Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:34 (GMT +7)
Những cơn ho kéo dài có thể cảnh báo ung thư phổi
Thứ 6, 24/12/2021 | 16:24:34 [GMT +7] A A
Ho là triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân ung thư phổi, nhưng cũng dễ bị bỏ qua vì người bệnh cho rằng đó là biểu hiện của bệnh lý thông thường.
Bác sĩ Bệnh viện K cho biết, ho là triệu chứng thường gặp, nhưng cũng dễ bị bỏ qua trong ung thư phổi.
Qua nhiều nghiên cứu cho thấy, ho biểu hiện ở 50-70% các trường hợp ung thư phổi. Hầu hết người bệnh không được điều trị khỏi bằng các biện pháp điều trị thông thường, kéo dài ngày mới đi khám ung bướu.
Ho kéo dài có thể gặp ở nhiều bệnh lý khác vùng hầu họng. Bạn cũng có thể ho hàng tuần nếu không may mắc cúm, cảm lạnh. Vì thế, đây là một triệu chứng rất không đặc hiệu và hay bị bỏ qua.
Nhưng hãy chú ý, nếu bạn bị ho kéo dài trong vòng vài tuần thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn nên đến bác sĩ. Nhất là khi ho đi kèm với khàn tiếng, khạc đờm nhuốm ít máu, tuyệt đối không được chủ quan, cần tới bệnh viện sớm nhất.
Ung thư phổi diễn biến rất âm thầm, chỉ có triệu chứng ở giai đoạn muộn. Chụp X-quang thông thường không thể phát hiện sớm tổn thương và đến nay cũng chưa có phương pháp nào phát hiện được sớm bệnh thực sự có hiệu quả.
Tuy nhiên, hãy để ý những dấu hiệu của cơ thể. Ngoài dấu hiệu ho kéo dài, cần lưu ý các dấu hiệu ung thư phổi sau:
Sụt cân
Nếu bạn sụt cân nhanh mà không thực hiện bất cứ chế độ tập luyện, ăn kiêng giảm cân nào, hãy chú ý. Bởi bệnh nhân ung thư phổi đặc biệt giảm cân rất nhanh. Có bệnh nhân giảm đến 10kg trong 3 tháng.
Đau ngực
Là triệu chứng có thể xảy ra ở giai đoạn rất sớm hoặc cũng có thể khi khối u đã di căn đến thành ngực. Đau ngực do ung thư phổi có thể tăng lên khi bạn ho, cười hay hít thở sâu. Vì đau ngực cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng khác, nên hãy nói với bác sỹ của bạn để được kiểm tra.
Khó thở, khàn tiếng
Nếu bạn nhận thấy giọng nói hay nhịp thở của mình thay đổi, hãy đề phòng. Nhận ra những triệu chứng nhỏ này có thể giúp bạn phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn đầu của bệnh. Các vấn đề về hô hấp như thở khò khè cũng rất quan trọng và không nên bỏ qua.
Nhìn chung, bệnh ung thư phổi xuất hiện rất ít dấu hiệu sớm, vì vậy mà phần lớn người bệnh được chẩn đoán khi bệnh đã tiến triển và di căn nhiều nơi trong cơ thể. Những người có nguy cơ mắc ung thư phổi cao được khuyến khích chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp để sàng lọc ung thư.
Có nhiều tác nhân làm tăng nguy cơ ung thư phổi, tuy nhiên khoảng 90% bệnh nhân là do hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc lá bị động) trong thời gian dài. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 10 lần người không hút thuốc. Nếu hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 26 lần người không hút.
Trong các nguyên nhân này, tác nhân thuốc là nguy hiểm nhất. Đặc biệt với ung thư tế bào nhỏ do thuốc lá rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong rất cao, chỉ khoảng 6% sống được 5 năm, do bệnh thường phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, cơ hội sống sót thấp.
Theo dantri.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()