Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 07:29 (GMT +7)
Nhận diện điểm nghẽn, vững tin kinh tế Việt Nam 2023
Thứ 3, 24/01/2023 | 07:20:01 [GMT +7] A A
Kinh tế Việt Nam năm 2022 đã cán đích ngoạn mục với kết quả tăng trưởng lên tới 8,02%, cao nhất hơn một thập kỷ. Những điểm nghẽn còn tồn tại cũng đã được nhận diện để tháo gỡ, bứt phá trong năm 2023.
Vượt qua thách thức
Ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết: 9 tháng năm 2022, bức tranh kinh tế Việt Nam rất tươi sáng, kết quả tăng trưởng đạt 8,83% - cao nhất giai đoạn 2011-2022. Đó là do kết quả kinh doanh của ba khu vực đều tăng trưởng tốt. Mức tăng trưởng này dựa trên nền rất thấp của 9 tháng năm 2021.
Xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, 2 “trụ cột” Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khi nhắc đến thành công của kinh tế năm 2022 đã đề cập đến điểm sáng xuất nhập khẩu khi chúng ta bước vào năm thứ 6 xuất siêu liên tiếp với ước tính kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mốc trên 700 tỷ USD. Trong khi đó, Tổng cục Thống kê đánh giá, hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt 5,67 triệu tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước và là mức tăng cao trong nhiều năm trở lại đây.
Nói về hai trụ cột này, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát nhận định, năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng sản lượng bán hàng thép xây dựng Hòa Phát vẫn tăng nhẹ so với năm 2021 với 4,2 triệu tấn. Trong đó xuất khẩu đóng góp gần 1,2 triệu tấn. Thị phần trong nước tiếp tục được củng cố ở vị trí dẫn đầu với gần 35% thị phần.
“Thị trường xuất khẩu đã mở rộng khắp 5 châu. Việc khai thác các thị trường xuất khẩu mới giúp Hòa Phát đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, đồng thời góp phần thu ngoại tệ và cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam”, ông Thắng nói.
Bên cạnh các dòng sản phẩm thép truyền thống, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất thành công các dòng thép chất lượng cao, đặc biệt là các dòng thép kỹ thuật khó như thép cuộn làm tanh lốp ô tô, đinh vít, và thép thanh vằn đóng cuộn.
Trong khi đó, “ông lớn” của ngành hàng tiêu dùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan Danny Le cho hay, làn sóng chuyển đổi sang mô hình bán lẻ hiện đại sẽ là xu hướng tất yếu. Vì thế, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ, nâng cấp chuỗi giá trị tiêu dùng từ mô hình hiện đại, tới truyền thống và online để người tiêu dùng có những trải nghiệm mua sắm tiện lợi.
“Năm qua, chúng tôi đã ra mắt mô hình bán lẻ mới, tích hợp đa tiện ích WIN được người tiêu dùng đón nhận. Chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm, số lượng cửa hàng WIN nhanh chóng tăng lên 100 cửa hàng tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Với các kết quả khả quan bước đầu, doanh nghiệp sẽ tiếp tục, mở rộng mô hình này và đặt mục tiêu 500 cửa hàng WIN trong năm 2023”, ông Danny Le thông tin.
Quý IV/2022, lĩnh vực công nghiệp gặp khó khi một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo phụ thuộc vào cầu tiêu dùng thế giới sụt giảm, đặc biệt ở các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Bối cảnh đó khiến nhiều tổ chức quốc tế thận trọng khi đưa ra dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP tăng 6,2%. ADB dự báo tăng trưởng 6,3%, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng 6,3%...
“Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% là đầy thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như Việt Nam”, ông Lê Trung Hiếu nhận định.
Để đạt mức tăng trưởng này, ông Lê Trung Hiếu kỳ vọng khu vực dịch vụ năm 2023 tiếp tục đạt tăng trưởng khá nhất. Khách du lịch trong nước và quốc tế dự báo tiếp tục tăng. Một số ngành dịch vụ chưa đạt tăng trưởng như trước dịch sẽ có sự phục hồi trong năm 2023 như ăn uống, vận tải...
Ngành nông lâm nghiệp - thủy sản đang trong quá trình tái cơ cấu, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và đạt kết quả tích cực những năm gần đây. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo dự báo khó khăn trong năm 2023, đặc biệt 6 tháng đầu năm, nhưng các doanh nghiệp đều cho rằng sẽ tăng trưởng trở lại như may mặc, da giày, đồ gỗ.
Khi đánh giá về kinh tế 2023, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khái quát một số vấn đề kinh tế Việt Nam phải đối mặt.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khó khăn, thách thức từ các yếu tố bên ngoài sẽ ngày càng gia tăng; những hạn chế, bất cập, vấn đề tích tụ, tồn đọng trong nội tại nền kinh tế ngày càng bộc lộ rõ nét hơn.
Trong đó, việc Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế, thực hiện các chính sách thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn, có thể gia tăng áp lực cạnh tranh đối với thu hút đầu tư nước ngoài, hàng hóa của nước ta, cả trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
Tháo các điểm nghẽn, thúc đẩy liên kết vùng
Có thể thấy, những nút thắt về vốn, giải ngân đầu tư công, trái phiếu doanh nghiệp, lạm phát... đã được nhận diện khá đầy đủ trong những đánh giá về kinh tế Việt Nam năm 2023.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Về định tính, năm 2022 nền kinh tế Việt Nam trải qua rất nhiều khó khăn: giá cả hàng hoá leo thang, tỷ giá dao động mạnh ,trên 3%, thị trường chứng khoán chao đảo khi VN-Index giảm 30% trong năm 2022; thị trường trái phiếu đóng băng vào những tháng cuối năm vì nhà đầu tư mất lòng tin ở trái phiếu doanh nghiệp.
“Sang năm 2023, tăng trưởng GDP có thể ở mức 6,5%. Chính phủ cần đưa ra một chương trình hoãn nợ quốc gia (national credit moratorium) để tránh sự đổ vỡ hàng loạt của thị trường trái phiếu. Tôi kỳ vọng nửa sau năm 2023, nền kinh tế sẽ có sự ổn định và phát triển bền vững hơn, với điều kiện Chính phủ phải thúc đẩy đầu tư công và đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ kinh tế 350.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Bích Lâm, khi trả lời PV. VietNamNet, cũng nhận định: Quý IV năm 2022 tăng trưởng thấp hơn phản ánh rõ bức tranh thực của kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam với độ mở lớn. GDP 6,5% năm 2023 là mục tiêu có tính khả thi, nhưng mức tăng không dễ đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung, các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam dự báo rơi vào suy thoái.
Trong khi đó, năm 2023, vấn đề an ninh năng lượng tiếp tục được đặt ra cấp bách trong bối cảnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam thua lỗ nặng do chi phí tăng cao, giá bán chưa được điều chỉnh. Đó cũng là lý do khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 diễn ra cuối 12/2022, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) đã dành thời gian đánh giá tầm quan trọng của năng lượng, trong đó có năng lượng xanh.
Amcham cho rằng: Năng lượng xanh là hướng đi, nhưng Việt Nam phải đảm bảo được an ninh năng lượng và phải dành thời gian xây dựng quy hoạch năng lượng để đảm bảo người dân Việt Nam không phải trả nhiều tiền hơn cho năng lượng xanh so với các nước khác trên thế giới.
Nhìn động lực tăng trưởng kinh tế những năm tới ở tính chất liên kết vùng, TS. Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đề cập đến việc thúc đẩy vai trò của 4 địa phương là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
TS. Trần Du Lịch phân tích, nếu như triển khai tốt về hạ tầng, thể chế, giai đoạn tới 4 địa phương trên có thể đạt tốc độ tăng trưởng hai con số, thay vì chỉ 8-9%. Tuy nhiên, phải giải quyết được điểm nghẽn về hạ tầng giao thông kết nối của các địa phương này, cũng như đẩy mạnh đầu tư giao thông từ TP.HCM đi các tỉnh lân cận.
Thứ hai về thể chế, ông Lịch lưu ý phải mở rộng phân cấp phân quyền cho chính quyền địa phương, giảm đi cơ chế xin cho để khu vực đầu tàu này tăng tính chủ động.
“Bố trí không gian phát triển cho từng địa bàn, giao thông kết nối toàn vùng, nguồn nhân lực, môi trường là 4 vấn đề phải được đặt ra và xử lý đồng bộ. Tôi tin rằng, giai đoạn từ nay đến 2035, vùng này sẽ phát triển thành vùng động lực, với tốc độ phát triển hai con số - đây chính là động lực cho nền kinh tế Việt Nam phát triển, cửa ngõ giao lưu quốc tế”, TS. Trần Du Lịch tin tưởng.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()