Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:36 (GMT +7)
Nhận biết dấu hiệu rối loạn ăn uống ở người đái tháo đường để bệnh không trầm trọng hơn
Thứ 3, 05/07/2022 | 15:50:49 [GMT +7] A A
Người mắc bệnh đái tháo đường phải tập trung nhiều hơn vào chế độ ăn uống, cân nặng và cả hình ảnh cơ thể, vì vậy một số người có thể cảm thấy tiêu cực về thức ăn. Chứng rối loạn ăn uống ở người đái tháo đường có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người bệnh và diễn tiến của bệnh.
Ước tính có tới 30% người mắc bệnh đái tháo đường type 1 bị rối loạn ăn uống và có khoảng từ 5 đến 9% những người bệnh đái tháo đường type 2 bị rối loạn ăn uống vô độ.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ: Các nhà nghiên cứu ước tính rằng 10–20% trẻ em gái ở độ tuổi vị thành niên và 30–40% phụ nữ mắc bệnh ĐTĐ thường bỏ qua hoặc tự thay đổi liều lượng insulin để kiểm soát cân nặng của họ. Diabulimia là một thuật ngữ chỉ chứng rối loạn ăn uống ở một người mắc bệnh đái đường (ĐTĐ), điển hình là bệnh ĐTĐ type 1, trong đó có người cố ý hạn chế insulin để giảm cân.
Ở những người mắc bệnh ĐTĐ, rối loạn ăn uống có thể dẫn đến kiểm soát trao đổi chất kém và có thể phải nhập viện vì lượng đường trong máu cao hoặc thấp một cách nguy hiểm. Kiểm soát lượng đường trong máu kém mạn tính dẫn đến các biến chứng lâu dài, chẳng hạn như tổn thương mắt, thận và thần kinh.
1. Một số dấu hiệu của rối loạn ăn uống
-
Tăng HbA1c hoặc lượng đường trong máu lên xuống rất nhiều
-
Nhiễm toan ceton do đái tháo đường (DKA) hoặc gần các đợt DKA
-
Giảm cân không giải thích được
-
Buồn nôn và / hoặc nôn liên tục
-
Khát nước dai dẳng và đi tiểu thường xuyên
-
Natri và / hoặc kali thấp
-
Nhiễm trùng bàng quang và / hoặc nấm men thường xuyên
-
Ở nữ giới, kinh nguyệt không đều hoặc ít
-
Thị lực kém hoặc mờ
-
Mệt mỏi hoặc hôn mê
-
Tóc và da khô
Người bệnh có những hành vi và cảm xúc tiêu cực như:
- Tự hạn chế nghiêm ngặt thực phẩm ăn hoặc rơi vào tình trạng ăn nhiều thức ăn thường xuyên và không kiểm soát được. PGS.TS. BSCC. Tạ Văn Bình, Nguyên Giám đốc BV Nội tiết trung ương, chuyên gia về bệnh Nội tiết và rối loạn chuyển hóa lưu ý người bệnh đái tháo đường cần chú ý đến các vấn đề như: Dùng thuốc - Chế độ ăn, uống - Luyện tập đã hợp lý chưa? Người đái tháo đường không được nhịn ăn và cần ghi nhớ nguyên tắc điều trị bằng chế độ ăn cũng quan trọng như dùng thuốc.
- Trầm cảm và lo âu, buồn bã, lo lắng về việc tăng cân, về thói quen ăn uống. Theo TS.BS Huỳnh Giao (Đại học Y dược TP HCM): Tỷ lệ stress ở người bệnh đái tháo đường khá cao, điều này có thể ảnh hưởng đến việc chăm sóc và tuân thủ điều trị của người bệnh. Vì vậy, bên cạnh việc giáo dục sức khỏe về chế độ điều trị, dinh dưỡng và vận động hợp lý cần kết hợp đánh giá mức độ stress như một phần trong quá trình chăm sóc người bệnh đái tháo đường.
Ngoài ra, một số người cố gắng giảm cân tiêu cực bằng cách làm cho bản thân bị ốm hoặc tập thể dục quá nhiều mà không ăn uống đủ chất để cân bằng lại, hay sử dụng thuốc nhuận tràng để cố gắng kiểm soát cân nặng, điều này gián tiếp hạn chế lượng insulin cần thiết. Một số người giảm hoặc ngừng insulin. Điều này thực sự nguy hiểm và có thể gây ra nguy hiểm cho sức khoẻ trong hiện tại và cả tương lai.
Theo thời gian, các hành vi ăn uống rối loạn như thế này có thể dẫn đến rối loạn ăn uống, như chán ăn, hoặc ăn vô độ.
2. Các loại rối loạn ăn uống trong bệnh đái tháo đường
Chán ăn (hay biếng ăn tâm thần) là một chứng rối loạn ăn uống xoay quanh nỗi sợ hãi ám ảnh về việc tăng cân. Chứng chán ăn có thể liên quan đến việc tự bỏ đói và giảm cân quá mức. Tuy chán ăn là một chứng rối loạn tâm lý, nhưng hậu quả về thể chất rất nghiêm trọng và đôi khi nguy hiểm đến tính mạng.
Chứng cuồng ăn (hay chứng ăn vô độ) được đặc trưng bởi tình trạng ăn uống vô độ thường xuyên. Sau đó, người bệnh có thể tự gây ra nôn mửa, dùng thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu, hoặc tự giảm insulin, nhịn ăn, ăn kiêng khắc nghiệt và tập thể dục cường độ mạnh.
Rối loạn ăn uống vô độ (còn được gọi là cưỡng chế ăn quá mức) được đặc trưng chủ yếu bởi các giai đoạn ăn uống không kiểm soát, bốc đồng hoặc liên tục vượt quá mức cảm thấy no một cách thoải mái. Trong khi không có thanh lọc, có thể có những lần nhịn ăn lẻ tẻ hoặc ăn kiêng lặp đi lặp lại và thường là cảm giác xấu hổ hoặc trách móc bản thân sau một bữa ăn quá đà.
Hành vi này không phải lúc nào cũng phát triển thành rối loạn ăn uống, nhưng nếu có thì đó là một tình trạng sức khỏe tâm thần rất nghiêm trọng. Khi người bệnh hạn chế insulin hoặc các hành vi ăn uống rối loạn khác trở nên khắc nghiệt thì chu kỳ xấu hổ, cảm giác tội lỗi và các cảm giác tiêu cực khác có thể khiến tình trạng bệnh khó điều trị. Trong những trường hợp rất nghiêm trọng, có thể cần nhập viện cho đến khi người bệnh ổn định hơn về mặt tinh thần và y tế.
3. Rối loạn ăn uống có thể ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
Các vấn đề về ăn uống có thể khiến cơ thể người bệnh bị tổn thương nghiêm trọng. Ăn quá nhiều sẽ làm cho lượng đường trong máu người bệnh tăng quá cao - tăng đường huyết có thể khiến người bệnh cảm thấy thực sự mệt mỏi và gây đau đầu.
Hạn chế insulin cũng sẽ làm cho lượng đường trong máu của người bệnh tăng quá cao. Và điều này có thể nhanh chóng dẫn đến một biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng được gọi là nhiễm toan ceton do đái tháo đường (DHK). Trong trường hợp này, người bệnh cần được điều trị khẩn cấp.
Hạn chế insulin không chỉ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu mà còn có thể khiến người bệnh giảm cân. Nhưng giảm cân quá nhiều có thể làm cho xương và cơ yếu hơn, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng đi lại của người bệnh. Nếu người bệnh có lượng đường trong máu cao trong một thời gian dài, nó có thể làm tổn thương nghiêm trọng đến các mạch máu làm tăng các biến chứng ở chân, mắt và tim...
4. Có thể khắc phục chứng rối loạn ăn uống ở người đái tháo đường không?
Rối loạn ăn uống là bệnh có cơ sở sinh học được điều chỉnh và ảnh hưởng bởi các yếu tố tình cảm và cả văn hóa. Mặc dù rối loạn ăn uống là một căn bệnh nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng, nhưng vẫn có sự trợ giúp và khả năng hồi phục là hoàn toàn có thể.
Cho dù người bệnh đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ăn uống hay nghĩ rằng mình có thể mắc chứng rối loạn ăn uống, người bệnh có thể nhận được sự trợ giúp chuyên môn từ một chuyên gia chăm sóc sức khỏe như bác sĩ đa khoa, chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ chuyên khoa đái tháo đường hoặc người tư vấn dinh dưỡng. Họ sẽ chia sẻ cảm xúc và giúp người bệnh quản lý việc ăn uống rối loạn của mình.
Họ cũng có thể giới thiệu bạn đến một nhà tâm lý học cung cấp cho bạn lời khuyên và hỗ trợ thực sự chuyên khoa, đồng thời hướng dẫn bạn thông qua các lựa chọn điều trị khác nhau như liệu pháp nói chuyện hoặc thuốc.
Ghi nhật ký về thức ăn và cảm xúc có thể hữu ích để hiểu một số cách ăn uống và cảm xúc của bạn liên quan đến thức ăn. Đây là một cách hữu ích để theo dõi thực phẩm bạn đã ăn và ảnh hưởng của nó đối với tâm trạng và bệnh đái tháo đường của bạn.
Theo Cử nhân dinh dưỡng Đỗ Át K, Trung tâm Dinh dưỡng Lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai: Với những người bệnh đái tháo đường bị rối loạn ăn uống cần được hướng dẫn cách thay thế đa dạng thực phẩm, làm sao để ăn các thực phẩm khác nhau nhưng lượng tinh bột vẫn ổn định, phù hợp với thể trạng của người bệnh.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()