Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 08:12 (GMT +7)
Người say mê giữ hồn dân tộc
Thứ 5, 23/05/2013 | 06:54:07 [GMT +7] A A
Đấy là nhận xét của nhiều nghệ nhân dân gian ở Quảng Ninh, khi được hỏi về anh Ngô Trung Hoà, một trong những cán bộ của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Quảng Ninh hiện nay.
Tôi quen và biết Ngô Trung Hoà cách đây khá lâu, có lẽ từ giữa những năm 60 của thế kỷ trước khi anh xa làng quê bên những cánh đồng thẳng cánh cò bay ở hữu ngạn sông Hồng quanh năm đỏ lựng phù sa. Nam Định quê anh cũng là nơi chứa trong mình vô số lớp trầm tích, mạch nguồn văn hoá dân gian. Những trầm tích ấy đã ngấm vào máu thịt, khiến anh yêu nồng nàn những câu ca dao, dân ca của quê hương và đắm chìm trong những lời ru của mẹ. Chính vì thế, khi lớn lên, anh liền chọn ngay Trường Đại học Văn hoá Hà Nội để vào học. Giữa năm 1971, khi trở thành một cử nhân văn hoá, con đường mới đã mở ra trước mắt Hoà. Ngày ấy, đâu đã có nhiều những người được đào tạo có bài bản như các anh đâu! Anh có thể trở về quê hương với một trời kỷ niệm, làm cán bộ văn hoá của huyện hoặc của tỉnh; cũng có thể xin ở lại Thủ đô nhộn nhịp và sôi động đang rất cần cán bộ, khi anh muốn. Nhưng Ngô Trung Hoà lại tình nguyện về Vùng mỏ Quảng Ninh nhận nhiệm vụ - nơi ngày ấy còn bộn bề gian khó. Tin yêu mảnh đất này, Quảng Ninh trở thành quê hương của Ngô Trung Hoà từ đó.
Ngô Trung Hòa (thứ hai, trái sang) tham gia sưu tầm di sản Hán - Nôm tại xã Quảng Nghĩa (Móng Cái). |
Là cán bộ Phòng văn thể thị xã, cùng với việc thực hiện những công tác mang tính bề nổi, cổ động tức thời (như nhiều người nói vui là cờ - đèn - kèn - trống, mang - đeo - treo - vác), Ngô Trung Hoà còn thật sự quan tâm đến những trầm tích văn hoá của vùng đất này. Anh dành nhiều thời gian, công sức để sưu tầm vốn cổ; đi xuống các cơ sở nói chuyện chuyên đề về bảo tồn di tích, giữ gìn và phát huy các các giá trị văn hoá phi vật thể. Những giá trị văn hoá phi vật thể chứa đựng trong bảy lĩnh vực anh nhớ nằm lòng, gồm: Tiếng nói, chữ viết; các tác phẩm văn học nghệ thuật và khoa học kỹ thuật; ngữ văn truyền miệng; diễn xướng dân gian; lối sống và nếp sống; lễ hội truyền thống và lễ hội dân gian; nghề thủ công truyền thống; tri thức văn hoá dân gian. Những cuộc nói chuyện, giao lưu trao đổi ấy, nhiều người đã có nhận thức và chuyển biến thực thụ bằng việc tham gia giữ gìn các vốn cổ dân tộc. Nếu những việc quá khả năng của phòng văn hoá cơ sở, Ngô Trung Hoà tham mưu đề xuất để cấp trên tổ chức hội thảo khoa học, đi đến sự đồng thuận cao. Đáng kể đó là hội thảo về cụm di tích lịch sử núi Bài Thơ, gồm Bài thơ của vua Lê Thánh Tông khắc trên vách đá núi Truyền Đăng, và các di tích chùa Long Tiên, đền thờ Trần Quốc Nghiễn, để cụm di tích này bổ sung làm phong phú thêm giá trị văn hoá của Di sản thế giới - Kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long.
Hoạt động trên lĩnh vực văn hoá ở thành phố đã có thâm niên kha khá, nên tổ chức có ý tưởng điều động anh sang làm cán bộ quản lý Nhà nước của một trong những phường ở trung tâm thành phố. Nhưng Ngô Trung Hoà đã xin với tổ chức sắp xếp để anh được gắn bó với hoạt động văn hoá văn nghệ, vốn đã ngấm sâu vào máu thịt mình. Nhiều người khi hay tin đã lấy làm tiếc cho anh, nhưng Ngô Trung Hoà thì nghĩ khác. Tiền bạc có được bao nhiêu rồi cũng tiêu dùng hết. Nhưng văn hoá là căn cốt, là gốc rễ, là nguồn cội của con người, suy rộng ra là của địa phương, của đất nước, của dân tộc thì mãi trường tồn. Nhất là trong thời kỳ giao lưu, hội nhập, mở cửa về kinh tế, văn hoá là “cái chứng minh thư” để người ta biết anh là ai. Bằng nhận thức hết sức đúng đắn như thế, nên tổ chức thay đổi quyết định điều động Ngô Trung Hoà về làm Trưởng Ban Quản lý di tích - danh thắng tỉnh Quảng Ninh. Trên cương vị mới, Ngô Trung Hoà đã cùng các cộng sự khẩn trương kiểm kê, sưu tầm, đánh giá được 636 di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh Quảng Ninh. Trên cơ sở các di tích, họ đã cùng nhau phân định đâu là di tích văn hoá vật thể, đâu là văn hoá phi vật thể. Các giá trị văn hoá phi vật thể cần phải khẩn thiết có biện pháp sưu tầm, bảo tồn. Gần đây, kho tàng văn học Hán - Nôm của tỉnh trên những bia đá, sắc phong… đã được sưu tầm, tập hợp, tổ chức dịch thuật. Những hình thức diễn xướng dân gian như hát chèo đường, hát múa cửa đình, Hội hát tháng Ba (Soóng Cọ) của dân tộc Sán Chỉ, lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu, lễ cấp sắc của dân tộc Dao… đã được phục dựng và tổ chức hằng năm. Những thành công đó, nhiều người cho rằng, dù rất khiêm tốn cũng phải kể đến đóng góp công sức, tâm huyết của người Trưởng Ban Quản lý di tích - danh thắng của tỉnh - cử nhân Ngô Trung Hoà.
Năm 2008, tuy đã về nghỉ hưu theo chế độ, song Ngô Trung Hoà vẫn còn nhiều duyên nợ với văn hoá dân gian. Đúng vào dịp này, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Quảng Ninh được thành lập, Ngô Trung Hoà xem đây như là một cơ hội để anh tiếp tục cống hiến, thoả ước nguyện tâm huyết với những giá trị văn hoá, văn nghệ dân gian của quê hương - nơi anh đã từng gắn bó gần bốn mươi năm qua. Anh lao vào việc tư vấn, vận động và tổ chức các nghệ nhân sưu tầm vốn ca dao Vùng mỏ đang còn được lưu giữ trong nhân dân, mà khi đương nhiệm chưa có thời gian để làm. Những kết quả thu được đã đóng góp có hiệu quả cho dự án nghiên cứu, sưu tầm ca dao Vùng mỏ của Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh. Tác phẩm “Ca dao vùng mỏ” sau khi ấn hành đã được chọn làm tặng phẩm tặng các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2010-2015). Một trong những điều mà Ngô Trung Hoà lúc nào cũng đau đáu trong lòng, ấy là việc nhận diện các nghệ nhân, những “kho tàng” vốn cổ sống. Hầu như các nghệ nhân đã và đang ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, như những ngọn đèn trước gió. Nếu chậm thêm, các cụ ra đi, sẽ mang theo hết. Bằng suy nghĩ và cách nhìn như thế, cùng với lòng trắc ẩn của một người đam mê với văn nghệ dân gian như các nghệ nhân, Ngô Trung Hoà đã đi khắp nơi trong tỉnh, nắm bắt số lượng các nghệ nhân. Trở về anh đã nhanh chóng lập hồ sơ các nghệ nhân, trình lãnh đạo Hội và tỉnh, đề đạt lên cấp trên xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian Việt Nam” cho 22 cụ ở các lĩnh vực hát múa, diễn xướng, vẽ tranh, giỏi nghề... trên địa bàn tỉnh nhà. Anh rưng rưng khi trò chuyện với chúng tôi rằng trong số các nghệ nhân đó đã có hai người vĩnh biệt thế gian này, với sự tiếc nuối khôn nguôi, chẳng có thể lấy gì bù đắp được!
Văn nghệ dân gian là một bộ phận cấu thành của nền văn hoá. Chúng ta đang nỗ lực phấn đấu “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Những người say mê, tâm huyết với các hoạt động văn hoá, trong đó có văn nghệ dân gian như Ngô Trung Hoà thật đáng trân trọng. Họ là người giữ hồn dân tộc.
Hà Văn Phàn (TP Hạ Long)
Liên kết website
Ý kiến ()