại các bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn, trong đó có viêm phổi. Vitamin A cũng giúp bảo vệ sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp.
Người bệnh nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin A như: các loại rau màu xanh đậm (rau ngót, rau dền, rau muống, rau xà lách, rau diếp); các loại củ quả có màu đỏ, vàng (gấc, bí đỏ, hồng, xoài, đu đủ). Khi chế biến thức ăn cần cho thêm dầu, mỡ để hỗ trợ hấp thu vitamin A.
- Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất
Rau củ quả là nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp bổ sung dinh dưỡng, kháng viêm và tăng cường sức đề kháng cho người bệnh viêm phổi.
Nên chọn các loại rau củ quả có màu đậm như các loại rau lá xanh: rau ngót, cải bó xôi, cải xoăn, bông cải xanh...; các loại trái cây giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C như: cam, nho, dâu tây, đu đủ, táo, lê, chuối…
Nếu người bệnh mệt mỏi, khó ăn, có thể uống các loại nước ép trái cây và rau quả tươi cũng rất tốt cho bệnh nhân viêm phổi.
- Ăn lỏng, uống nhiều nước
Bệnh nhân viêm phổi cần được nghỉ ngơi, ăn lỏng và uống nhiều nước. Thức ăn nên chế biến dưới dạng cháo, súp giúp bệnh nhân dễ ăn và dễ tiêu.
Cung cấp đủ nước có tác dụng làm loãng đờm, dịu họng, giúp người bệnh dễ dàng khạc đờm ra. Nhu cầu nước hằng ngày của cơ thể là 2 lít/ngày (bao gồm nước lọc, nước canh, nước trái cây, sữa...). Nếu người bệnh sốt cao cần uống oresol để bù nước và điện giải.
2.2 Thực phẩm cần hạn chế
Người bệnh viêm phổi cần hạn chế ăn các loại thức ăn chiên, xào, nướng chứa nhiều gia vị và dầu mỡ vì dễ gây đầy bụng, khó tiêu.
Tránh ăn thực phẩm chế biến sẵn như: xúc xích, thịt xông khói, thịt nguội; các loại thực phẩm chứa nhiều đường.
Không ăn đồ lạnh. Kiêng rượu, bia và không hút thuốc lá…
Cần lưu ý: Để tránh bị sặc, không nên để người bệnh nằm khi ăn. Nên cho người bệnh ăn từng miếng nhỏ. Không dùng ống hút để uống nước.
Đối với trẻ nhỏ dễ bị nôn trớ và khó khạc đờm, nên thực hiện biện pháp vỗ lưng cho trẻ trước bữa ăn để giúp long đờm và tránh gây nôn.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()