Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 11:32 (GMT +7)
Bí thư Đặc khu uỷ đầu tiên
Thứ 7, 21/10/2023 | 14:38:22 [GMT +7] A A
Đồng chí Vũ Văn Hiếu - người Bí thư Đặc khu uỷ đầu tiên của Khu mỏ Quảng Ninh, đã hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cộng sản, phẩm chất cách mạng đã trở thành biểu tượng “Sống vì Đảng, mà chết cũng không rời Đảng” của đồng chí là tấm gương sáng ngời để các thế hệ học tập, noi theo.
Đồng chí Vũ Văn Hiếu sinh ngày 20/3/1907, quê quán ở ấp Văn Định, xã Quần Phương Thượng, tổng Quần Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (nay là xóm 10, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Là con nhà nghèo nhưng cậu bé Hiếu rất ham học, luôn khát khao được học chữ. Đồng thời, sớm giác ngộ cách mạng, trở thành một thanh niên yêu nước, có tinh thần đấu tranh dân tộc.
Đầu năm 1928, anh Hiếu tìm đường ra mỏ Hà Tu (Hòn Gai), nơi có bà Vũ Thị Lộc, dì ruột của anh đang sinh sống và xin vào làm phu đâm trục ở Sở Mới, sau đó một thời gian chuyển sang làm phu gạt đầu đường. Được tôi luyện trong phong trào công nhân mỏ, đến tháng 11/1929 đồng chí trở thành người đảng viên cộng sản lớp đầu tiên của Đảng ta. Đồng chí nhanh chóng trưởng thành, ngay từ tháng 10/1930, đã là Bí thư Đặc khu uỷ đầu tiên của Khu mỏ Quảng Ninh.Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ nơi đâu, đồng chí Vũ Văn Hiếu cũng hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao. Nhiều lần đồng chí bị đế quốc Pháp và tay sai bắt, cầm tù, đã hai lần bị đày ra Nhà tù Côn Đảo, nhưng đồng chí luôn nêu cao khí phách hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù. Lần đầu vào đêm 17/5/1930, mật thám Pháp đã bắt đồng chí Vũ Văn Hiếu và 4 đảng viên khác hoạt động ở Hòn Gai. Mặc dù bị bắt một cách bất ngờ nhưng đồng chí Vũ Văn Hiếu một mực không khai, không nhận một điều gì kẻ thù gán cho mình. Không có đủ chứng cứ bọn mật thám mỏ bắt buộc phải trả tự do cho đồng chí. Sau khi ra khỏi nhà giam, đồng chí Vũ Văn Hiếu tiếp tục bắt tay vào việc khôi phục cơ sở, gây dựng lại phong trào cách mạng. |
Lần thứ hai vào ngày 9/2/1931, đồng chí Vũ Văn Hiếu cùng một số đồng chí khác bị địch bắt ngay tại cơ quan Đảng uỷ Cẩm Phả - Cửa Ông; bị thực dân Pháp kết án 20 năm tù cầm cố và đày ra nhà lao Côn Đảo. Tháng 11/1936, đồng chí Vũ Văn Hiếu được trả tự do cùng gần 200 anh em khác, trong đó có các đồng chí: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt).
Lần thứ ba vào đêm 17 rạng ngày 18/1/1940, đồng chí Vũ Văn Hiếu bị mật thám Pháp bắt cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Vũ Thiện Tấn, Phạm Chương, Phan Văn Voi… Nhiều tháng tra tấn ròng rã nhưng không khuất phục được các chiến sĩ cách mạng. Đầu năm 1941, đồng chí Vũ Văn Hiếu lại bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo lần thứ hai, bị giam ở Banh 2 cùng các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cúc (tức đồng chí Nguyễn Văn Linh), Nguyễn Tạo, Phan Văn Voi…
Ra Côn Đảo một thời gian, đồng chí Vũ Văn Hiếu bị bệnh lao tái phát, hành hạ. Biết mình không sống nổi vì đã kiệt sức khi bị địch đánh đập và hành hạ tàn nhẫn, bệnh tật dày vò, được bên ngoài gửi vào cho một cái áo, đồng chí quyết định sẽ trao áo lại cho đồng chí mình. Tranh thủ khi đồng chí Lê Duẩn đến gần, đồng chí đã cởi chiếc áo mình đang mặc đưa cho đồng chí Lê Duẩn và nói: “Tôi sắp chết rồi, tôi nghĩ mãi mà không biết làm cái gì để phục vụ Đảng đến phút cuối cùng, tôi có chết trần truồng cũng không sao, áo đây đồng chí mặc lấy để sống mà làm việc cho Đảng”. Đồng chí Lê Duẩn từ chối, nhưng đồng chí Vũ Văn Hiếu vẫn khăng khăng không chịu, đồng chí bảo: “Tôi nghĩ kỹ rồi, chỉ còn việc này là tôi còn cống hiến được cho Đảng, sao đồng chí không nhận”. Và đồng chí Vũ Văn Hiếu, người chiến sĩ cộng sản ấy đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 26/4/1942 khi mới 35 tuổi đời tại nhà tù Côn Đảo.
Để tưởng nhớ công lao của đồng chí Vũ Văn Hiếu, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, năm 1980, Ban Quản lý Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo đã xây dựng tượng đài “Trao áo” thể hiện tinh thần vì sự nghiệp cách mạng của người Cộng sản Việt Nam. Nhiều địa phương đã lấy tên đồng chí Vũ Văn Hiếu để đặt tên cho trường học, đường phố và dựng tượng đài, nhà lưu niệm… nhằm thể hiện lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đối với đồng chí Vũ Văn Hiếu.
Năm 2015, tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã xây dựng Khu tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu tại trung tâm TP Hạ Long, công trình hoàn thành tháng 9/2016. Đặc biệt, với tấm lòng tri ân sâu sắc người Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của Vùng mỏ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí và tôn tạo, xây dựng lại phần mộ đồng chí Vũ Văn Hiếu tại Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo được khang trang hơn.
Hoàng Quý
Liên kết website
Ý kiến ()