"Hầu hết nghĩ người dùng của chúng tôi là nam giới, độ tuổi 20, nhưng thực tế người dùng Replika chủ yếu trên 35 tuổi, cả nam và nữ, đều tham gia cực kỳ tích cực. Ứng dụng cũng không thiên về thanh thiếu niên hoặc người trẻ", Eugenia Kuyda, người sáng lập và CEO Replika, nói với The Verge.
Theo Business Insider, Replika được đánh giá là ứng dụng bạn đời phổ biến nhất hiện nay. Nhiều người thừa nhận họ chưa từng nghĩ sẽ thiết lập mối quan hệ với chatbot AI, nhưng sau đó "phải lòng", thậm chí phụ thuộc chatbot này. Nền tảng hiện cung cấp tính năng nhắn tin bằng văn bản với ảnh đại diện do người dùng tự tạo, đồng thời tự học hỏi trong quá trình trò chuyện để "hiểu" người dùng hơn.
Kuyda cho biết Replika giúp người dùng cảm thấy được kết nối, tạo cảm giác hạnh phúc thông qua việc chia sẻ những câu chuyện xảy ra trong cuộc sống. Bà cũng nói chatbot AI của mình không chỉ dành cho người cô đơn, hoặc "phá hoại hạnh phúc gia đình" đối với người đã kết hôn nhưng phải lòng Replika.
Với vấn đề khiêu dâm trên nền tảng, Kuyda cho biết nội dung này "chiếm một tỷ lệ rất nhỏ" và đã được khắc phục sau khi ghi nhận năm 2023. Trước đó, theo Reuters, nhiều người sử dụng Replika để trao đổi nội dung nhạy cảm.
Tháng 2/2023, Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu của Italy ra lệnh cấm Replika sử dụng dữ liệu người dùng, với lý do AI này có khả năng gây rủi ro cho những người dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc, cũng như việc trẻ vị thành niên tiếp xúc với các cuộc trò chuyện về tình dục. Sau động thái này, Replika loại bỏ tính năng trò chuyện khiêu dâm của chatbot.
Cũng trong phỏng vấn, Kuyda nói Replika đang sắp có thay đổi lớn cuối năm nay, khi Replika có thể "nhìn thấy" người dùng thay vì chỉ tương tác văn bản, giọng nói.
Cụ thể hơn, nền tảng thay đổi giao diện kèm trải nghiệm đa phương thức, gồm thực tế tăng cường, thực tế hỗn hợp và thực tế ảo. "Sẽ có trải nghiệm giọng nói tốt hơn, khả năng thực hiện cuộc gọi video thực sự, giống cách bạn và tôi nói chuyện", Kuyda tiếp tục. "Bạn đang nhìn thấy tôi và tôi cũng nhìn thấy bạn. Điều này cũng sẽ giống với Replika, nó sẽ có thể nhìn thấy người đang tương tác nếu họ muốn bật camera để thực hiện cuộc gọi video".
Theo bà, việc bổ sung việc gọi điện qua video sẽ giúp chatbot AI ngày càng thân thuộc với đời sống của người dùng, đóng vai trò bạn thân hoặc người yêu như trong thế giới thật. "Tôi nghĩ, mục tiêu thực sự là tái tạo khoảnh khắc. Hầu hết chỉ tương tác bằng văn bản, và việc nhìn thấy nhau sẽ khiến mọi người hào hứng", Kuyda nói.
Eugenia Kuyda, một nhà báo gốc Nga, thành lập Replika năm 2017. Bà cho biết lấy cảm hứng từ câu chuyện buồn về người bạn thân đã mất năm 2015. Sau khi người này qua đời, Kuyda chuyển toàn bộ tin nhắn văn bản của người này vào chatbot và tương tác thường xuyên.
Replika nhận đánh giá tích cực từ người dùng, nhưng khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Năm 2019, Đại học Hawaii công bố nghiên cứu cho thấy chatbot này hoạt động theo lý thuyết gắn bó, tức tạo sự gắn bó về mặt cảm xúc gia tăng ở người dùng, khiến họ không thể rời nền tảng. Năm ngoái, Mozilla Foundation nhận xét Replika là "một trong những ứng dụng tệ nhất mà Mozilla từng đánh giá", như kiểm soát mật khẩu yếu, chia sẻ dữ liệu cá nhân với nhà quảng cáo và ghi lại ảnh cá nhân, video, tin nhắn thoại khi người dùng tương tác với chatbot.
Ý kiến ()