Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 16:24 (GMT +7)
Nhiều điểm mới trong công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng
Thứ 5, 14/01/2021 | 18:07:03 [GMT +7] A A
Theo đồng chí Nguyễn Đức Hà, quy trình công tác nhân sự Đại hội XIII được chuẩn bị rất chặt chẽ, công phu và có nhiều điểm mới so với nhiệm kỳ trước.
Hình ảnh tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. |
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, nhìn lại quá trình chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng đến nay có một số nội dung và cách làm mới.
Trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược và chuẩn bị nhân sự Đại hội XII của Đảng, sau khi Ban Chấp hành Trung ương quyết định thành lập Tiểu ban nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, gồm 6 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban Chỉ đạo.
Việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược phục vụ công tác nhân sự Đại hội XIII được chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành từng bước, từng việc thận trọng, kỹ lưỡng và bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch hơn.
Trên cơ sở danh sách quy hoạch của các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương, đã được Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, Tiểu ban nhân sự, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan chức năng có liên quan rà soát, thẩm định kỹ lưỡng, chặt chẽ, khách quan từng nhân sự trước khi trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.
Số lượng cán bộ được quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ít hơn, chặt chẽ hơn so với khóa XII và việc tổ chức các lớp bồi dưỡng cũng được đổi mới, hiệu quả hơn. Qua nhiều lần quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh, Trung ương bỏ phiếu kín giới thiệu và đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khoảng 222 đồng chí, giảm gần 300 so với số quy hoạch khóa XII.
Trên cơ sở danh sách quy hoạch và rút kinh nghiệm của khóa trước, Bộ Chính trị tổ chức thành 05 lớp và tiến hành hai lớp song song, mỗi lớp 2,5 tháng, nên chỉ trong 7,5 tháng tổ chức xong 5 lớp, tiết kiệm được nhiều thời gian, kinh phí so với nhiệm kỳ trước (khóa XII quy hoạch 511 đồng chí, tổ chức thành 06 lớp, mỗi lớp học 4 tháng và xong lớp này đến lớp khác, nên phải mất 24 tháng mới tổ chức xong 06 lớp bồi dưỡng).
Việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, nhiệm kỳ 2021-2026 cũng được tiến hành từng bước thận trọng theo quy trình chặt chẽ, dân chủ và trước hết là tập trung quy hoạch nhân sự phục vụ Đại hội XIII, không thể vừa quy hoạch nhân sự khóa XIII, vừa quy hoạch nhân sự cho "các nhiệm kỳ tiếp theo" như nhiệm kỳ trước. Trong quy hoạch nhân sự Đại hội XIII thì tiến hành quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương trước; quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư sau; cuối cùng là quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.
Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn
Theo đồng chí Nguyễn Đức Hà, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng được đặc biệt chú trọng về chất lượng trên cơ sở bảo đảm số lượng và cơ cấu hợp lý, nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải thật sự là một tập thể đoàn kết thống nhất, trong sạch vững mạnh; có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược; tiêu biểu cho toàn Đảng về trí tuệ, tính chiến đấu, tính kỷ luật và gắn bó mật thiết với nhân dân và đảm bảo tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ cao cấp của Đảng.
Tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số nhiệm kỳ Đại hội XIII cũng tăng hơn so với nhiệm kỳ Đại hội XII. Cụ thể là: tỷ lệ trẻ dưới 45 tuổi trên 10% (khóa XII là 9,5%); cán bộ nữ từ 10-12% (khóa XII là 10%); cán bộ là người dân tộc thiểu số từ 10-12% (khóa XII là 8,5%).
Việc chuẩn bị, giới thiệu và bầu cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải thực sự dân chủ, khách quan, công tâm và đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc và của nhân dân lên trên hết, trước hết. Đồng thời, Trung ương khẳng định quyết tâm chính trị rất cao trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và không bỏ sót những cán bộ có đức, có tài, có triển vọng phát triển, có tín nhiệm cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh.
Xem xét kỹ lưỡng, thận trọng nhân sự "đặc biệt"
Theo đồng chí Nguyễn Đức Hà, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm quý, phù hợp trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XII, việc chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng được tiến hành chặt chẽ theo quy trình 05 bước và trình tự: Chuẩn bị nhân sự tái cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước, nhân sự mới tham gia sau và cuối cùng là trường hợp "đặc biệt".
Đến nay, qua hai hội nghị Trung ương 13 (tháng 10/2020) và 14 (tháng 12/2020), Trung ương khóa XII đã lần lượt bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Trung ương khóa mới, gồm cả uỷ viên chính thức và dự khuyết; nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.
Trung ương khóa mới được cơ cấu 3 độ tuổi: Dưới 50, từ 50 đến 60 và 61 tuổi trở lên để đảm bảo kế thừa. Trong đó, người tham gia Ban chấp hành Trung ương lần đầu phải bảo đảm còn tuổi công tác hai nhiệm kỳ, ít nhất trọn một nhiệm kỳ (tức không quá 55 tuổi). Nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần đầu không quá 60 tuổi; Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử không quá 65 tuổi.
Đồng chí Nguyễn Đức Hà giải thích, "trường hợp đặc biệt" là những người ngoài độ tuổi nêu trên. Với Uỷ viên Trung ương là quá 60 tuổi; còn với Bộ Chính trị, Ban Bí thư quá 65 tuổi.
Những trường hợp "đặc biệt" so với quy định chung cần tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, Bộ Chính trị sẽ cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, nhiều mặt và thông qua quy trình chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trước khi trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định việc giới thiệu với Đại hội và Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng được Trung ương xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, không chỉ là trách nhiệm của Tiểu ban nhân sự và Ban Chấp hành Trung ương. Trong quá trình chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã xác định rõ trách nhiệm của tập thể và của từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thẩm định nhân sự. Đặc biệt, Đại hội lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã quy định tiêu chuẩn của đại biểu dự Đại hội và xác định rõ trách nhiệm của đại biểu trong việc ứng cử, đề cử và bầu cử tại Đại hội.
Về quy trình và cách làm nhân sự nhiệm kỳ này cũng có điểm mới, nếu nhiều nhiệm kỳ trước đây, công tác nhân sự thực hiện theo quy trình 3 bước thì lần này là 5 bước.
"Quy trình 3 bước là hai lần trình Ban Thường vụ, một lần trình Ban Chấp hành; còn trong quy trình 5 bước, hai lần trình Ban Thường vụ, hai lần trình Ban Chấp hành và một lần lấy ý kiến cán bộ chủ chốt, nghĩa là các nhân sự quy hoạch vào Trung ương được rà soát, lấy phiếu kỹ lưỡng và dân chủ hơn" - đồng chí Nguyễn Đức Hà giải thích.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()