Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:24 (GMT +7)
Người CCB gần 43 năm trông coi rừng cò
Chủ nhật, 13/02/2022 | 14:34:31 [GMT +7] A A
Một người cựu chiến binh với gần 43 năm trông coi khu rừng cò, không màng đến lợi nhuận. Với ông niềm đam mê này, chỉ là để bảo vệ môi trường thiên nhiên, để có “ngôi nhà” cho đàn cò hàng ngày đi về.
Đó là ông Trần Văn Hà, thôn Làng Ruộng, xã Đại Bình, huyện Đầm Hà.
Năm 1979, ông Hà xuất ngũ, về quê và được tiếp nhận khu vườn rừng ở thôn Làng Ruộng, xã Đại Bình. Với nhiều người khác, sau khi nhận rừng xong họ chặt đốn rừng cũ trồng keo, để tạo thu nhập trang trải cuộc sống, nhưng ông Hà nhận rừng về chỉ để làm nơi trú ngụ cho nhiều đàn cò. Công việc của ông Hà chẳng mang lại cho ông lợi lộc gì về kinh tế, trái lại còn mang đến cho ông nhiều phiền phức. Đó là thời kỳ đầu khi việc bảo vệ đàn cò của ông Hà chưa được chính quyền địa phương để ý đến, thì nhiều kẻ đến săn trộm, ông còn phải cùng các con thức đêm bảo vệ đàn cò. Ngày nay, tuy không còn phải lo lắng về bọn săn trộm nữa vì chính quyền huyện, xã đã vào cuộc cùng ông bảo vệ đàn cò. Ông Hà vẫn với tinh thần tự nguyện trông cò, giống như anh nông dân trong câu chuyện cổ tích, rằng “Công anh bắt tép nuôi cò/ Cò ăn cò béo cò dò lên cây”.
Vốn là người lính thời chiến, từng sống nhiều năm trong những khu rừng ở miền Nam, ông Hà được chứng kiến những rừng chim, nên ban đầu ông thấy thích thú ngay việc bảo vệ những con cò. Thời điểm ông mới đến thôn Làng Ruộng, xã Đại Bình, nơi đây còn rất hoang vắng. Ban đầu khu vườn rừng nhà ông Hà cũng đã xuất hiện khoảng trăm con cò, không biết có phải vì duyên số, mà đàn cò kéo đến ngày một đông, chúng làm tổ rồi sinh con đàn cháu đống, khiến khu vườn rừng nhà ông Hà trở thành rừng cò. Điều mà không ai lý giải nổi là ngay tại Đầm Hà cũng có đến hàng trăm khu rừng giống như rừng nhà ông Hà, nhưng cò chỉ bay qua, nên người ta cũng chỉ giải thích chung chung rằng “Đất lành chim đậu”. Nhưng một điều dễ hiểu hơn là cò rất thích làm tổ trong các khu rừng tre, dóc tự nhiên. Đây là loài cây mọc hoang trước đây trong các khu rừng đồi ở Đầm Hà, thế nhưng do người dân khi được giao rừng họ thường chặt đi để trồng keo, nên cò hết nơi đậu làm tổ.
Dẫn tôi đi thăm vườn cò, một khu rừng hỗn hợp nhiều loại cây, trong đó nhiều nhất là tre, dóc. Ông Hà chợt giật mình vì thấy một chú cò chân bị buộc sợi dây vì mắc phải bẫy của bọn săn cò, may sao cò còn bay được về. Ông Hà cẩn thận tháo sợi dây ra khỏi chân chú cò, rồi từ từ thả cò bay lên không trung. Tôi chợt nhận thấy niềm vui trong đôi mắt ông vì đã làm được một việc tốt. Tổ cò trong rừng thường làm rất tuềnh toàng, cò con hay bị rơi xuống dưới. Hầu như về mùa cò sinh nở, ngày nào vào rừng ông Hà cũng nhặt được chú cò non bị rơi. Ông cẩn thận nhặt cò con đặt lên cành cây, để khi chim mẹ đi kiếm ăn về lại đưa con mình về tổ. Vườn cò giống như cái chợ vỡ, đủ loại giọng cò lớn, cò bé, cò mẹ, cò con. Dường như chúng cảm thấy yên tâm khi về đến rừng giống thế giới riêng của chúng.
Công việc chăm cò của ông Hà cứ lặp đi lặp lại hàng ngày, suốt mấy chục năm. Từ năm 2011, khi vườn cò của ông Hà đã trở thành nổi tiếng và được báo chí nhắc đến nhiều, huyện Đầm Hà và xã Đại Bình đã vào cuộc cùng ông Hà bảo vệ đàn cò và công việc của ông Hà đã “nhàn” hơn trước.
Ông Hà năm nay đã 74 tuổi, sức ông đã yếu, nhưng hàng ngày ông vẫn lặng lẽ với đàn cò. Thêm một cơ hội nữa đến với rừng cò đó là cuối năm 2018, huyện Đầm Hà đã xây dựng công trình Cột cờ Núi Hứa, tại xã Đại Bình. Công trình tạo điểm nhấn nhằm giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống của cha ông khi xưa và hứa hẹn phát triển du lịch ở huyện Đầm Hà. Nơi đây ngày 28/10/1948, Chi bộ Đảng đầu tiên của Đầm Hà được thành lập. Khu di tích khảo cổ - lịch sử - danh thắng Núi Hứa, xã Đại Bình được UBND tỉnh xếp hạng Di tích cấp tỉnh năm 2012. Để xây dựng công trình, bản thân ông Phạm Văn Hà đã hiến luôn hơn 3.000m2 phần đất liên quan để công trình được hoàn thiện đúng quy hoạch.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()