Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:35 (GMT +7)
Nhật Bản hiện là điểm sáng nhất trong bức tranh dịch COVID-19 toàn cầu
Thứ 3, 09/11/2021 | 08:36:26 [GMT +7] A A
Trong 24h qua, Nhật Bản ghi nhận 162 ca mắc COVID-19 mới trên toàn quốc, nhưng không có thêm ca tử vong nào.
Tính đến sáng 9/11, thế giới ghi nhận 250,7 triệu ca mắc COVID-19 và 5,06 triệu trường hợp tử vong vì đại dịch. Hiện 55/240 quốc gia có dịch vẫn đang chứng kiến số ca mắc mới gia tăng, trong đó Nga, Ukraine và Hy Lạp đã chạm hoặc gần chạm các mốc cao kỷ lục trong 2 năm qua.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 47.336.577 ca mắc và 775.218 ca tử vong. Tuy nhiên, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đang dần được khôi phục. Sáng 7/11, giải chạy New York City Marathon lần thứ 50 - một trong những giải marathon lớn nhất thế giới, đã được tổ chức sau khi bị hủy bỏ vào năm ngoái vì dịch bệnh. Khoảng 30.000 người đã đăng ký tham gia giải này. Cùng ngày, giải Los Angeles Marathon 2021 cũng đã trở lại, với sự tham gia của 13.000 người đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, sau hai lần bị trì hoãn do dịch COVID-19. Tất cả những người tham gia sự kiện này đều phải tuân thủ các quy định phòng dịch nghiêm ngặt.
Nhiều nước khác cũng đang dần nới lỏng các quy định phòng dịch COVID-19. Tại Đông Nam Á, Singapore sẽ thiết lập thêm làn đi lại dành cho người đã tiêm vaccine (VTL) với 3 quốc gia gồm Malaysia, Phần Lan và Thụy Điển từ ngày 29/11, đồng thời nới lỏng một số biện pháp kiểm soát đường biên giới đối với một số quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Malaysia và Singapore cũng vừa thông báo sẽ chính thức khởi động VTL giữa hai nước từ ngày 29/11. Theo đó, những du khách đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ có thể đi lại giữa sân bay quốc tế Changi của Singapore và sân bay quốc tế Kuala Lumpur của Malaysia. Những du khách này chỉ phải xét nghiệm COVID-19 sau khi nhập cảnh, nếu âm tính sẽ không phải cách ly.
Hôm qua, Indonesia đã quyết định tiếp tục kéo dài lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng cấp độ 1 đến 2 bên ngoài hai hòn đảo Java và Bali thêm hai tuần, từ hôm nay đến ngày 22/11. Quyết định được đưa ra dù tình hình dịch bệnh đã được cải thiện. Số ca mắc COVID-19 bắt đầu xu hướng giảm kể từ đầu tháng 8 vừa qua. Kể từ ngày 29/9, Indonesia không ghi nhận số ca mắc mới vượt quá 2.000 ca/ngày. Tuy nhiên, Chính phủ Indonesia vẫn tiếp tục đề cao cảnh giác trước nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ ba dự báo trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới.
Indonesia bắt đầu áp dụng dài lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng cấp độ 1 đến 4 vào ngày 3/7 vừa qua và đến nay đã gia hạn biện pháp phòng dịch này 12 lần.
Tại Campuchia, chính phủ nước này đã cho phép tổ chức tiệc cưới tối đa 200 khách mời tham dự và nếu tính cả phục vụ và đầu bếp, tổng số người có mặt trong tiệc cưới có thể lên tới khoảng 250 người. Các quán karaoke, sàn nhảy và quán bar được phép mở cửa từ ngày 30/11.
Trong khi đó, Nhật Bản từ ngày 8/11 bắt đầu cấp phép nhập cảnh cho các doanh nhân, du học sinh và thực tập sinh nước ngoài. Điều kiện để các đối tượng trên nhập cảnh là các tổ chức tiếp nhận, trong đó có doanh nghiệp và các trường đại học, phải thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng những người nhập cảnh tuân thủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19 của Nhật Bản. Bên cạnh đó, tổ chức tiếp nhận phải nộp đủ hồ sơ xin cấp phép, trong đó có bản cam kết và kế hoạch hoạt động của người nhập cảnh, lên các bộ, ngành liên quan của Chính phủ Nhật Bản. Riêng đối với các doanh nhân nước ngoài, Nhật Bản sẽ rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc đối với các đối tượng này từ 10 ngày xuống còn 3 ngày với điều kiện họ đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19. Các loại vaccine được Nhật Bản cấp phép lưu hành là vaccine của Pfizer, Moderna và AstraZeneca.
Nhật Bản là điểm sáng nhất trong bức tranh tình hình dịch COVID-19 toàn cầu trong 24 giờ qua khi nước này lần đầu không có ca tử vong kể từ tháng 8/2020. Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến số ca tử vong ở Nhật Bản giảm mạnh chủ yếu là nhờ những tiến bộ trong chương trình tiêm phòng COVID-19 và đưa vào sử dụng các loại thuốc điều trị, trong đó có hỗn hợp kháng thể đơn dòng Ronapreve để chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19 ngoại trú tại một số cơ sở y tế giới hạn.
Tuy nhiên, tại một số nước như Pháp và Trung Quốc, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lây lan, buộc nhà chức trách phải siết chặt các quy định phòng dịch. Theo đó, từ ngày 8/11, học sinh các trường tiểu học tại 40/101 tỉnh của Pháp - trong đó có các vùng phụ cận thủ đô Paris và thành phố Marseille ở miền Nam, sẽ phải đeo khẩu trang trong lớp sau chưa đầy một tháng được dỡ bỏ quy định này. Học sinh khối trung học cơ sở vẫn bắt buộc phải tuân thủ quy định đeo khẩu trang.
Phát biểu trên đài France Info, Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer cho rằng quy định bắt buộc đeo khẩu trang là "cần thiết". Theo quy định phòng dịch COVID-19 của Chính phủ Pháp, học sinh tiểu học sẽ phải đeo khẩu trang trong lớp khi tỷ lệ lây nhiễm ở mức 50 ca/100.000 dân trong 5 ngày liên tiếp.
Trong khi đó, cùng ngày 8/11, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) đã kêu gọi các cơ sở giáo dục mầm non cho trẻ dưới 3 tuổi tăng cường các biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 trong mùa Đông. NHC cho rằng hầu hết trẻ em có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn do thường xuyên ở trong không gian kín vào mùa Đông. Do đó, các nhà trẻ trên toàn quốc cần siết chặt quản lý nhân viên, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em, đảm bảo thông gió và vệ sinh đồng thời tăng cường theo dõi các bệnh truyền nhiễm khác như cúm.
Để giải quyết tình trạng bệnh nhân bị ùn ứ do dịch COVID-19, Chính phủ Anh sẽ chi thêm gần 250 triệu bảng (hơn 330 triệu USD) cho Cơ quan dịch vụ y tế quốc gia NHS trong một năm tới. Khoản đầu tư bổ sung này sẽ được chi cho các công nghệ mới nhất để cải thiện năng lực kiểm tra, xét nghiệm, chiếu chụp… qua đó giúp đẩy nhanh tốc độ chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.
Dịch vụ y tế quốc gia Anh đang phải đối mặt với mùa Đông khác thường, khi số ca mắc COVID-19 và cúm mùa gia tăng, dẫn đến nhu cầu cao về các dịch vụ khẩn cấp, trong khi phải tiếp tục thực hiện chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử dịch vụ y tế.
Tại Đức, tỷ lệ mắc COVID-19 tính trên 100.000 người trong tuần qua đã tăng lên 201,1. Đây là con số cao đáng báo động kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này. Tỷ lệ trên đã vượt qua mức cao nhất từng được ghi nhận vào tháng 12 năm ngoái là 197,6. Riêng tại bang Saxony ở phía đông, tỷ lệ này lên tới 491,3, cao hơn gấp đôi trung bình toàn quốc.
Cột mốc đáng lo ngại được ghi nhận khi tỷ lệ tiêm chủng ở Đức hiện ở mức dưới 70%, trong khi nước này đang đối mặt làn sóng dịch bệnh thứ tư, tỷ lệ người đi tiêm chủng giảm dần và một số lượng đáng kể người dân từ 18-59 tuổi vẫn chưa tiêm vaccine.
Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng tại Auckland, thành phố lớn nhất New Zealand đã sắp đạt mốc 90%. Từ 10/11, thành phố này sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 như cho phép mở cửa các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ, thư viện, bảo tàng và vườn thú; tối đa 25 người được tụ tập ngoài trời... Tuy nhiên, các địa điểm có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao như rạp chiếu phim và phòng tập thể dục vẫn phải đóng cửa.
Ngoài ra, từ cuối tháng này, thành phố Auckland cũng sẽ được gỡ phong tỏa để chuyển sang áp dụng Khung bảo vệ COVID-19 mới, hay "hệ thống đèn giao thông" mới được Chính phủ New Zealand công bố gần đây.
Theo vtv.vn
- Ở Singapore, Covid-19 không đáng sợ với người tiêm đủ liều vaccine
- Kháng thể của Regeneron giúp giảm gần 82% nguy cơ nhiễm COVID-19
- Đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục
- ĐBQH đề nghị tổ chức Quốc tang cho người tử vong vì COVID-19
- Bộ trưởng Y tế: Sẽ tiêm mũi vaccine ngừa COVID thứ ba vào cuối năm nay
Liên kết website
Ý kiến ()