Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 08/11/2024 05:28 (GMT +7)
Người sốt xuất huyết tắm gội được không?
Thứ 4, 04/05/2022 | 16:11:28 [GMT +7] A A
Sốt xuất huyết ngày càng có xu hướng gia tăng đặc biệt là sau những cơn mưa kéo dài tạo môi trường lý tưởng cho muỗi sinh sản và phát triển.
Giai đoạn nào của sốt xuất huyết là nguy hiểm nhất?
Tiến sĩ. Bác sĩ Lê Ngọc Triều (Nguyên trưởng Khoa Nội - truyền nhiễm, Bệnh viện 198 Bộ Công An) cho biết, sốt xuất huyết được biết đến là bệnh lây truyền qua trung gian, khi một người bị muỗi Aedes aegypti đốt.
Biểu hiện đặc trưng của sốt xuất huyết là bệnh nhân bị sốt cao và có các đốm xuất huyết dưới da, xét nghiệm máu thấy tiểu cầu hạ. Bệnh thường xuất hiện vào khoảng tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Do thời tiết nắng nóng, mưa nhiều tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Bệnh diễn biến phức tạp và dễ bùng phát thành dịch.
Bệnh sốt xuất huyết được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể sốt 39-40 độ C kèm theo mệt mỏi, đau khớp, đau đầu… Khoảng ngày thứ 3 - 7 kể từ khi bị sốt, các triệu chứng nặng bắt đầu xuất hiện. Lúc này virus đã làm suy yếu hệ miễn dịch, số lượng bạch cầu, tiểu cầu giảm đáng kể… Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết với nhiều biến chứng đe dọa tính mạng. Nếu thấy người bệnh biểu hiện bất thường, cần đưa tới bệnh viện ngay để kịp thời điều trị.
Sốt xuất huyết có phải kiêng tắm gội không?
Trước một số thông tin truyền miệng trong dân gian là khi bị sốt xuất huyết phải kiêng tắm gội, nếu tắm gội dễ khiến bệnh thêm nặng, nguy hiểm đến tính mạng,... Đặc biệt là với trẻ nhỏ sức khỏe yếu, bố mẹ lo lắng không dám tắm cho con vì sợ sốt nặng hơn, bác sĩ Lê Ngọc Triều đã có những giải đáp.
Theo Nguyên trưởng Khoa Nội - truyền nhiễm, Bệnh viện 198 Bộ Công An, người bệnh sốt xuất huyết hoàn toàn có thể tắm rửa bình thường.
“Thực chất, việc vệ sinh thân thể hàng ngày còn giúp cho cơ thể người bệnh thoải mái, có lợi cho điều trị và hồi phục. Người bệnh chỉ cần lưu ý tắm nước ấm, phòng tắm phải kín gió và không tắm quá lâu. Nếu hạ tiểu cầu nhiều, cần tránh kỳ cọ mạnh do có thể gây xuất huyết dưới da hoặc trong cơ rất nguy hiểm”, bác sĩ Ngọc Triều nói.
Mặc dù có thể tắm gội khi bị sốt xuất huyết nhưng vị chuyên gia này cũng nhắn nhủ bệnh nhân hay người chăm sóc cần phải lưu ý một số điều dưới đây:
- Không ngâm người trong nước hoặc tắm quá lâu
- Nhiệt độ nước tắm ấm vừa phải, không tắm với nước lạnh.
- Nếu gội đầu, đặc biệt là phụ nữ tóc dày, nên sấy khô, tránh để tóc ướt lâu. Không đi ngủ khi tóc còn ẩm vì dễ làm cơ thể nhiễm lạnh.
Đặc biệt, người bệnh cần hết sức cẩn trọng khi từ cuối ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 7 của bệnh, triệu chứng sốt sẽ giảm rõ rệt nhưng không vì vậy mà bệnh tình giảm nhẹ đi. Một số biến chứng khác như tăng tính thấm của thành mạch, giảm tiểu cầu... sẽ xuất hiện và gây ra xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau.
Do đó, trong thời gian này, người bệnh nên hạn chế việc tắm gội bởi sẽ làm giãn thành mạch khiến tình trạng xuất huyết trầm trọng hơn.
Ngoài ra, Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Ngọc Triều khuyến cáo thêm, người bệnh chỉ nên dùng khăn ấm lau người. Trong trường hợp bất khả kháng, bắt buộc tắm bằng nước ấm. Tuyệt đối không dùng nước lạnh vì sẽ khiến mạch ngoài da co lại, mạch nội tạng giãn ra, làm tăng nguy cơ tử vong.
Bên cạnh đó, nhằm giúp cơ thể tăng sức đề kháng, nhanh chóng hồi phục, người bệnh cần có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng: ăn các loại thực phẩm dễ nuốt, tăng cường rau xanh, bổ sung trái cây tươi như đu đủ, bưởi, cam, ổi, vừa tăng đề kháng vừa giúp giảm hiện tượng khó tiêu, buồn nôn.
Theo giadinhonline.vn
Liên kết website
Ý kiến ()