Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 12:02 (GMT +7)
Những cán bộ thầm lặng trong cuộc chiến chống Covid-19
Thứ 4, 26/02/2020 | 13:04:00 [GMT +7] A A
“Gần như không được nghỉ ngơi trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, khi các mẫu xét nghiệm Covid-19 cho kết quả âm tính là vui như Tết rồi” - đó là chia sẻ của những cán bộ xét nghiệm ở Khoa Vi sinh - Huyết học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh, thời gian qua.
Trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, những cán bộ làm công tác xét nghiệm luôn luôn phải làm việc trong môi trường đầy rủi ro, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm không kém những cán bộ trực tiếp chống dịch, dập dịch.
Công việc của họ đòi hỏi sự tỉ mỉ và thận trọng nên dù mỗi lần phải ở trong phòng xét nghiệm 3 đến 4 tiếng đồng hồ với bộ quần áo bảo hộ, nhưng mỗi cán bộ xét nghiệm luôn tập trung cao độ để có kết quả chính xác nhất.
Việc sớm có kết quả xét nghiệm chính xác có vai trò rất quan trọng để có thể nhanh chóng triển khai các phương pháp cách ly đặc biệt ngay từ giờ đầu và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân. Ngoài ra, còn là căn cứ xác định bệnh dịch để khoanh vùng, cách ly những người có nguy cơ lây nhiễm, từ đó dập dịch Covid-19 kịp thời.
Xét nghiệm Covid 19 bằng hệ thống máy xét nghiệm tự động RT-PCR tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. |
Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, Cử nhân xét nghiệm Khoa Vi sinh - Huyết học, CDC Quảng Ninh, đã có 24 năm trong nghề xét nghiệm. Trải qua rất nhiều lần chống dịch như H5N1, H1N1, sốt xuất huyết hay đại dịch SARS năm 2003 nhưng chưa bao giờ chị Hồng thấy công việc lại áp lực như trong đợt phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Chị cùng các đồng nghiệp luôn phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm khi làm xét nghiệm, song vì lòng yêu nghề, sự động viên từ gia đình, đồng nghiệp đã tiếp thêm động lực giúp chị luôn hoàn thành công việc của mình.
Chị Hồng tâm sự: “Sau khi nhận mẫu bệnh phẩm, chúng tôi phải tiến hành xét nghiệm ngay để có được kết quả sớm nhất, phục vụ nhanh nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh. Trong môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro lây nhiễm thì sự tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xét nghiệm, quy định về an toàn sinh học là những đòi hỏi không thể thiếu đối với cán bộ xét nghiệm như chúng tôi.
Chỉ cần bỏ qua một bước nhỏ trong quy trình xét nghiệm sẽ làm sai lệch kết quả, tác động trực tiếp đến công tác phòng chống dịch. Tuy có những khó khăn và rủi ro nhất định, song chúng tôi luôn luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc vì đó là nghề mà chúng tôi đã chọn”.
Thạc sĩ Phạm Thanh Loan tiến hành tách chiết mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm Covid-19. |
Còn Thạc sĩ Phạm Thị Thanh Loan có 8 năm gắn bó với công việc xét nghiệm tại CDC Quảng Ninh, với sự nhiệt huyết và đam mê công việc, chị đã cùng đồng nghiệp hoàn thành công việc và đạt hiệu quả cao.
Chị Loan cho biết: “Kể từ khi Việt Nam chính thức công bố dịch và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh được công nhận đủ điều kiện, năng lực xét nghiệm Covid-19 đồng nghĩa với khối lượng công việc của chúng tôi cũng nhiều hơn. Ngày ít việc nhất cũng phải 21h mới rời cơ quan, hôm nào các đơn vị gửi mẫu về chậm thì làm việc thâu đêm để ngay sáng hôm sau kịp trả kết quả”.
Về phía gia đình, chị Loan chia sẻ: “Trong đợt chống dịch Covid-19 này, dù phải đi sớm, về muộn nhưng gia đình luôn hiểu và cảm thông cho công việc của tôi để tôi yên tâm làm việc. Tôi cũng cảm thấy mình may mắn khi luôn có gia đình ở bên, động viên và chia sẻ”.
Đối với các cán bộ y tế, nhất là những người làm công tác xét nghiệm phục vụ chẩn đoán dịch bệnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, dù công việc thầm lặng với nhiều khó khăn, nguy hiểm, song chính nhờ lòng nhiệt huyết, trách nhiệm với nghề của mỗi cá nhân đã góp phần không nhỏ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 cũng như nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn tỉnh. Họ là những chiến sĩ chống dịch thầm lặng xứng đáng được tôn vinh.
Minh Khương – Thanh Nga (CTV)
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()