Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 09:29 (GMT +7)
Người Nhật vào Bamboo Airways, hé lộ nước đi mới
Thứ 5, 22/06/2023 | 14:43:05 [GMT +7] A A
Him Lam mời nhà đầu tư Nhật tham gia vào Bamboo Airways, với kỳ vọng sẽ giúp hãng bay thành lập các ủy ban chuyên môn, phát triển chuyên nghiệp, có chiều sâu.
Tại phiên họp thường niên diễn ra ngày 21/6, Tập đoàn Him Lam - nhà đầu tư mới của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways - mã chứng khoán: BAV) - đã mời các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia vào cùng hãng. Các chuyên gia Nhật Bản cũng sẽ giúp Bamboo Airways thành lập những ủy ban chuyên môn, giúp hãng phát triển chuyên nghiệp, có chiều sâu.
Cụ thể, ông Hideki Oshima, cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế và liên minh hàng không của Japan Airlines, được đề cử vào HĐQT Bamboo Airways nhiệm kỳ 2023-2028. Ông Masaru Onishi, cựu Chủ tịch Japan Airlines, sẽ đảm nhiệm vị trí cố vấn cao cấp.
Japan Airlines là hãng bay lớn thứ hai tại Nhật Bản. Thực tế, vào năm 2019, Japan Airlines và Bamboo Airways từng có buổi gặp gỡ với mục tiêu trao đổi, thảo luận hợp tác toàn diện giữa hai hãng hàng không.
Cũng tại cuộc họp, CEO Nguyễn Minh Hải khẳng định ông và ban điều hành sẽ đưa Bamboo Airways về điểm hòa vốn hoặc có lãi từ năm 2024.
Trước đó, HĐQT Bamboo Airways cho biết đã nhận được đơn xin từ nhiệm của toàn bộ thành viên HĐQT công ty nhiệm kỳ 2019-2024, bao gồm các ông: Nguyễn Ngọc Trọng, Doãn Hữu Đoàn, Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm, Nguyễn Mạnh Quân.
HĐQT Bamboo Airways dự kiến trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT này, đồng thời bầu bổ sung 7 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028.
Danh sách đề cử có 7 người gồm ông Nguyễn Ngọc Trọng, ông Doãn Hữu Đoàn, ông Lê Bá Nguyên và ông Lê Thái Sâm, thêm 3 nhân vật mới gồm ông Phan Đình Tuệ, Trần Hòa Bình và Hideki Oshima.
Trong đó, ông Phan Đình Tuệ gia nhập Sacombank từ năm 2012 và được bầu vào HĐQT hồi tháng 4/2022. Cách đây ít ngày, ông này đã thôi chức vụ Phó tổng giám đốc Sacombank. Còn ông Trần Hòa Bình sinh năm 1975. Chưa có nhiều thông tin về vị này.
Năm 2022, Bamboo Airways lỗ 17.600 tỷ đồng vì trích lập dự phòng phải thu khó đòi và dự phòng đầu tư vào công ty liên kết lên đến hơn 13.200 tỷ đồng. Điều này dẫn đến khoản lỗ lũy kế 19.336 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 836 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Bamboo Airways ở mức 18.008 tỷ đồng, giảm 8.849 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ phải trả của hãng bay là 18.844 tỷ đồng, tăng trên 8.770 tỷ đồng so với đầu năm 2022. Trong đó, nợ ngắn hạn là chủ yếu với hơn 17.342 tỷ đồng.
Để ngắt mạch thua lỗ, CEO Nguyễn Minh Hải cho biết bên cạnh việc tiết giảm chí phí, hãng sẽ tăng quy mô sản xuất, tăng tàu bay, bởi quy mô đội bay 30 chiếc hiện nay không đảm bảo hiệu quả. Tuy nhiên, hãng sẽ không tăng tàu bay bằng mọi giá trong bối cảnh thị trường thuê mua tàu khan hiếm, giá cao.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()