Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:19 (GMT +7)
Người mỡ máu cao ăn theo cách này có thể không phải dùng thuốc
Thứ 6, 30/08/2024 | 13:49:14 [GMT +7] A A
Tình trạng máu nhiễm mỡ hiện đang trẻ hóa. Một số người sau khi đi khám, khi phát hiện máu nhiễm mỡ giai đoạn đầu, bác sĩ chỉ khuyến cáo nên ăn ít mỡ để cơ thể tự điều chỉnh. Trên thực tế, ngoài việc giảm mỡ, nếu ưu tiên một số loại thực phẩm có tác dụng làm giảm mức cholesterol xấu, tiến trình kiểm soát bệnh của bạn sẽ hiệu quả hơn.
Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thị Hà (Viện Dinh dưỡng) cho biết: Máu nhiễm mỡ là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu thường xảy ra ở những người trung tuổi và cao tuổi. Tuy nhiên hiện nay, bệnh lý này đang có xu hướng trẻ hóa.
Chế độ ăn uống hàng ngày thu nạp quá nhiều chất béo trong khi cơ thể không sử dụng hết là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bệnh. Nếu phát hiện và điều trị bệnh sớm ở giai đoạn đầu, chỉ bằng việc thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện, người bệnh đã có thể cải thiện bệnh nhanh chóng. Ngược lại, nếu để bệnh tiến triển, việc điều trị khó khăn và phức tạp hơn, hơn nữa mỡ máu cao sẽ làm ảnh hưởng đến hệ tim mạch, nhất là ở người đã mang sẵn một số bệnh mạn tính về tim mạch, gan, thậm chí gây nguy hiểm.
Theo bác sĩ Hà, những loại thực phẩm dưới đây được khuyến cáo dùng cho người bị mỡ máu cao:
Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm: Các loại rau lá xanh đậm như cải xoăn, rau bina, bông cải xanh... cung cấp nhiều chất xơ giúp giảm hấp thu cholesterol. Các loại trái cây như táo, lê, dâu tây, cam... cũng giàu chất xơ và vitamin, giúp ổn định đường huyết và giảm mỡ máu. Ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch, lúa mạch... chứa nhiều chất xơ hòa tan, giúp giảm cholesterol xấu. Đậu nành, đậu đen, hạnh nhân, óc chó... giàu protein, chất xơ và chất béo không bão hòa đơn, tốt cho tim mạch.
Nhóm thứ hai là những loại thực phẩm giàu chất béo không bão hòa gồm: Cá hồi, cá trích, cá ngừ... chứa nhiều omega-3, giúp giảm triglyceride (chất béo trung tính) và tăng HDL cholesterol (cholesterol tốt). Dầu ô liu, dầu đậu nành... chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn, tốt cho tim mạch.
Ngoài ra, một số loại thực phẩm khác cũng có tác dụng tốt trong việc làm giảm mức cholesterol xấu như: Tỏi, có tác dụng giảm cholesterol và triglyceride. Hành tây, giúp giảm cholesterol xấu và tăng HDL cholesterol. Đậu phụ là nguồn protein thực vật tốt, ít chất béo bão hòa.
Bên cạnh việc chọn các loại thực phẩm có tác dụng làm giảm mức cholesterol xấu, theo bác sĩ Hà, người bệnh cần tránh một số loại thực phẩm có thể làm tăng lượng cholesterol trong máu.
Thịt đỏ và nội tạng: Thịt bò, thịt lợn, thịt cừu... chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol. Nội tạng như gan, tim, thận cũng rất giàu cholesterol. Việc tiêu thụ quá nhiều các loại thịt này có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Các sản phẩm từ sữa nguyên chất: Sữa nguyên kem, phô mai béo, kem... chứa nhiều chất béo bão hòa. Nên chọn các sản phẩm sữa tách béo hoặc ít béo hơn.
Thực phẩm chế biến sẵn: Xúc xích, lạp xưởng, thịt nguội... thường chứa nhiều muối, chất bảo quản và chất béo chuyển hóa. Những chất này không tốt cho tim mạch và có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
Đồ ăn nhanh: Hamburger, pizza, khoai tây chiên... chứa nhiều chất béo không lành mạnh, đường và muối. Việc tiêu thụ thường xuyên các loại đồ ăn nhanh có thể làm tăng cân và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Đồ ngọt và bánh kẹo: Các loại bánh ngọt, kẹo, sô cô la... chứa nhiều đường và chất béo. Đường làm tăng triglyceride trong máu, trong khi chất béo làm tăng cholesterol xấu.
Đồ uống có ga: Đồ uống có ga chứa nhiều đường và chất tạo ngọt nhân tạo. Việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có ga có thể làm tăng cân và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Rượu bia: Rượu bia làm tăng triglyceride và giảm HDL cholesterol (cholesterol tốt). Việc uống quá nhiều rượu bia có thể gây hại cho gan và tim.
Để đạt được mức triglyceride và cholesterol lý tưởng là một cuộc chiến dài lâu. Người lớn khỏe mạnh nên kiểm tra mỡ máu mỗi năm hoặc thường xuyên hơn tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe tổng thể và các yếu tố nguy cơ khác. Ở người lớn nên dành thời gian tập thể dục thể thao như: chạy bộ, đạp xe đạp, bơi lội… với cường độ trung bình khoảng 30 phút/ngày và ít nhất 5 ngày/tuần.
Bỏ thuốc lá hoặc không hút thuốc cũng là một trong những khuyến cáo chính của Hội Tim mạch Hoa Kỳ, để phòng ngừa mỡ máu cao và bệnh tim mạch. Sau 15 năm không hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh tim của một người từng hút thuốc tương đương với người chưa bao giờ hút thuốc. Việc hút thuốc lá sẽ làm tổn thương các mạch máu và làm giảm HDL cholesterol.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()