Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 19:16 (GMT +7)
Nhà nước Phong kiến Việt Nam đã đưa Hoàng Sa vào SGK cho trẻ nhỏ
Thứ 5, 05/06/2014 | 09:14:44 [GMT +7] A A
Trong khi SGK cổ Trung Hoa chỉ rõ biên giới của họ chỉ đến đảo Hải Nam thì SGK từ thời Tự Đức đã dạy về chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam.
Ý thức về chủ quyền biển đảo đã được Nhà nước phong kiến Việt Nam rất quan tâm và đã đưa kiến thức về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào sách dạy cho học trò. Khải đồng thuyết ước là sách giáo khoa dạy trẻ học vỡ lòng bằng chữ Hán thời vua Tự Đức, có vẽ về Hoàng Sa.
Tấm bản đồ trong sách Khải đồng thuyết ước có vẽ Hoàng Sa Chử (phần đảo Hoàng Sa được khoanh ô vuông đỏ). |
“Sách giáo khoa cũng như các sách sử đều mang tính chính thống. Nội dung về biển đảo như chủ quyền Hoàng Sa và các nội dung khác muốn có mặt trong sách giáo khoa thì phải có tờ trình. Nhà vua phê chuẩn mới được in. Vì vậy chủ quyền Hoàng Sa có mặt trong SGK dạy cho trẻ nhỏ được coi là quan điểm chính thống của Nhà nước phong kiến Việt Nam”, Giáo sư Trịnh Khắc Mạnh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm nhấn mạnh.
Bản đồ Hoàng Sa trong Khải đồng thuyết ước có tên là Bản quốc địa đồ thuộc các trang 15-16 của sách. Trên bản đồ ghi vị trí các tỉnh, ngọn núi lớn từ cửa Nam Quan đến Biên Hòa, Vĩnh Long và những ghi chú số phủ, huyện, tổng, xã, phường, ấp, giáp, thuộc từng tỉnh.
Sách do nhà nho Phạm Vọng (hiệu Trúc Đường), Ngô Thế Vinh (hiệu Khúc Giang) biên soạn. Sách được khắc in lần đầu vào năm Quý Sửu Tự Đức thứ 6 (1853) và được sử dụng trong tất cả trường học ngay từ đầu đời Tự Đức cũng giống như sách giáo khoa ngày nay. Vì là sách giáo khoa nên đã được khắc nhiều lần trải qua các triều vua.
“Người Việt Nam xưa chúng ta đã có ý thức truyền dạy cho con trẻ - những lớp người sẽ gánh trên vai trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, có ý thức rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền cai quản của nước Việt Nam. Chữ Khải là mở ra, Đồng là trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ có một lớp màng che, tri thức chưa vào được. Vì thế những người đi trước phải mở màng che đó ra, đưa tri thức vào đầu trẻ”, nhà nghiên cứu Nguyễn Tá Nhí cho biết.
Trong khi đó, nhà nước Trung Quốc cũng có những cuốn sách giáo khoa dạy cho đồng ấu. Nhưng sách giáo khoa cổ của Trung Quốc chỉ vẽ bản đồ của nước mình đến đảo Hải Nam giống như những tập Át lát do nhà nước Trung Hoa chính thức phát hành. Khi đó, Trung Quốc cũng không nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của mình.
Theo VOV
Liên kết website
Ý kiến ()