13h chiều nay, Đà Nẵng bắt đầu mưa nặng hạt. Người dân ra đường thưa dần. Các chợ truyền thống đóng cửa. Người lao động nghỉ làm. Phía nam bán đảo Sơn Trà đã bắt đầu có gió giật mạnh. Đây là khu vực đón bão đầu tiên ở Đà Nẵng.
Tất cả chuyên mục
Người dân ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Lý Sơn (Quảng Ngãi)... được yêu cầu không ra đường trong tối nay, khi bão Noru dự báo vào đất liền với sức gió 183 km/h (cấp 15).
13h chiều nay, Đà Nẵng bắt đầu mưa nặng hạt. Người dân ra đường thưa dần. Các chợ truyền thống đóng cửa. Người lao động nghỉ làm. Phía nam bán đảo Sơn Trà đã bắt đầu có gió giật mạnh. Đây là khu vực đón bão đầu tiên ở Đà Nẵng.
Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho biết, 20h tối nay, chính quyền yêu cầu tất cả người dân không ra khỏi nhà, trừ lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống bão. Việc này thực hiện theo Luật phòng chống thiên tai. Sở Giao thông Vận tải sẽ chuyển phù hiệu đến lực lượng chức năng để kiểm soát việc ra đường.
Các quận huyện sẽ di dời dân về nơi tránh trú an toàn, hoàn thành trước 14h chiều nay. Khi di dời dân, Sở Y tế được yêu cầu phải cung cấp tất cả số điện thoại cấp cứu của thành phố và quận, huyện; sẵn sàng xe cấp cứu để người dân có thể liên lạc trong tình huống khẩn cấp.
Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng và các quận, huyện phải hạ tất cả tường rào bằng tôn, thay bằng lưới bê tông để bảo vệ công trình. Công an, quân đội phải theo dõi thường xuyên âu thuyền Thọ Quang - nơi hàng trăm tàu thuyền của ngư dân miền Trung về neo đậu tránh bão, đề phòng cháy nổ, hư hỏng tài sản.
Ông Cao Xuân Thắng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Đà Nẵng, lo lắng hiện nay có khoảng 70 tàu vào Ngũ Hành Sơn neo đậu, tuy nhiên ngư dân khăng khăng không chịu rời tàu, yêu cầu mỗi tàu phải cho phép một người ở lại để tát nước khi mưa lớn, tránh chìm tàu.
Giải quyết vấn đề này, chính quyền thành phố sẽ nhờ quân đội, công an hỗ trợ để cưỡng chế nếu ngư dân không chịu rời tàu. Ông Chinh cũng lưu ý hiện nay có nhiều tàu neo đậu ở sông Cổ Cò, nếu nước lũ từ thượng nguồn đổ về nhanh sẽ làm đứt dây neo, tàu trôi dạt xuống phía sông Hàn và dễ va đập vào trụ các cầu như Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý. Do đó, lực lượng công an, biên phòng, quân đội phải neo đậu kỹ và cắt cử người theo dõi.
Quảng Nam sơ tán 155.000 dân, cho lao động nghỉ làm từ 12h trưa nay
Tương tự, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu người dân không ra khỏi nhà kể từ 18h ngày 27/9 cho đến khi có thông báo mới của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để ứng phó với bão Noru và mưa lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chính quyền Quảng Nam yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị nhà nước và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho công nhân, người lao động... nghỉ làm việc từ 12h trưa nay để đảm bảo phòng, chống bão, bảo vệ tài sản của gia đình.
Đến nay, Quảng Nam có hơn gần 46.000 hộ dân với hơn 155.000 người dân được di dời. Trong đó, sơ tán tập trung hơn 18.000 hộ với hơn 67.000 người; sơ tán xen ghép hơn 27.000 hộ với hơn 87.000 người. Công an, quân sự, biên phòng, dân quân được huy động với hơn 13.000 người, cùng với gần 12.000 thanh niên xung kích sẵn sàng tham gia phòng chống bão lũ.
"Lực lượng đã được bố trí sẵn sàng, 3 đoàn công tác sẽ đến tất cả địa phương để kiểm tra việc sơ tán dân, chằng chống nhà cửa, cơ sở sản xuất, du lịch. Riêng đối với phố cổ Hội An, các lực lượng xung kích, cơ quan chức năng đang nỗ lực bảo vệ nhà cổ và các di tích quan trọng", Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
Thừa Thiên Huế đóng cửa chợ, công nhân làm ca ở lại nhà máy
Để phòng chống bão Noru, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, đã yêu cầu các huyện, thị xã và thành phố Huế chỉ đạo các khu chợ truyền thống tạm ngừng mua bán vào từ 15h ngày 27/9. Các chủ doanh nghiệp có phương án bố trí ca, kíp làm việc đảm bảo an toàn cho công nhân trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp khi có gió bão, công nhân đi làm ca chiều, tối ngày 27/9 ở lại tại nhà máy để đảm bảo an toàn.
Người dân không được ra đường từ 21h ngày 27/9 đến khi có thông báo mới (trừ lực lượng làm nhiệm vụ và trường hợp đặc biệt). Việc sơ tán dân hoàn thành trước 15h ngày 27/9, ưu tiên sơ tán trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo. Với những hộ dân không chấp hành sẽ bị cưỡng chế.
10h sáng nay, bão Noru cách đất liền Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 310 km, sức gió mạnh nhất 183 km/h, cấp 14-15. Đến 19h hôm nay, tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 170 km, cách Quảng Nam, Quảng Ngãi khoảng 120 km, sức gió mạnh nhất 183 km/h, cấp 15, giật cấp 17.
Các chuyên gia đánh giá, Noru có hình thái tương tự bão Xangsane đổ bộ Đà Nẵng - Quảng Nam tháng 9/2006; bão Ketsana vào Quảng Nam - Quảng Ngãi cuối tháng 9/2009.
Quảng Ngãi đẩy nhanh công tác sơ tán dân
Theo kế hoạch đến trưa 27/9, tỉnh Quảng Ngãi hoàn tất công tác di dời dân các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn để tránh bão Noru. Tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, nơi dự kiến có tâm bão đi qua, từ khoảng 10h, người dân bắt đầu vào các khu tránh trú bão như Nhà nghỉ Vạn tường của Bộ Công an, trường mẫu giáo thôn Phước Thiện.
Ông Trương Bọt, 83 tuổi, cùng vợ là bà Trần Thị Lan ở thôn Phước Thiện 2, cho biết, vợ chồng già ở trong căn nhà cấp 4 gần bờ biển, con cháu ở nhà cấp 4 nên cũng không tiện qua. Vợ chồng ông chỉ mang theo mì tôm, nước, vài bộ quần áo và chiếc chăn đến nơi tránh trú. Còn bà Phan Thị Mươi, gia đình có 7 người ở bên bờ biển nán lại tới trưa mới rời đi. Bà chuẩn bị cơm và đồ ăn khô cùng các vật dùng thiết yếu. Sau đó, chồng bà bế cháu gái lên xe cho con trai chở đến nơi tránh trú trước.
Dự kiến tỉnh Quảng Ngãi di dời, sơ tán tập trung 10.000 dân. Trong đó, các huyện ven biển khoảng 5.000 dân. Đến chiều nay, chính quyền địa phương tiếp tục vận động, kêu gọi dân di chuyển đến các khu vực tập trung an toàn. Tại khu vực miền núi, tỉnh sẽ di dời, sơ tán khoảng 2.000 hộ dân. Ở huyện đảo Lý Sơn (nơi ảnh hưởng đầu tiên bởi bão Noru), người dân ra khỏi nhà và nơi cư trú từ 10h ngày 27/9, cho đến khi hết gió mạnh (dưới cấp 6). Tỉnh cũng cho cán bộ, viên chức nghỉ làm từ chiều nay.
Bình Định điều xe thiết giáp ứng cứu trong bão
Trưa 27/9, Bình Định mưa to, sóng biển đánh cao chừng 2 m. Một số tàu cá của ngư dân ở phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn (huyện phía Bắc giáp với Quảng Ngãi) cũng về cập cảng, chuyển cá đánh bắt được lên bờ đưa đi tiêu thụ trước khi bão vào.
Người dân có nhà cấp bốn, mái hiên bằng tôn cũng bắt đầu gia cố, chèn chống lại nhà cửa trước dự báo bão vào trong tối nay. Do đặc thù nhiều nhà dân chỉ còn phụ nữ và trẻ em ở nhà vì chồng đi biển (trú ở các đảo), chính quyền phường Tam Quan Bắc đã cử đội lưu động đi giúp dân.
Theo UBND tỉnh Bình Định, hiện nay tại âu tàu, bến cảng Tam Quan Bắc có khoảng 1.500 tàu cá của ngư dân địa phương và Quảng Ngãi vào trú bão. Hơn 1.500 hộ dân với khoảng 65.000 nhân khẩu nằm trong diện di dời đến nơi an toàn. Trong đó có khoảng 10.000 hộ dân ven biển, chịu ảnh hưởng của sóng biển dâng cao, gây ngập.
Ứng phó với cơn bão Noru, Bình Định chuẩn bị ba xe thiết giáp, ba xe chữa cháy, 8 tàu các loại, 515 xuồng, 18 ca nô, 14 xe chuyên dùng phòng chống thiên tai. Đối với công tác hậu cần tại chỗ, ngoài việc người dân dự trữ trong 7 ngày, UBND tỉnh chỉ đạo doanh nghiệp dự trữ gần 2,2 triệu gói mì, 1.500 kg lương khô, 144.690 chai nước uống...
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết đây là cơn bão mạnh, tỉnh kích hoạt chống bão cấp độ 4. "Đường đi bão không lường trước nên chúng tôi không chủ quan, lãnh đạo tỉnh xuống tận địa phương để cùng bà con chống bão, có những chỉ đạo kịp thời", ông Tuấn nói.
Phú Yên di dời hết bè nuôi thủy sản trước 16h hôm nay
Những ngày qua, bà Hà Thị Lợi, một hộ nuôi tôm hùm phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu tranh thủ gia cố, di dời lồng bè nuôi tôm đến nơi tập kết để tránh ảnh hưởng của bão.
Những lồng nuôi tôm được bà Lợi đầu tư hàng tỷ đồng. Khi nghe tin bão Noru sẽ tiến vào miền Trung, bà ngày ngày theo dõi thời tiết để cập nhật tình hình. "Nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ nên việc gia cố cũng nhanh chống, hi vọng sau bão sẽ không thiệt hại gì nhiều", bà Lợi nói.
Toàn thị xã Sông Cầu có hơn 4.500 hộ nuôi trồng thủy sản, những chủ lồng bè đã chằng chống, gia cố tại vị trí nuôi, các lồng nuôi thả trệt xuống đáy để tránh gió bão.
Ông Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, cho biết ba ngày qua địa phương đã huy động tất cả lực lượng để hỗ trợ ngư dân thu dọn lồng bé, đi cano thông báo từng tàu cá để người dân không được chủ quan, chủ động phòng tránh bão. "Chúng tôi tích cực tuyên truyền, yêu cầu người dân trên lồng bè di dời trước 16h hôm nay", ông Huy nói.
Theo ông Huy, thị xã hiện có 965 tàu cá, lực lượng chức năng được hướng dẫn neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định, không để xảy ra tình trạng tàu thuyền đậu ở sông Tam Giang (phường Xuân Thành), neo buộc vào các trụ cầu,...
Kon Tum xảy ra động đất trước khi bão vào
Trưa 27/9, một số vùng ở Tây Nguyên bắt đầu có mưa nhỏ, trời âm u và lặng gió. Theo dự báo, bão Noru khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Kon Tum, gây mưa rất to. Mưa lớn có nguy cơ xảy ra lũ quét ở các suối nhỏ, sạt lở đất ở nơi đất dốc. Hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai cho học sinh nghỉ học tránh bão.
Ngay trong lúc chính quyền tỉnh Kon Tum đang ứng phó với cơn bão Noru, lúc 11h04, ở huyện Kon Lông xảy ra trận động đất mạnh 3.2 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Ông A Khang, phó thôn Vi Rin, xã Đăk Tăng, cho biết, gia đình đang xúc cát đổ vào bao đưa lên mái nhà chống bão thì cảm nhận nền đất rung chuyển trong vài giây.
Ý kiến ()