Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:13 (GMT +7)
Những chiến sĩ trên mặt trận sản xuất than
Thứ 6, 22/10/2021 | 10:10:12 [GMT +7] A A
Trên mặt trận sản xuất than, thợ mỏ luôn kiên cường như những người chiến sĩ ngày đêm bám trụ với từng tầng than cao, từng đường lò sâu, khơi nguồn than mới phục vụ nền kinh tế đất nước. Vì nhiệm vụ, rất nhiều người trong số họ đã gác lại nỗi nhớ gia đình, vợ con ở quê để tập trung sản xuất, chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch của địa phương, của ngành, chung tay bảo vệ Quảng Ninh - vùng xanh an toàn và cũng chính là quê hương thứ hai của những người thợ mỏ.
Đã gần 9 tháng nay, anh Nguyễn Văn Nam, thợ lò Công ty CP Than Hà Lầm chưa được về thăm quê. Quê anh ở Hải Dương, cách Quảng Ninh không xa, nhưng vì tình hình dịch bệnh phức tạp, anh Nam vẫn chưa thể đoàn tụ với gia đình. Nỗi nhớ vợ con lúc nào cũng thường trực trong anh. Nhiều lúc chuyện trò cùng đồng nghiệp trong khu tập thể, anh vẫn đùa “mình đang đi lính”.
Để vơi nỗi nhớ nhà, anh Nam thường xuyên chuyện trò cùng vợ qua điện thoại vào những khi rảnh rỗi. Anh tâm sự: “Sự động viên và những lời dặn dò ân cần của vợ đã giúp anh thêm động lực để làm việc chăm chỉ mỗi ngày”.
Cùng cảnh quê xa với anh Nam, những người thợ lò Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin cũng rất lâu chưa được về sum họp với gia đình. Người lâu nhất là 9 tháng, ít hơn cũng chừng 4-5 tháng, họ đều phải gác lại nỗi niềm riêng để ở lại Quảng Ninh lao động.
Anh Phạm Văn Kiên là thợ cơ điện của Phân xưởng Khai thác 1, có vợ và hai con đang sống ở tỉnh Hải Dương, cách Vàng Danh chưa đầy 70 cây số. Gần là vậy, nhưng phải đến 9 tháng nay anh chưa được về thăm gia đình.
Vợ anh Kiên là giáo viên cấp II ở Hải Dương. Công việc thường nhật khá bận rộn nhưng chị vẫn không quên liên lạc, hỏi thăm chồng hàng ngày. Chị chia sẻ: “Biết anh có phần áy náy vì lâu không về thăm nhà và cũng chẳng thể hỗ trợ mình những khi có công to, việc lớn; nhưng tôi vẫn động viên chồng yên tâm lao động, chấp hành tốt quy định phòng dịch của công ty”.
Sự thấu hiểu của người ở hậu phương đã giúp những người công nhân mỏ vơi bớt tâm tư và nỗi nhớ nhà. Thời gian này, họ dành toàn tâm trí và sức lực để phục vụ sản xuất than, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cuối năm.
Xa quê và rất nhớ gia đình, người thân, nhưng đa số thợ mỏ ngành Than đều cảm thấy may mắn vì vẫn duy trì được công việc và thu nhập ổn định trong bối cảnh dịch bệnh. Trong khi công nhân những ngành nghề khác bị giãn việc và thậm chí là thất nghiệp vì dịch Covid-19, thì ở Quảng Ninh, những người công nhân mỏ vẫn được đảm bảo mức lương bình quân trên 12 triệu đồng/tháng. Riêng thợ lò có thu nhập cao hơn, bình quân từ 18-20 triệu đồng/tháng.
Đơn cử như anh Phạm Văn Kiên là thợ cơ điện lò của Phân xưởng Khai thác 1, Công ty CP Than Vàng Danh, hơn 9 tháng qua, anh vẫn đều đặn gửi về cho vợ con ở quê gần 18 triệu đồng/tháng. Theo anh, đây chưa phải mức thu nhập cao nhất trong phân xưởng. Có những vị trí, thợ lò Vàng Danh thu nhập trên 25 triệu đồng mỗi tháng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ đầu năm 2021 đến nay, TKV chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực tuyên truyền, vận động công nhân lao động hạn chế tối đa di chuyển ra khỏi tỉnh nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động và đáp ứng lực lượng lao động cho sản xuất.
Đặc biệt, trong quý IV - cao điểm về sản xuất của ngành Than, các mỏ tập trung tối đa nhân lực, thiết bị để đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng của Tập đoàn. TKV đặt mục tiêu cao trong quý IV/2021 sản xuất từ 1,5-2 triệu tấn than, cùng Tổng Công ty Đông Bắc đóng góp tích cực cho tăng trưởng GRDP cho tỉnh; đảm bảo đời sống, việc làm, thu nhập cho 80.000 công nhân lao động Vùng mỏ. Đây có thể nói là nỗ lực vượt bậc của TKV thời điểm này.
Để hoàn thành nhiệm vụ tăng sản lượng trong bối cảnh vẫn phải thắt chặt các phòng tuyến phòng chống dịch Covid-19, hơn lúc nào hết, ngành Than cần sự chung sức đồng lòng của những người thợ mỏ, những người chiến sĩ trên mặt trận sản xuất than.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()