Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 10:18 (GMT +7)
Nhạc sĩ Đỗ Hoà An với đề tài người thợ mỏ
Thứ 7, 29/01/2022 | 14:14:35 [GMT +7] A A
Đỗ Hoà An là một trong số những nhạc sĩ có nhiều ca khúc viết về thợ mỏ được nhiều người yêu thích. Không ít những ca khúc của ông đi cùng năm tháng trên các sân khấu lớn khắp các tỉnh thành cả nước, bởi ca từ, khúc thức cùng giai điệu của những ca khúc luôn gắn kết tình yêu quê hương đất nước, mùa xuân và niềm tin với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mảnh đất đẹp giàu và con người Quảng Ninh luôn là nguồn cảm hứng sáng tác cho các văn nghệ sĩ, nhất là mùa xuân và tết. Trong ca khúc “Bay lên những nốt nhạc xuân” của nhạc sĩ Đỗ Hoà An có giai điệu rộn ràng cùng tiết tấu của trống hội và dàn nhạc ngũ cung chào đón mùa xuân mới ông đã viết: “Bay lên, bay lên những nốt nhạc xuân, bay lên bay lên đất trời nở hoa. Bay lên, bay lên mùa xuân rạng ngời. Bay lên, bay lên mùa xuân gấm hoa. Nào ta chào đón nhạc chúc xuân… Ta vui, ta ca mừng xuân, mừng Đảng, mừng xuân hội nhập, mừng xuân thắng lợi. Mùa xuân ơi. Việt Nam ơi".
Niềm vui chào đón mùa xuân cùng với niềm tin yêu vào Đảng và đất nước được khẳng định trong ca từ của bài hát này: "…Mừng xuân, mừng Đảng, mừng quê hương, đất nước tiến vững chắc trên đường đổi mới. Quê hương tôi ơi, quê hương tôi ơi sao mà vui…". Ngày nay, đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã và đang vượt qua những khó khăn về kinh tế và phòng chống dịch bệnh để duy trì sự phát triển ngày càng lớn mạnh của đất nước. Tuy nhiên, Đảng ta luôn coi trọng và tôn vinh những giá trị truyền thống, nhất là văn hoá nghệ thuật truyền thống dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, từ lâu nhạc sĩ Đỗ Hoà An đã đưa nội dung này vào trong ca khúc “Bay lên những nốt nhạc xuân với ca từ: "…Mừng Đảng mừng xuân ta tôn vinh những giá trị truyền thống, để những nốt điệu nhạc ngũ cung lan toả, mùa xuân quê hương ơi, Việt Nam quê hương tôi…”.
Trong gia tài về âm nhạc với vài trăm ca khúc của Đỗ Hoà An, có nhiều ca khúc viết về những người thợ vùng than. Thời còn sung sức, ông đi thực tế và trải nghiệm nhiều nơi. Bởi vậy, có lẽ nhạc sĩ Đỗ Hoà An có phần nào hiểu sâu hơn về cuộc sống và tâm tư tình cảm của những người thợ trong gian khó và vinh quang. Trong ca khúc “Tâm sự vùng than”, ca từ có đoạn: “…Có tiếng cười rất xanh dưới lòng mong vì niềm tin khi thấy núi than đã lộ thiên. Ngàn con mắt than đen xốn xang tự nhiên. Chỉ có anh mới nghe thấy tiếng thì thầm của than. Chỉ có anh, người thợ tháng năm tâm sự vui buồn cùng than…”. Hay trong ca khúc “Hát về anh người thợ lò”, Đỗ Hoà An lại ví người thợ lò: “…Thợ lò như chiếc rễ bám sâu tầng than dày nồng nàn từng câu hát cất lên từ đây, rễ ngại chi đất bạc màu. Như anh ngại chi lòng đất sâu, chiếc áo xanh bạc màu thấm đượm bụi than. Bạn có nghe tiếng than tháo ào ào. Bạn có nghe gió lùa qua họng sáo. Bạn có nghe từ lòng đất vọng về một tiếng tơ lòng mặn mòi mênh mông, một tiếng tơ lòng mặn mòi mênh mông…”.
Ca từ thật giản dị và gần gũi thân thuộc với bao người thợ lò từng trải, chỉ có người thợ lò và những ai đã từng được trải nghiệm mới hiểu được những thanh âm từ trong lòng đất và than như: “… Tiếng than tháo ào ào” hay “gió lùa qua họng sáo” và “từ lòng đất vọng về tiếng tơ lòng mênh mông”.
Đối với ca khúc “Thơ thợ lò”, Đỗ Hoà An lại có góc nhìn bằng âm nhạc thật khác lạ bởi ca từ: “Âm năm mươi độ sâu chúng tôi đi vào trong lòng đất… Những bước đi chuyển rung núi đồi. Nắng hay gió, suối hay khe đều ở cả trên đầu. Càng xuống thấp càng nhiều gian khó thử thách lòng chúng ta…”. Ca khúc này được Đỗ Hoà An sáng tác năm 2008 tại mỏ than Hà Lầm sau một chuyến đi thực tế trong hầm lò, được sử dụng nhiều trong các hội diễn văn nghệ quần chúng cũng như hội diễn chuyên nghiệp và giành được nhiều giải thưởng cao.
Nhạc sĩ Đỗ Hoà An kể lại rằng có lần, một anh chàng thợ mỏ tâm sự với ông rằng anh ta lấy được vợ hiền cũng là nhờ anh đã hát rất hay bài “Thơ thợ lò”, vì thế một cô gái rất mê rồi sau đó yêu và trở thành vợ.
Sáng tác ca khúc viết về những người thợ luôn là đề tài hấp dẫn và lôi cuốn Đỗ Hoà An. Những người thợ với các ngành nghề khác nhau được ông sáng tác ca khúc như: “Tình em cô gái sàng than", “Những cô gái nhà đèn hát”, “Cô gái thợ sơn tàu"... Ngay cả những người lái xe hàng ngày chuyên chở công nhân đến nơi làm việc và về với gia đình sau giờ làm việc cũng được nhạc sĩ viết tặng ca khúc “Phía sau lưng chúng tôi” với khúc thức như những lời tự sự: “…Phía sau lưng chúng tôi là những người thợ cùng những tiếng cười xông xênh và phía sau chúng tôi là những người thợ xẻ núi bốc đồi làm than”. Gần đây, sau chuyến đi thực tế tại Công ty Than Mông Dương, ông đã sáng tác ca khúc “Gửi em gái nhà đèn Mông Dương” phỏng thơ Vũ Thảo Ngọc.
Ca khúc “Vùng than nhớ Bác" của nhạc sĩ Đỗ Hoà An là một trong những ca khúc được công chúng yêu thích, dàn dựng rất công phu và biểu diễn thành công của các đoàn nghệ thuật: “Quảng Ninh nhớ mãi ngày Bác Hồ về thăm. Người thợ còn đinh ninh trong tim lời nói của Người. Người đã mở ra cho quê hương, cho công nhân Vùng than một chân lý sáng mãi. Mấy chục năm rồi lời dạy của Người như vì sao sáng mãi trong đêm, như vầng dương toả sáng chân trời, như Hạ Long xanh biếc đời đời...”.
Đặc biệt, nhạc sĩ Đỗ Hoà An còn có một ca khúc xuất sắc được nhiều người yêu thích đó là “Đảng là mùa xuân người thợ ”. Đây là một ca khúc được ông sáng tác năm 2006 nhân dịp Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X. Ca khúc này như lời tự sự của những người thợ mỏ năm xưa. Mọi người đều nhớ về cuộc đời lam lũ vất vả của cha mẹ cùng những lời ru yêu thương thời bé nhỏ và nỗi nhớ quê hương nguồn cội, thấu hiểu tình cảm này. Ngay từ câu đầu tiên nhạc sĩ viết: “Nơi tôi sinh ra mênh mông lời ru của mẹ. Nơi tôi sinh ra sâu thẳm nỗi nhớ của cha. Nuôi tôi lớn khôn như bây giờ có một ngày cha khó nhọc…” . Tháng 7 năm 2019, tỉnh Quảng Ninh tổ chức chương trình nghệ thuật “Đêm nhạc Đỗ Hoà An” tôn vinh người nhạc sĩ tài danh có nhiều đóng góp tác phẩm âm nhạc hay cho Vùng than. Ca khúc “Đảng là mùa xuân người thợ" do ca sĩ Hoàng Tùng và nhóm múa Trường Đại học Hạ Long biểu diễn đã gây xúc động cho không ít khán giả đến xem đêm diễn.
Đỗ Hoà An từng được nghe kể về thời người dân sống cuộc đời nô lệ dưới sự cai trị của thực dân Pháp. Ông hình dung qua hình tượng văn học về cuộc sống không có tự do và phiêu bạt của những người thợ mỏ ngày xưa không khác xa với cuộc sống nơi quê hương ông. Bởi vậy, trong ca khúc "Đảng là mùa xuân người thợ", ông viết: “… Đảng về phá sạch gông xiềng. Rồi một ngày cờ bay phất phới trên núi Bài Thơ quê tôi… Đảng là mặt trời chân lý trong tim người thợ vùng than. Đảng đã cho tôi con đường sáng ngời niềm tin. Đảng đã cho tôi con đường với bao mùa xuân và tình yêu”.
Nhạc sĩ Đỗ Hoà An kể lại năm 2008, ông về mỏ than Cao Sơn dàn dựng ca khúc này. Sau buổi tập cuối trước khi tổng duyệt chương trình, bỗng một bác khoảng 80 tuổi ngồi dưới hàng ghế khán giả bước lại gần bắt tay và nói "Đây là lần đầu tiên tôi được nghe bài hát này. Gia đình tôi đã có hai thế hệ làm công nhân mỏ. Bản thân tôi đã trải qua thời kỳ làm phu mỏ thời Pháp thuộc. Nghe bài hát mà xúc động quá. Nhờ có Đảng mang lại hạnh phúc ấm no nên chúng tôi biết ơn và giữ vững niềm tin vào Đảng".
Nhạc sĩ Đỗ Hoà An luôn cảm ơn vì đã được người dân Quảng Ninh mến mộ và yêu thích. Đặc biệt là những người thợ mỏ Vùng than thân yêu. Ông cho rằng, đó là giải thưởng cao quý nhất dành cho ông trong cuộc đời gắn bó và cống hiến âm nhạc cho đất nước và quê hương.
Huy Đào
Liên kết website
Ý kiến ()