Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:57 (GMT +7)
Nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm: “Vùng Than là tình yêu của tôi”
Thứ 4, 05/01/2022 | 10:39:53 [GMT +7] A A
Nói đến nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm, khán thính giả Vùng mỏ nhớ đến những ca khúc của ông được công diễn trong các hội diễn; được phát trên các đài phát thanh, các đài truyền hình. Âm nhạc của Lê Nguyên Thêm viết về người thợ mỏ về Vùng mỏ khỏe khoắn, sôi động, hào hùng nhưng cũng không kém phần thiết tha, sâu lắng.
Nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm (bút danh Lê Thêm) sinh năm 1949 tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam nhưng lớn lên, trưởng thành và lập nghiệp tại TP Hạ Long. Năm 1972, tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất, ông nhập ngũ chiến đấu ở mặt trận Bình - Trị - Thiên. Giữa chiến trường, ông ra mắt những tác phẩm âm nhạc đầu tay như ca khúc “Cây dương khô”, bản hòa tấu “Tiếng hò Cửa Việt” và “Xe pháo hành quân”. Năm 1975, Lê Nguyên Thêm xuất ngũ, về vùng than làm thợ. Ông sau đó làm Phó phòng, Trưởng phòng Kế hoạch, Giám đốc Xí nghiệp Than Cao Thắng, Phó Giám đốc Công ty Than Hà Lầm rồi Giám đốc Công ty Than Hòn Gai.
Làm than nhưng Lê Nguyên Thêm vẫn có thú vui sáng tác âm nhạc như hồi cầm súng. Với Lê Nguyên Thêm, âm nhạc và than đều là niềm đam mê khó bỏ. Ca từ, giai điệu trong âm nhạc của Lê Nguyên Thêm có âm hưởng đời sống thợ mỏ. Để rồi, sau nhiều năm lăn lộn nếm trải vất vả cùng thợ mỏ, những ca từ thăng hoa trở thành ca khúc được nhiều người yêu thích như: “Khi anh bay qua vùng than”, “Hạ Long thu sang”, “Giữ mãi Hạ Long xanh”, “Khúc cha cha người thợ mỏ”.
Nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm kể: Có lần sau khi đi lò, tôi thấy anh em Than Hòn Gai ra nhọ nhem, không thể nhận ra nhau. Lên đến mặt đất, chân tay mặt mũi phủ đen bởi bụi than. Mồ hôi nhễ nhại ướt áo. Những tưởng cái lam lũ, mệt nhọc ấy đã nhấn chìm tinh thần nghệ thuật của những người thợ. Nhưng thật bất ngờ ngay tối hôm ấy, họ - những anh thợ, chị thợ bết bát mồ hôi lúc sáng đã biến thành những vũ công điêu luyện tập trên sàn nhảy. Người ta trở nên say sưa, có khiếu không kém những nghệ sỹ chuyên nghiệp. Không ai nghĩ rằng sau công việc vất vả là thế mà họ còn có thể nhảy múa điêu luyện đến vậy. Nét sinh hoạt văn hóa đó đã gây ấn tượng cho tôi viết nên ca khúc được lớp lớp thợ mỏ yêu thích: “Khúc cha cha cha của thợ mỏ”.
Nhiều tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm được biểu diễn trong phong trào ca hát quần chúng, các kỳ hội diễn và đạt nhiều giải thưởng các loại. Các ca khúc của ông được thể hiện trong đêm nhạc này mang nhiều sắc thái khác nhau. Từ sự du dương trong “Giữ mãi Hạ Long xanh” đến cái phóng khoáng trong “Khúc ngẫu hứng người thợ lò”, sự sôi nổi, mạnh mẽ trong “Khúc cha cha cha của người thợ mỏ” đến cái lãng mạn đầy dư âm của ca khúc “Hạ Long thu sang” .v.v.
Nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm có nhiều ca khúc đáng chú ý như: “Khi anh bay qua vùng Than”, “Nỗi nhớ dòng sông”, “Tự nhủ”, “Khúc ngẫu hứng người thợ lò” .v.v. Nhiều tác phẩm của ông đạt giải cao trong Hội diễn văn nghệ quần chúng người lao động toàn quốc, ngành Than và giải thưởng Văn nghệ Hạ Long như các tác phẩm: “Cây đàn Hạ Long”, “Tuổi trẻ ra khơi”, “Thu sang”.v.v. Ông là Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, được UBND tỉnh trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Vùng mỏ năm 2005. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm chia sẻ: Người ta bảo tôi làm quản lý thì viết nhạc làm sao? Nó như hai mảng đối lập. Nhưng thực tế, với tôi, sự gắn bó với than gần 40 năm đó chính là nguồn chất liệu quý giá, cảm hứng để tôi cho ra đời những tác phẩm được công chúng ghi nhận. Ví như, việc kỷ niệm đón chào tấn than thứ một triệu của Than Hòn Gai với dòng cảm xúc tuôn trào, tôi lúc đó đang là Giám đốc viết ngay tại chỗ ca khúc “Tuổi trẻ Than Hòn Gai”. Đến nay, những lời ca ấy vẫn vang mãi trên công trường Than Hòn Gai mỗi dịp hội diễn, kỷ niệm Công ty.
Nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm tâm sự: Làm than tôi thấy rằng, đời sống tinh thần vốn đã quan trọng với con người. Nhưng với thợ mỏ, nó lại càng cần thiết hơn nữa. Dòng than và tiếng hát, hai niềm hạnh phúc song hành ấy đã được dung hòa và tuôn chảy trong trái tim tôi. Vào những năm 2000, ngành Than rất khó khăn, tình hình hoạt động của Công ty Than Hòn Gai lúc đó có thể ví như là “khúc bi mang điệu thức thứ”. Chúng tôi luôn trăn trở rằng phải làm gì để Than Hòn Gai có bước phát triển nhảy vọt giống như “khúc biến tấu mang điệu thức trưởng”. Nghệ thuật và kinh tế là hai việc khác nhau thậm chí là trái ngược nhau nhưng phải làm thế nào để dung hòa được cả hai. May thay tạo hóa đã tặng cho tôi cả hai. Hai niềm đam mê ấy luôn cháy bỏng trong trái tim tôi. Bởi vậy, tôi may mắn được hưởng cả hai niềm hạnh phúc: Với âm nhạc và với than. Và tất nhiên, tôi không thể làm gì khác ngoài việc chung tình với cả hai.
Bây giờ, khi đã nghỉ hưu rồi, không còn làm than nữa nhưng ông vẫn viết nhạc về hòn than và những người thợ mỏ. Đó là niềm đam mê, là sự nghiệp gắn bó cả cuộc đời ông.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()