Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 04:53 (GMT +7)
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm và Vùng mỏ
Thứ 7, 29/01/2022 | 08:18:32 [GMT +7] A A
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm tự cho mình là người may mắn sớm được tiếp cận với những người thợ sáng tạo, nhân ái và bất khuất kiên cường để có được những trang văn về Vùng mỏ. Hầu hết các sáng tác của ông, trên nhiều lĩnh vực khác nhau đều viết về Vùng mỏ. Và các tác phẩm về Vùng mỏ cũng đã mang lại cho ông nhiều giải thưởng văn học cao quý, gần đây nhất là giải văn học ASEAN.
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm sinh năm 1942, tại Nha Trang. Tốt nghiệp Khoa Cơ điện mỏ Trường Trung cấp Kỹ thuật mỏ, ông về vùng than, trải qua nhiều công việc khác nhau như: Trưởng Đài phát thanh mỏ rồi Phó Giám đốc Trung tâm truyền hình Công nghiệp mỏ, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Than Việt Nam.
Là thợ mỏ chuyển sang cầm bút viết văn, Võ Khắc Nghiêm viết rất sung sức. Ông luôn ý thức rõ trách nhiệm và niềm tự hào của người cầm bút trưởng thành từ một vùng đất giàu đẹp, anh hùng. Lấy vốn sống từ những năm tháng tươi trẻ đầy gian lao vất vả nhưng vinh quang của cuộc đời người thợ mỏ, thấu hiểu tâm tư, nỗi niềm của họ, tác phẩm của Võ Khắc Nghiêm luôn lấp lánh hình ảnh người công nhân.
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã xuất bản 20 tập tiểu thuyết, đa phần viết về Vùng mỏ như: “Nhân danh công lý”, “Mười sáu tấn vàng”, “Cướp ngày”, “Sự huyền diệu của tình yêu”, “Đại dương trong mắt em”, “Người tình 15 năm”, “Phúc hoạ đời người”, “Trăng lạnh Hạ Long” v.v.. Ông cũng đã cho ra đời hàng trăm truyện ngắn, bút ký, phóng sự, hàng chục tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh.
Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam. Ông đã giành được giải nhất Giải thưởng Văn học công nhân lần thứ VII (1995-2005); giải A Giải Văn học công nhân (1990-1995), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017, Giải thưởng Văn học ASEAN giai đoạn 2019-2020.
Nhân vật trong sáng tác của Võ Khắc Nghiêm chủ yếu được khắc họa số phận với những xung đột căng thẳng đầy hấp dẫn. Thế giới nhân vật của Võ Khắc Nghiêm đa dạng, phong phú hơn. Ông đi sâu phân tích tâm lý, tính cách và số phận những nhân vật thợ mỏ.
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm cho biết: Tôi học được từ người thợ lò cách thể hiện “đi thẳng” vào truyện chân thực, không sa đà vào mây gió trăng sao, không miên man, rối rắm mà tập trung chi tiết xây dựng nổi bật tính cách nhân vật đa chiều qua những sự kiện. Cách thể hiện cũng phải mới mẻ, phù hợp với nội dung để tạo nên sức hấp dẫn trong từng chi tiết, từng câu đối thoại, không chỉ phù hợp với tính cách nhân vật mà còn phải có trí tuệ, gắn với sự khái quát hoàn cảnh xã hội.
Viết về người thợ mỏ, Võ Khắc Nghiêm không miêu tả trực diện như Võ Huy Tâm mà dựng một đường viền để soi sáng nhân vật. Từ đó, ông mở rộng biên độ, giới hạn của đề tài từ chuyện sản xuất và chiến đấu sang các lĩnh vực đời sống gia đình, mối quan hệ riêng tư để tạo không gian nghệ thuật rộng cho nhân vật hoạt động.
Nhà văn thổ lộ quan điểm: Tôi đã chọn cho mình cách viết “tốc độ”, dồn nén, áp dụng phương pháp cắt lớp của điện ảnh, tạo ra những xung đột tính cách của sân khấu và cả cách lướt qua sự kiện kiểu của báo chí để cho người đọc tiếp nhận nhanh thông tin và gợi mở cho họ sức tưởng tượng sống cùng nhân vật, giống như trong khai thác than người ta phải chọn phương hướng mở lò, cắt tầng đi thẳng vào vỉa than sao cho ngắn nhất, hiệu quả nhất.
Trong tiểu thuyết “Mảnh đời của Huệ”, nhân vật chính Huệ có một cuộc đời bị xé ra thành nhiều mảnh: Từ một cô gái thôn quê xinh đẹp, bị lừa, bị hãm hiếp, dạt ra mỏ, dạt sang Hồng Kông. Cuối cùng quay lại mỏ và Huệ đã tìm được hạnh phúc của cuộc đời mình. Sau hai cuộc tình đau khổ với phó giám đốc Hải và lái xe Phúc, Huệ gặp được Long, người đàn ông mang lại hạnh phúc cả đời cho chị.
Nhà văn chia sẻ về nhân vật này: Tôi không miêu tả trực diện người thợ mỏ mà tôi dựng một đường viền để soi sáng nhân vật. Từ đó, tôi mở rộng biên độ của đề tài từ chuyện sản xuất và chiến đấu sang các mối quan hệ riêng tư để tạo không gian nghệ thuật rộng cho nhân vật hoạt động. Nhân vật của tôi không chỉ được đặt trong quan hệ sản xuất ở trên mỏ, mà còn được đặt trong quan hệ muôn mặt đời thường.
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm chủ trương gạt bỏ sự gặm nhấm nhàm chán của ngôn từ để tập trung xây dựng hình tượng nhân vật. Ông cho biết: Vì muốn tri ân những người thợ mỏ đã cưu mang tôi, nâng đỡ tôi nên cuốn tiểu thuyết không có những nhân vật mà người ta hay gọi là phản diện, tiêu cực. Chỉ có những xung đột tính cách, nội tâm và những hoàn cảnh xô đẩy thân phận con người. Ngay cả những quan niệm bảo thủ, cực đoan của ai đó, xét cho cùng chỉ là sản phẩm của một thời, nhưng từ đó lại bật ra những điểm sáng mới trong các nhân vật, nâng vẻ đẹp cao sang.
Những câu chuyện, những nhân vật mà nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã khắc hoạ trong các tác phẩm của mình chỉ phản ánh được một phần nhỏ cuộc sống phong phú, đa dạng của thợ mỏ. Không chỉ có thợ mỏ, nhân vật của nhà văn còn công tác ở nhiều ngành quan trọng ở các địa phương trong tỉnh như: Uông Bí, Vân Đồn, Hạ Long, Bái Tử Long.
Nhận xét về sáng tác của Võ Khắc Nghiêm, nhà văn Ma Văn Kháng cho rằng: Điều nhất quán xuyên suốt trong sáng tác của Võ Khắc Nghiêm là không ngừng khám phá những sự mới lạ của cuộc sống, ông cố tìm ra cho riêng mình cách thể hiện không giống ai, chú trọng đến lượng thông tin và dựng lên hàng loạt nhân vật sống động, thể hiện sâu đậm bản sắc và thân phận. Nhất là thân phận những người thợ và những người phụ nữ trong cuộc sống hiện tại. Những nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ của Võ Khắc Nghiêm đã góp phần mang lại sự giàu có và vẻ đẹp cho văn học Quảng Ninh hiện đại.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()