Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 06:10 (GMT +7)
Nhức nhối buôn lậu
Thứ 6, 16/01/2009 | 07:00:32 [GMT +7] A A
Những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp áp Tết Nguyên đán nạn buôn lậu trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp và gia tăng mạnh. Chủng loại hàng hoá buôn lậu qua biên giới không chỉ tập trung ở các loại hàng có nhu cầu tiêu thụ mạnh trong dịp Tết như gia cầm, pháo, quần áo may sẵn, đồ sứ, bánh kẹo, mà còn có cả các loại vật tư, phụ tùng xe máy, đồ điện tử v.v.. Địa bàn hoạt động mạnh của các đối tượng buôn lậu là ở khu vực biên giới, trong đó “sôi động” nhất là trên tuyến biên giới Móng Cái và trên quốc lộ 18 nối với các tỉnh phía trong.
Trong chương trình thời sự trên VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam phát tối 14-1, người dân cả nước đã được “mục sở thị” cảnh các phương tiện vận chuyển hàng lậu nối đuôi nhau chạy từ bờ sông biên giới vào ngay sát trạm kiểm soát của lực lượng chức năng ở khu vực Trạm Bơm gần cửa khẩu Móng Cái. Thế nhưng các đối tượng này không hề vấp phải một sự kiểm tra, kiểm soát nào mặc dù vẫn thấp thoáng màu áo của lực lượng chức năng. Những “lỗ thủng” này của “hàng rào” biên giới đã phần nào lý giải vì sao một lượng lớn hàng lậu vẫn đi trót lọt vào nội địa, mặc dù ở phía trong còn một hàng rào liên ngành nữa, đó là Trạm kiểm soát liên hợp ở Km15. Thực tế nhiều vụ vận chuyển hàng lậu có số lượng và giá trị lớn đã bị phát hiện, bắt giữ trên tuyến quốc lộ 18. Và mới đây lực lượng chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan và TP Hà Nội cũng đã bắt giữ được hai phương tiện (đeo nhiều biển số giả) vận chuyển hàng lậu trị giá tới 2 tỷ đồng được đưa vào qua địa bàn Móng Cái.
Buôn lậu là một trong những vấn đề nhức nhối, bức xúc ở các tỉnh biên giới. Thực tế hoạt động buôn lậu đã diễn ra từ nhiều năm nay với các thủ đoạn, mánh khoé ngày càng tinh vi. Các đối tượng buôn lậu cũng ngày càng “chuyên nghiệp” và liều lĩnh hơn. Đây là những khó khăn cho công tác chống buôn lậu. Và các lực lượng chức năng cũng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để ngăn chặn, bắt giữ với số vụ, khối lượng, giá trị hàng hoá bị xử lý ngày càng tăng. Thế nhưng nạn buôn lậu vẫn chưa được ngăn chặn triệt để; cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được biện pháp hữu hiệu. Vì vậy mà hàng lậu vẫn ngày đêm vượt biên “tung hoành” trên thị trường nội địa.
Hiện nay Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và các địa phương đang nỗ lực triển khai các biện pháp kích cầu sản xuất và tiêu dùng để khắc phục sự suy giảm tăng trưởng kinh tế do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nếu chúng ta không có giải pháp ngăn chặn hàng nhập lậu hữu hiệu và triệt để thì chủ trương kích cầu khó có thể đạt được như mong muốn. Thậm chí nếu hàng hoá nhập lậu tràn vào nhiều, vô tình chúng ta đã kích cầu hộ nước ngoài. Và như vậy sản xuất trong nước lại càng lao đao, người lao động sẽ thiếu việc làm, thu nhập, đời sống bị ảnh hưởng...
Liên kết website
Ý kiến ()