Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 23:31 (GMT +7)
Bài dự thi Giải Báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Quảng Ninh năm 2022 Người phụ nữ truyền cảm hứng cho những người kém may mắn
Thứ 4, 21/09/2022 | 15:43:33 [GMT +7] A A
Dù bị mất đi một chân do tai nạn giao thông nhưng chị Nguyễn Thị Sâm, ở thôn Tân Hà, xã Tân Bình, huyện Đầm Hà, đã nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trở thành một tấm gương điển hình trong học tập và làm theo lời Bác, là tấm gương tiêu biểu để chị em phụ nữ học tập, noi theo.
Chị Nguyễn Thị Sâm, sinh năm 1975, sinh ra và lớn lên ở Nghệ An. Năm 1997, chị gặp và kết hôn với anh Chu Văn Thi. Đến năm 2000, anh chị chuyển về quê chồng ở xã Tân Bình, huyện Đầm Hà sinh sống.
Những ngày đầu sinh sống trên vùng đất mới, hai vợ chồng dựng tạm căn lán nhỏ để ở. Để nuôi 3 con nhỏ, anh chị phải đi kiếm củi chở xuống chợ bán. Cuộc sống khó khăn, sau nhiều đêm trăn trở tìm cách thoát nghèo, chị Sâm quyết định buôn bán kiếm tiền, còn anh Thi ở nhà làm nông nghiệp.
Mỗi ngày chị thức dậy từ 3-4 giờ sáng, vượt hơn 20 cây số xuống huyện Hải Hà mua cá mang về Đầm Hà bán. Mỗi ngày, chị rong ruổi bán cá ở khắp các thôn bản vùng cao từ xã Quảng Lâm sang xã Quảng An, tuy vất vả nhưng cũng kiếm được tiền trang trải cuộc sống gia đình. Rồi biến cố đã xảy ra, năm 2007 trên đường đi lấy cá về bán, chị bị tai nạn giao thông, phải cắt bỏ một bên chân phải. Do vết thương quá nặng, chị phải chuyển viện qua nhiều tuyến, chân bị hoại tử. Sau nhiều tháng nằm viện điều trị, chị được trở về nhà, kinh tế gia đình kiệt quệ do nhiều tháng nằm viện, trong nhà không còn tài sản gì đáng giá. Từ một người phụ nữ sinh ra với đôi chân lành lặn, nay phải cắt bỏ một chân, vết thương vẫn còn rỉ máu, chị Sâm cảm thấy tuyệt vọng, không biết bắt đầu lại từ đâu.
Được chồng quan tâm, chăm sóc, động viên, người thân, làng xóm, chị em phụ nữ cũng đến động viên tinh thần, giúp đỡ cùng các con nhỏ chính là động lực để chị vươn lên. Anh Thi chồng chị cũng nỗ lực làm mọi việc từ đi rừng, đi làm thuê, kiếm củi bán lấy tiền trả nợ. Chị Sâm vay tiền để làm chân giả, rồi mẹ con chị dắt díu nhau lên đồi hái chè tươi về bán, ngày được 40-70 nghìn đồng, cũng đủ tiền mua gạo, mắm muối ăn qua ngày.
Khi đó gia đình chị Sâm thuộc diện hộ nghèo, khó khăn nhất xã. Nhận thấy một số hộ dân trên địa bàn xã Tân Bình ươm keo giống bán rất chạy, mà vườn của gia đình lại rộng, nên chị nghĩ cách để ươm keo giống. Được sự giúp đỡ của Hội LHPN xã Tân Bình, chị vay Ngân hàng chính sách xã hội 20 triệu đồng, chị mua bầu, hạt tự mày mò, học hỏi, đóng bầu ươm keo giống.
Lứa đầu tiên chị ươm 3,5 vạn cây keo giống, nhờ chăm chỉ, chịu khó chăm sóc, chị đã thành công từ lứa keo đầu tiên. Có chút tiền lãi, chị đầu tư mở rộng diện tích, lấy ngắn nuôi dài, hai vợ chồng bỏ công lao động, chăm chỉ, chịu khó chăm sóc vườn ươm keo giống. Sau bao nỗ lực thành quả đã đến với gia đình chị, vườn ươm keo giống ngày càng được mở rộng, chị tạo được uy tín với khách hàng.
Hiện tại mỗi năm chị ươm khoảng 100 vạn con giống, một năm từ ươm keo cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Không dừng lại ở đó chị tiếp tục tìm tòi, học hỏi ươm thêm giống cây quế, bạch đàn, chè để cung cấp cho các hộ trồng rừng trên địa bàn huyện. Ngoài ra chị còn trồng 9ha keo và chăn nuôi thêm lợn, gà, vịt, bán phân bón tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Năm 2017, chị đã xây được căn nhà khang trang trị giá trên 1 tỷ đồng. Không chỉ nỗ lực vươn lên làm kinh tế giỏi, chị Sâm còn làm người vợ, người mẹ đảm đang, chăm sóc, nuôi dạy các con ngoan, trưởng thành. Hiện nay con trai lớn đã tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, con gái thứ 2 đang học Đại học Dược và con trai út đang học cấp 3. Ở địa phương, chị Sâm còn là một hội viên phụ nữ luôn sống tốt, lan tỏa tình yêu thương, lòng nhân ái, tích cực giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn, động viên nhau cùng cố gắng.
Bằng nghị lực phi thường, chị Sâm đã mạnh mẽ vươn lên trở thành tấm gương điển hình truyền cảm hứng cho mọi người vượt qua khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống, vươn lên làm đẹp cho đời.
Mai Thắm (Trung tâm TT-VH Đầm Hà)
Liên kết website
Ý kiến ()