Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:06 (GMT +7)
"Tổ liên gia an toàn PCCC"
Thứ 5, 08/09/2022 | 08:47:26 [GMT +7] A A
Nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác PCCC và CNCH, qua đó tạo chuyển biến cơ bản trong nhận thức, các địa phương của Quảng Ninh đã chỉ đạo và lựa chọn để xây dựng điểm mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”.
Chọn mặt gửi vàng
Là địa bàn được lựa chọn ra mắt và phát động mô hình cấp thị xã, UBND phường Quảng Yên đã thành lập “Tổ liên gia an toàn PCCC” trên địa bàn gồm 10 hộ gia đình tại khu 9. Đây là khu phố có nhiều hộ gia đình kinh doanh dịch vụ liền kề trên dọc 2 bên tuyến đường nội thị (Lê Lợi - Trần Nhân Tông), có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông.
Tại khu vực này, chủ yếu là nhà ống nhiều tầng, xây dựng kiên cố, hầu hết các hộ gia đình vừa kết hợp làm nhà ở, vừa kinh doanh. Cũng chính vì thế, trong các ngôi nhà đều tập trung nhiều hàng hóa, vật tư, vật liệu dễ cháy nổ, trong khi hầu hết chỉ có một lối ra vào chính, gây khó khăn cho việc thoát nạn, dẫn đến nguy cơ ngạt khói khi có tình huống cháy, nổ xảy ra. Đặc biệt, theo rà soát của Công an phường Quảng Yên, đa số các gia đình, chủ hộ kinh doanh không trang bị phương tiện chữa cháy, do đó không xử lý được đám cháy ban đầu mới phát sinh...
Theo ông Hoàng Duy Đông, Chủ tịch UBND phường Quảng Yên, thực trạng trên chính là lý do để phường lựa chọn khu 9 (phố Lê Lợi) là khu dân cư điểm để xây dựng mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC". Tham gia mô hình này, các hộ thành viên sẽ có sự liên kết chặt chẽ với nhau, cũng vì thế mà củng cố thêm tình làng, nghĩa xóm.
Là người dân được hưởng lợi trực tiếp từ mô hình, ông Đào Ngọc Chung, Chủ nhiệm mô hình, vui mừng chia sẻ: Nước xa không cứu được lửa gần, nếu xảy ra hỏa hoạn, dù có phương tiện hiện đại đến mấy, dù có tinh nhuệ đến mấy thì cũng không thể bằng người hàng xóm ngay cạnh một bước qua nhà nhau. Trong mọi tình huống nguy cấp, sự hỗ trợ của láng giềng luôn là số 1, nếu cứ đợi người thân ở xa chạy đến thì mọi sự đều đã muộn. Đặc biệt là những đám cháy xảy ra lúc nửa đêm. Chúng tôi tin rằng nhờ có mô hình này, người dân trong khu dân cư tăng thêm tình đoàn kết, mang lại hiệu quả tích cực.
“Cái hay của mô hình này là hệ thống chuông báo cháy sẽ được lắp đặt cho các nhà liền kề trong ngõ, ngách sâu. Nút bấm vừa đặt bên trong vừa đặt bên ngoài căn nhà, hễ ai phát hiện có sự cố cháy nổ thì bấm và các chuông đồng loạt reo. Mọi cư dân đều có thể nghe được để nhanh chóng có phương án thoát hiểm, cũng như chuẩn bị dụng cụ cứu hỏa” - Phó trưởng Công an TX Quảng Yên Hoàng Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Thông qua mô hình, tất cả người dân ở hộ gia đình, khu dân cư, các cơ sở trên địa bàn đều được hướng dẫn, tuyên truyền, ký cam kết đảm bảo an toàn về PCCC, được tiếp cận, hướng dẫn sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy tại chỗ, xử lý, thực tập thuần thục những kỹ năng về PCCC, các tình huống cháy nổ khi xảy ra, góp phần hạn chế các vụ cháy nổ gây thiệt hại đến người và tài sản.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Thực tế cho thấy, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh là loại nhà ống, diện tích nhà ở không lớn, phân bố ở các khu vực dân cư, xung quanh các chợ, tuyến đường phố và chủ yếu kinh doanh các mặt hàng là các loại vật liệu dễ cháy như quần áo, giày dép, vải, chăn màn, tạp hóa…
Theo trung tá Trần Cao Cường, Phó đội trưởng Đội PCCC&CNCH (Công an TP Hạ Long), các loại nhà trên thường chỉ có một lối thoát nạn, cửa ra vào chính tại tầng 1 thường là cửa xếp, cửa cuốn, tại các tầng trên có thể bố trí biển hiệu quảng cáo che chắn hết hành lang mặt tiền. Phần lớn các chủ hộ gia đình không trang bị phương tiện chữa cháy, phương tiện CNCH, hoặc trang bị phương tiện không đảm bảo yêu cầu. "Do đó, khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, việc xử lý đám cháy sẽ không hiệu quả ngay từ ban đầu” - trung tá Trần Cao Cường nhấn mạnh.
Từ đầu tháng 8 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh, mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" đã được các địa phương xây dựng điểm và tổ chức ra mắt. Dự kiến sau 6 tháng chính thức đi vào hoạt động, các địa phương sẽ tiến hành sơ kết để đánh giá một cách thực chất hiệu quả của mô hình. Từ đó sẽ bổ sung những gì còn thiếu sót và tiếp tục phát huy những mặt tích cực mà mô hình đem lại.
Bước đầu có thể thấy, việc triển khai xây dựng điểm mô hình trên toàn tỉnh đã tạo hiệu ứng tích cực, cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền các địa phương; sự tham mưu đúng, trúng của lực lượng công an và quan trọng hơn cả, chính là đã huy động được sự tham gia của người dân, đúng như mục đích ban đầu khi xây dựng mô hình này.
Tham gia và trở thành thành viên của mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC", người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh được tuyên truyền, hướng dẫn, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, hiểu biết pháp luật và kiến thức, kỹ năng PCCC, đảm bảo an toàn trong suốt quá trình hoạt động. Cũng vì thế, ngay trong chính cuộc sống thường ngày, họ sẽ chủ động công tác phòng ngừa, không để xảy ra cháy, nổ, đồng thời sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án để xử lý tình huống một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất; phát huy tính chủ động, tương trợ, đoàn kết giữa các gia đình khi xảy ra cháy nổ.
Theo Thượng tá Đồng Văn Thành, Phó trưởng Công an huyện Bình Liêu, những vụ cháy thương tâm thời gian qua trên cả nước mãi mãi là nỗi ám ảnh đối với người ở lại. Do vậy, phòng cháy để cứu chính mình và cộng đồng vẫn không bao giờ là thừa.
Bên cạnh việc mỗi hộ trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay, 1 dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu...), mỗi hộ còn phải lắp đặt 1 chuông báo cháy tại tầng 1 (độ cao 2,5-3m) với 2 nút ấn báo cháy (1 nút trong nhà, 1 nút bên ngoài) ở vị trí phù hợp tại mỗi hộ gia đình. Điều đặc biệt của mô hình này chính là nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ liên gia được liên kết với nhau. Khi xảy ra hỏa hoạn, người dân chỉ cần bấm chuông, chuông báo cháy sẽ kêu đồng thời ở tất cả các nhà, việc hỗ trợ vì thế mà kịp thời, giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy gây ra.
Các thành viên hộ gia đình cũng được hướng dẫn và cài đặt, sử dụng thành thạo ứng dụng báo cháy 114 trên điện thoại thông minh. Trong đó, danh sách thành viên trong tổ liên gia được cập nhật để sử dụng tính năng "Tôi an toàn", thông báo an toàn khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố.
Ngoài ra, tổ liên gia có thể trang bị thêm các phương tiện chữa cháy khác như: Bình chữa cháy đặt dọc theo đường ngõ; khu vực có trụ nước chữa cháy có thể trang bị vòi, thiết bị mở khóa; khu vực có ao, hồ, bể nước có thể trang bị máy bơm chữa cháy khiêng tay, lăng, vòi chữa cháy.
Ông Đoàn Hồng Nam, Chủ tịch UBND phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) chia sẻ: Tổ 2B, khu 9, phường Bãi Cháy là địa bàn đầu tiên của thành phố triển khai thí điểm mô hình này. Đối với đặc thù địa bàn có các hộ gia đình sống liền kề nhau, các ngôi nhà thường xây theo dạng nhà ống, nên việc đưa mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” vào thí điểm và tiến tới phổ biến diện rộng là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với đặc thù của phường. Mô hình sẽ giúp phát hiện và thông báo sự cố cháy nhanh nhất. Từ đó, nâng cao hiệu quả phòng ngừa, hạn chế tối đa nguy cơ cháy nổ, lây lan đám cháy.
Theo trung tá Ngô Hải Nam, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh), "Tổ liên gia an toàn PCCC" tại khu dân cư là mô hình hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự giác, tự quản, nhằm tập hợp các hộ kinh doanh, hộ gia đình huy động sức dân cùng phối hợp, hỗ trợ trong công tác bảo đảm an toàn PCCC nói riêng và ANTT nói chung trên địa bàn; theo cơ chế cấp ủy đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý điều hành, các tổ chức, đoàn thể phối hợp thực hiện. Vì thế, khi mô hình được triển khai trên diện rộng, sẽ huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác PCCC&CNCH trên địa bàn.
Thu Hoài - Ngọc Ánh - CTV Trung Hiếu (Công an tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()