Vài tuần trước Tết là thời điểm "vàng" làm đẹp. Ngoài dịch vụ không xâm lấn như tiêm filler, xóa nhăn, trẻ hóa da, căng da, nhấn mí, xăm lông mày..., truyền trắng da cũng được nhiều chị em lựa chọn.
Trên mạng xã hội, các spa hoặc thẩm mỹ viện chạy quảng cáo gói truyền trắng da rẻ, không gây tác dụng phụ, cam đoan "tinh chất độc quyền". Công dụng được cho là sẽ mang lại tác dụng trắng sáng da nhanh hơn so với các phương pháp thuốc uống hoặc thoa truyền thống. Khách hàng được tặng kèm nhiều dịch vụ khác như dưỡng ẩm, tẩy da chết, đắp mặt... và bảo hành da trọn đời.
Tuy nhiên, các phương pháp này chứa rất nhiều rủi ro, bác sĩ Nguyễn Phương Thảo, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, nói.
Theo bác sĩ, hoạt chất chính thường được sử dụng trong tiêm truyền trắng là glutathione, có thể bổ sung thêm một số hoạt chất khác như các vitamin với hàm lượng cao. Người thực hiện sẽ đưa các hoạt chất có tác dụng ức chế sự sản sinh melanin vào cơ thể thông qua đường tĩnh mạch, làm sáng da tạm thời.
"Nếu muốn duy trì hiệu quả cũng như làm thay đổi đáng kể tông màu da thì cần phải sử dụng liều cao, kéo theo nguy cơ tích lũy và gây độc cho các cơ quan nội tạng", bà Thảo cho hay.
Hiện rất ít các nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả và an toàn của phương pháp này. Tuy nhiên, truyền trắng có thể gây ra phản ứng nguy hiểm đến tính mạng như nhiễm trùng, nhiễm độc, thuyên tắc phổi, đau bụng cấp, rối loạn chức năng tuyến giáp, rối loạn chứng năng thận, có thể tiến triển đến suy thận, suy gan.
Như bệnh nhân nữ, 42 tuổi, đến Bệnh viện đại học Y dược TP HCM khám vì nổi nhiều sẩn đỏ ở tay chân, thân mình, tập trung nhiều ở hai tay sau khi truyền trắng tại một cơ sở tư nhân. Người bệnh được chẩn đoán phát ban dị ứng, sốc phản vệ độ một.
Hay bệnh nhân nữ 40 tuổi, đến khám vì cảm giác khó thở, bủn rủn chân tay, hồi hộp, tim đập nhanh sau khi đi truyền trắng tại một cơ sở tư nhân. Kết quả chẩn đoán sốc phản vệ độ hai.
Trường hợp khác, cô gái 29 tuổi, ở Hà Nội bị sốt, đau đầu, nôn, mẩn đỏ, khó thở... sau vài ngày truyền trắng da, vào Bệnh viện Bưu điện cấp cứu. Trước đó, cô tưởng bị trúng gió, sau đó nôn nao khó chịu, khó thở, nổi mẩn đỏ. Các bác sĩ nhận định bệnh nhân đang bị sốc phản vệ, có thể chuyển biến nặng và tử vong.
Bác sĩ chỉ định tiêm truyền adrenalin liên tục theo phác đồ xử trí sốc phản vệ. Sức khỏe bệnh nhân dần ổn định, huyết áp trở về mức bình thường, tỉnh táo, hết ban đỏ và hết khó thở. Bác sĩ tiếp tục được truyền adrenalin, theo dõi trong 48-72 giờ. Bệnh nhân may mắn qua nguy kịch.
Ý kiến ()