Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 23:22 (GMT +7)
Nhà báo Công Vượng đã đi xa
Thứ 5, 29/06/2023 | 14:42:00 [GMT +7] A A
Nhà báo Nguyễn Công Vượng (bút danh Công Vượng), nguyên Trưởng ban Ban đọc Báo Quảng Ninh (nay là Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh), tác giả bức ảnh nổi tiếng: An-vơ-rét– tên giặc lái Mỹ đầu tiên bị quân dân Quảng Ninh bắt sống ngày 5/8/1964, đã ra đi vào trưa ngày 28/6/2023. Thế là lớp nhà báo đầu tiên của Vùng mỏ đã ra đi gần hết.
Cách đây bốn hôm, trong cuộc gặp gỡ các nhà báo Báo Quảng Ninh đã nghỉ hưu, nhà báo Đỗ Kha đã mang đến một tấm ảnh tập thể đồng nghiệp và nói: Trong đây chỉ còn Công Vượng, Công Chác, Nguyễn Chí Thiết và tôi thôi, đi hết rồi…
Vậy mà hôm nay nhà báo Công Vượng cũng đã lên đường theo các đồng nghiệp thân thiết của mình: Như Mai, Nguyễn Huy Trợ, Phạm Xuân Phổ, Lý Biên Cương, Nguyễn Đôn Minh, Lữ Thức...
Nhà báo Công Vượng sinh năm 1934 tại Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Trước khi học tại Đại học Nhân Dân, ông đã học tại Trường Thiếu sinh quân của Liên khu Bốn.
Tháng 11 năm 1955, ngay ngày bế giảng lớp học tại Đại học Nhân Dân, ông cùng năm học viên được nhận quyết định về Báo Lao Động công tác. Sau một thời gian ngắn ở Báo Lao Động, ông cùng đồng nghiệp Võ Liên, hai đoàn viên Thanh niên cứu quốc tình nguyện xin về Báo Vùng Mỏ (Khu Hồng Quảng), nơi đang thiếu phóng viên. Sau 6 năm công tác, nhà báo Công Vượng được cử đi học lớp báo chí đầu tiên (sau ngày hoà bình lập lại) của Ban Tuyên giáo Trung ương mở thời hạn một năm tại Hà Nội. Bế giảng lớp báo chí này, cùng về Báo Vùng Mỏ với nhà báo Công Vượng còn có các nhà báo: Lý Biên Cương, Hoàng Quốc Hải, Sơn Hà, Công Nông Tiến, Vũ Kim Long.
Sau khi Báo Vùng Mỏ (Khu Hồng Quảng) hợp nhất với Báo Hải Ninh (tỉnh Hải Ninh) thành Báo Quảng Ninh, theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ Quảng Ninh, Công ty Than (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) đã ra tờ tin lấy tên Vùng Mỏ. Nhà báo Công Vượng, cùng các nhà báo Ngọc Chánh, Đức Long, Hoàng Quốc Hải, Mạnh Trử và Hồng Phước làm việc ở tờ tin này.
Về sự kiện chiến thắng trận đầu 5/8/1964, không thể không kể đến bức ảnh nhà báo Công Vượng chụp phi công Mỹ An-vơ-rét, viên phi công bị bắt đầu tiên.
Bức ảnh có giá trị lớn trong tố cáo Mỹ xâm lược Việt Nam, cổ vũ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trong công cuộc chống Mỹ. Bức ảnh là thành công lớn của nhà báo Công Vượng. Câu chuyện chụp bức ảnh viên phi công Mỹ An-vơ-rét cúi đầu trước ống kính của nhà báo Công Vượng luôn được nhắc lại với nhiều chi tiết thú vị.
Tết Ất Tỵ 1965, nhà báo Công Vượng lại thêm một thành công nữa, ông ghi được hình ảnh Bác Hồ nâng trên tay hòn than thứ 4 triệu tấn, trong dịp Bác Hồ về thăm Quảng Ninh, sau một năm hợp nhất Khu mỏ Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh.
Cả hai bức ảnh có giá trị lớn trên đều được nhà báo Công Vượng thực hiện khi ở tờ tin Vùng Mỏ của ngành Than.
Năm 1967, tờ tin Vùng Mỏ của ngành Than sáp nhập vào Báo Quảng Ninh, nhà báo Công Vượng được quyết định làm Tổ trưởng tuyên truyền công nghiệp trung ương thay nhà báo Như Mai được đề bạt làm Thư ký Toà soạn. Về giai đoạn công tác này, trong bài “Hạnh phúc cuộc đời” (Kỷ yếu 40 năm Báo Quảng Ninh), nhà báo Công Vượng viết: “Tổ chúng tôi có đội ngũ đông nhất cơ quan, gồm gần chục phóng viên, suốt ngày đi các cơ sở của ngành than, điện, địa chất lấy tin, viết bài. Sau một thời gian, theo nguyện vọng cá nhân, tôi đã được chuyển phụ trách Phòng ảnh của báo. Hết chiến tranh chống Mỹ rồi lại chiến tranh biên giới, tôi luôn có mặt ở các trận địa để ghi hình ảnh, viết bài”.
Tháng 6 năm 1991, nhà báo Công Vượng được quyết định làm Trưởng ban Bạn đọc của báo. Đây là thời kỳ chuyển cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, nảy sinh nhiều vấn đề trong xã hội, Ban Bạn đọc tiếp nhận, xử lý nhiều đơn thư của bạn đọc. Nhà báo Công Vượng đã có nhiều bài điều tra theo đơn thư bạn đọc, bảo vệ được lẽ phải, giải toả nỗi oan ức của người dân.
Tháng 5 năm 1995, nhà báo Công Vượng nghỉ hưu, sau 40 năm làm nghề báo với nhiều thành tựu.
Sinh thời, tâm sự nghề, ông từng kể, trong 4 năm học Trường Thiếu sinh quân, ngoài học văn hoá, hằng tháng mỗi người phải viết hai bài báo tường. “Tôi không ngờ rằng chính thời gian này đã giúp tôi tập nghề viết báo”.
Sau khi nghỉ hưu, nhà báo Công Vượng tư vấn giúp Công ty Xổ số kiến thiết Quảng Ninh về công tác truyền thông, đồng thời giữ chuyên mục “Sinh vật cảnh” cho Báo Quảng Ninh thứ bảy một thời gian dài.
Nhà báo Công Vượng cùng lớp nhà báo đầu tiên của Vùng Mỏ không chỉ hoàn thành sứ mệnh của nhà báo, mà đã góp phần tạo ra đời sống văn hoá phong phú cho Vùng mỏ Quảng Ninh. Đội ngũ lớp nhà báo đầu tiên đồng thời cũng là các nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhạc sĩ…
Nhà báo Công Vượng còn là nghệ sĩ nhiếp ảnh, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh. Tác phẩm ảnh của ông được treo trong các phòng truyền thống ở các cơ sở, trong Bảo tàng Quảng Ninh, Bảo tàng Lịch sử Quân sự và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Tôi được công tác cùng nhà báo Công Vượng 5 năm trước khi ông nghỉ hưu, sau lại làm việc cùng Phòng Thư ký – Xuất bản với nhà báo Thanh Hà, con gái ông. Ông nhanh nhẹn với vóc người không cao lớn, gặp ông là thấy ông cười. Ông dung dị nhưng luôn toát lên vẻ kiên cường, đã quyết là làm, không chịu khuất phục.
Biết ông tuổi cao trong giai đoạn bệnh nặng, nhưng khi nhận được tin báo của ông Dương Quang Phát, nguyên Trưởng phòng Trị sự Báo Quảng Ninh: “Thanh Hà vừa báo tôi, ông Công Vượng…” vẫn làm tôi bàng hoàng. Thế là đồng nghiệp cha anh của mình đã lần lượt theo nhau về với miền xa thẳm.
Biết tin ông mất, nữ nhà báo Tuấn Hương đã chia sẻ: Nhà báo Công Vượng đã cảm thông, khích lệ tôi để tôi ngày càng yêu nghề, say nghề làm báo và đạt những thành tựu đáng kể. Năm 1989, khi đang làm nhiệm vụ văn thư của Báo Quảng Ninh, tôi mua một chiếc máy ảnh về học chụp ảnh và tập viết tin. Khi tin kèm ảnh đầu tiên của tôi được đăng báo thì nhiều người trong cơ quan bàn tán và cho rằng “đó không phải tin và ảnh của tôi”, mà do ai “giúp đỡ”. Biết tôi buồn, nhà báo Công Vượng động viên tôi: “Mặc họ muốn nói gì thì nói, cháu cứ cố gắng làm những gì cháu thích”. Từ sự động viên, dạy bảo của ông mà tôi đã trở thành nhà báo. Mỗi khi được nhận những giải thưởng của nghề, tôi đều nhớ đến ông, người thầy nghề báo của tôi.
Nhà báo Vũ Ngọc Cầm nhắc lại kỷ niệm: Khi tôi tổ chức đám cưới ở bên nhà vợ (huyện Tiên Yên), bác Công Vượng với tư cách là Chủ tịch Công đoàn cơ quan và bác Nguyên Viết Khai, khi ấy là Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh, thay mặt cơ quan ra đó dự lễ cưới của tôi. Ngày đó chỉ chụp ảnh bằng phim đen trắng, nhưng những bức ảnh bác Công Vượng chụp cho lễ cưới của tôi vẫn bền đẹp, được lưu giữ cho đến tận bây giờ. Hình ảnh hai bác ấy cùng những bức ảnh cưới ấy là kỷ niệm sâu thẳm đối với tôi. Cách đây hai năm, tôi cùng nhà bảo Võ Liên, bạn nghề thân thiết của nhà báo Công Vượng, từ Hà Nội về Hạ Long thăm ông, tôi có nhắc lại kỷ niệm này, ông đã rất cảm động.
Nhà báo Công Vượng là tấm gương cho đồng nghiệp về lòng yêu nghề, sự nhanh nhạy để có những tác phẩm có giá trị lớn, ghi được những khoảnh khắc lịch sử.
Điều tâm đắc nhất về nghề của ông chính là con gái Thanh Hà của ông: “Rồi đây người sẽ viết tiếp những dòng kỷ niệm đầm ấm về Báo Quảng Ninh cho tôi là con gái Thanh Hà của tôi”. Đây cũng là dòng cuối cùng trong bài viết của ông, trong Kỷ yếu 40 năm Báo Quảng Ninh.
Hạ Long, 28/6/2023
Trương Thiếu Huyền
Liên kết website
Ý kiến ()