Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 21:50 (GMT +7)
Nhiều tin vui đối với Quảng Ninh
Thứ 7, 19/07/2008 | 10:36:41 [GMT +7] A A
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định lập Quy hoạch phát triển vùng Duyên Hải Bắc Bộ (DHBB) thành vùng kinh tế quan trọng tầm quốc gia và quốc tế. Phạm vi của vùng DHBB gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP Hải Phòng và các tỉnh: Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.
Mục tiêu của Vùng là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để trở thành vùng kinh tế tổng hợp có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT-XH của cả nước, đặc biệt là chiến lược kinh tế biển của Việt Nam. Đến năm 2050, vùng DHBB là vùng kinh tế quan trọng tầm quốc gia và quốc tế, đồng thời là trung tâm văn hoá - lịch sử, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Vùng DHBB phát triển theo hướng vùng đô thị đa cực, phát triển kinh tế, công nghiệp, dịch vụ tập trung trên trục kinh tế Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái. Trong đó Hải Phòng - Hạ Long là đô thị trung tâm vùng phát triển công nghiệp, cảng biển, dịch vụ, du lịch. Theo quy hoạch, Vân Đồn và Hạ Long sẽ được chú ý phát triển thành các đô thị chuyên ngành (khu du lịch, khu kinh tế, khu công nghệ cao), trung tâm du lịch cấp quốc gia và quốc tế và trung tâm đào tạo nguồn nhân lực. Trong Vùng sẽ xây dựng mới các tuyến đường ô tô cao tốc, trong đó có tuyến Nội Bài - Hạ Long - Móng Cái. Hệ thống đường sắt được làm mới theo chuẩn quốc gia, trong đó có tuyến Lạng Sơn - Quảng Ninh. Cải tạo nâng cấp cảng than Cẩm Phả, cảng Hòn Nét để phục vụ công nghiệp khai khoáng. Ngoài việc nâng cấp cảng hàng không Cát Bi (Hải Phòng) thành cảng hàng không quốc tế sẽ xây dựng mới sân bay tại Vân Đồn...
Cũng mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến năm 2020 trên quan điểm hợp tác phát triển “Hai hành lang, một vài đai kinh tế” Việt Nam - Trung quốc và tính tới phát triển toàn tuyến đi châu Âu và các nước ASEAN. Mục tiêu đưa mức tăng trưởng GDP toàn tuyến lên gấp 1,2 đến 1,4 lần mức trung bình cả nước; nâng tổng kim ngạch XNK qua hành lang đạt bình quân 20%/năm, đạt khoảng 2 tỷ USD vào năm 2010; 4,5-5 tỷ vào 2015 và trên 10 tỷ vào năm 2020. Quy hoạch nêu rõ phương hướng phát triển và hợp tác của hành lang là về thương mại, du lịch, công nghiệp, vận tải hàng hoá và hành khách, nông - lâm nghiệp, văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học - CN. Trong số các công trình hạ tầng đồng bộ có xây dựng tuyến đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long dài 144km; Việt Nam hợp tác với Trung Quốc xây dựng tuyến đường sắt liên vận quốc tế có lợi cho hành lang kinh tế Nam Ninh (TQ) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh...
Đặc biệt, ngày 14-7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ GT-VT và Bộ KH-ĐT về việc bố trí vốn trái phiếu Chính phủ cho dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18A (đoạn Mông Dương - Móng Cái). Trước mắt khi ngân sách T.Ư chưa bố trí được vốn cho dự án, để chủ động thực hiện trong năm 2008, UBND tỉnh Quảng Ninh bố trí 100 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh để thực hiện dự án; ngân sách T.Ư sẽ hoàn trả số kinh phí này.
Trong cùng một thời gian ngắn, Quảng Ninh được đón nhận nhiều tin vui, chủ trương mới của Chính phủ về triển vọng, tương lai phát triển của tỉnh và cả vùng. Đây là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức đối với Quảng Ninh trên chặng đường phát triển. Vì vậy trên cơ sở các quy hoạch, chủ trương của Chính phủ, các cấp, các ngành của tỉnh và địa phương cần nhanh chóng hoạch định ra những nội dung, biện pháp cần phải triển khai, đặc biệt là trong công tác quy hoạch để chủ động đón bắt các định hướng, quyết định của Chính phủ, đưa Quảng Ninh phát triển xứng với tầm của một vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế và vị trí địa lý quan trọng...
Liên kết website
Ý kiến ()