Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 10:37 (GMT +7)
"Nhà tài trợ" của người bệnh mạn tính
Thứ 2, 01/07/2024 | 08:17:11 [GMT +7] A A
BHXH Quảng Ninh đã và đang cùng các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp tích cực, nhằm đưa chính sách BHYT đi vào cuộc sống; góp phần thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, tạo nền tảng vững chắc cho nhiệm vụ an sinh xã hội bền vững, chăm sóc ngày càng hiệu quả sức khỏe của nhân dân trong tỉnh.
“Phao cứu sinh” của người bệnh
Tại Khoa Hồi sức tích cực - Thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thời điểm cuối tháng 6, toàn bộ 20 giường bệnh đều có bệnh nhân thực hiện lọc máu chu kỳ do bị bệnh thận mãn tính. Tại một giường bệnh, ông Nguyễn Hải Đăng (71 tuổi, ở khu 1, phường Hồng Hải, TP Hạ Long) với khuôn mặt sạm đen đang nằm chờ bác sĩ truyền máu cho đợt lọc máu mới. Ông Đăng bị bệnh tiểu đường gần 20 năm, đến năm 2019 biến chứng chạy sang thận dẫn đến suy thận và phải chạy thận tại Khoa Hồi sức tích cực - Thận nhân tạo từ đó đến nay. Ông Đăng cho hay: Tôi là cán bộ hưu trí có thẻ BHYT được hưởng 95% viện phí, một tháng chi phí cho 12 buổi chạy thận mất khoảng 400.000 đồng. Trường hợp như tôi nếu không có thẻ BHYT thì chi phí mỗi tháng phải chi trả 12 triệu đồng.
Cũng giống như ông Đăng, ông Nguyễn Văn Dương (65 tuổi, ở khu 6B, phường Hà Phong, TP Hạ Long) đã có thời gian 5 năm chạy thận tại bệnh viện. Do bị bệnh viêm cầu thận giai đoạn nặng, ông Dương phải đến Khoa Hồi sức tích cực - Thận nhân tạo 3 lần/tuần để lọc máu. Ông Dương chia sẻ: Một tuần 3 lần tôi bắt xe buýt đến đây để chạy thận; mỗi ca lọc máu có thời gian khoảng 3-4 tiếng đồng hồ. Tôi hưởng chế độ hưu trí và có thẻ BHYT. Trong thời gian điều trị tại bệnh viện, BHYT giúp chi trả 95% viện phí, nên tôi cũng bớt phải lo toan về kinh tế.
Theo ông Nguyễn Văn Dương, mặc dù gia đình không thuộc diện khó khăn, nhưng việc chạy thận dài hạn trong nhiều năm, nếu không có BHYT chi trả thì gia đình cũng không gánh nổi chi phí điều trị. Bệnh thận rất nguy hiểm, việc điều trị kéo dài rất tốn kém, ông Dương mong mọi người cũng tham gia BHYT để phòng trường hợp ốm đau, bệnh tật như mình.
Hiện tại Khoa Hồi sức tích cực - Thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) có 155 bệnh nhân đang chạy thận, trong đó có 70 bệnh nhân chạy thận hằng ngày, được chia thành 2 ca. Điều dưỡng phụ trách thận nhân tạo Hoàng Thị Hậu chia sẻ: Bệnh nhân chạy thận ở đây cơ bản đều có thẻ BHYT mức độ hưởng 80-100% nên chi phí điều trị được chi trả rất lớn. Đối với những bệnh nhân không tham gia BHYT rất khó khăn trong việc điều trị, có những trường hợp bị bệnh thận nặng không dám đi lọc máu. Vì vậy, BHYT rất quan trọng đối với những bệnh nhân suy thận mạn tính.
Trường hợp Bùi Mai Anh (16 tuổi, ở phường Hà Trung, TP Hạ Long), bị bệnh tim bẩm sinh, do bệnh tình ngày càng nghiêm trọng nên năm 2021 phải phẫu thuật tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Do tham gia BHYT học sinh, nên Bùi Mai Anh được Quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí với số tiền hàng trăm triệu đồng. Số tiền còn lại gia đình phải chi trả là rất ít. BHYT đã giúp cho gia đình Bùi Mai Anh đỡ một khoản tiền lớn để chi trả cho phí điều trị.
Chị Trịnh Thanh Huyền, mẹ của Bùi Mai Anh, cho biết: Khi con gái mắc bệnh hiểm nghèo phải vào viện phẫu thuật và được BHYT giúp chi trả hàng trăm triệu đồng, gia đình tôi mới thấy rõ lợi ích của việc tham gia BHYT. Hiện nay Mai Anh đã hoàn toàn bình phục, tiếp tục đến trường học tập để phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.
Những trường hợp kể trên chỉ là đại diện trong số hàng nghìn, hàng vạn trường hợp không may gặp rủi ro bệnh tật được BHYT chi trả với số tiền lớn lên đến hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, chi phí khám chữa bệnh được Quỹ BHYT chi trả số lượng rất lớn. Theo Phó Trưởng phòng phụ trách Giám định BHYT (BHXH tỉnh) Mai Thanh Huyền, hiện nay mức chi trả cho việc sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao trong điều trị khám chữa bệnh BHYT cao nhất bằng 45 tháng lương cơ sở (tương đương số tiền Quỹ BHYT chi trả là 81 triệu đồng) cho một đợt điều trị, như: Mổ tim, thay khớp háng, khớp gối, đốt sống lưng...
Còn đối với những trường hợp bệnh nhân bị ung thư, bệnh nhân chạy thận nhân tạo điều trị suốt đời thì được Quỹ BHYT chi trả theo phác đồ điều trị có thể lên đến hàng tỷ đồng/trường hợp. Có thể khẳng định, BHYT không những giúp người bệnh điều trị khỏi bệnh, mà còn trở thành “phao cứu sinh” cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi chi phí điều trị ngày càng tăng như hiện nay.
Những quyết sách đậm tính nhân văn
Thời gian qua, Quảng Ninh đã vươn lên, trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội; tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước; năm 2023 là năm thứ 9 liên tiếp Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng 2 con số và đời sống của người dân không ngừng được nâng lên.
Đi liền với đó là chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách BHXH, BHYT luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm bằng việc ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù, hỗ trợ riêng của tỉnh ngoài mức hỗ trợ của Nhà nước cho mọi đối tượng, như: Quyết định số 1161/QĐ-UBND (ngày 4/5/2013) của UBND tỉnh hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo từ ngân sách tỉnh; Quyết định số 4230/2015/QĐ-UBND (ngày 25/12/2015) của UBND tỉnh hỗ trợ thêm 50% mức đóng BHYT cho người thuộc gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình; Quyết định số 642/UBND-VX3 (ngày 31/1/2018) của UBND tỉnh hỗ trợ thêm 50% mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình.
Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND (ngày 16/7/2021) của HĐND tỉnh về hỗ trợ 100% kinh phí đóng BHYT cho người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi; trẻ em nhiễm HIV/AIDS... từ nguồn ngân sách tỉnh; Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND (ngày 16/7/2021) của HĐND tỉnh về hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo đến năm 2025 từ nguồn ngân sách tỉnh.
Hay như Nghị quyết số 131/NQ-HĐND (ngày 9/12/2022) của HĐND tỉnh thông qua chỉ tiêu bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; Nghị quyết số 06/2022/NQ-HĐND (ngày 9/12/2022) của HĐND tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí đóng BHXH, BHYT cho hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên, người làm công tác y tế tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục từ nguồn ngân sách tỉnh. Đồng thời nhiều chính sách quan trọng khác góp phần nâng cao diện bao phủ số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.
Tại huyện miền múi vùng cao Ba Chẽ, có 96% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh từ Nghị quyết 16/NQ-HĐND đã duy trì tỷ lệ bao phủ BHYT cao trên 99% dân số của huyện. Ông Bùi Thành Trung, Giám đốc BHXH huyện Ba Chẽ, cho biết: Chính sách đặc thù của tỉnh đã mang lại lợi ích to lớn trong việc hỗ trợ miễn phí cho người dân khu vực vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, góp phần chăm sóc hiệu quả sức khỏe người dân trên địa bàn. Không chỉ riêng huyện Ba Chẽ thụ hưởng mà khoảng 70.000 người dân thuộc các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người sinh sống tại địa bàn khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo trong tỉnh được thụ hưởng. Từ những chính sách đặc thù này, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh hết tháng 6/2024 đạt xấp xỉ 1,3 triệu người, tỷ lệ bao phủ đạt 95,4% dân số tỉnh; Quảng Ninh cao hơn 3,09% so với tỷ lệ bao phủ bình quân chung của toàn quốc.
Hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân
BHXH tỉnh tập trung mở rộng, tăng cường diện bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến với đông đảo người dân, nhất là nhóm đối tượng chưa tham gia BHYT. Hằng năm, BHXH tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị tổ chức các lễ ra quân và cấp phát hàng trăm nghìn tờ rơi, tờ gấp hướng dẫn tham gia BHXH, BHYT.
Đồng thời, tổ chức hàng trăm hội nghị tuyên truyền, đối thoại về chính sách BHYT tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Nhất là người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để người dân hiểu nắm được lợi ích mà BHYT mang lại cho bản thân, gia đình. Những hội nghị tuyên truyền, phổ biến, đối thoại về BHYT được tổ chức như thế này có vai trò vô cùng quan trọng giúp người dân tiếp cận nắm rõ lợi ích của bản thân khi tham gia BHYT.
BHXH tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT vào quy trình nghiệp vụ của ngành, sử dụng hiệu quả ứng dụng BHXH số (VssID) trên nền tảng điện thoại thông minh, kết nối chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, phối hợp với cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện việc sử dụng CCCD gắn chíp trong khám chữa bệnh. Thêm nữa, người dân có thể ngồi tại nhà đăng ký mua và đóng tiền BHYT.
Có thể khẳng định, BHYT là chính sách quan trọng hàng đầu, mang ý nghĩa nhân đạo có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc đã được Đảng, Nhà nước và tỉnh hết sức quan tâm, coi trọng đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thực tế cho thấy việc tham gia BHYT đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người mắc bệnh mạn tính điều trị dài ngày. BHYT không chỉ là “phao cứu sinh” cho người dân, mà còn là chính sách an sinh xã hội, là nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()