Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 04/01/2025 18:30 (GMT +7)
Những đạo sắc phong ở di tích Bạch Đằng
Chủ nhật, 19/02/2023 | 13:00:41 [GMT +7] A A
Các đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam được xem như báu vật của các di tích. Quảng Yên xưa là vùng đất có nhiều di tích, nhân vật được các triều đình ban sắc phong, trong đó chủ yếu là các sắc phong của vua tặng cho các nhân thần hoặc thánh thần.
Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng có nhiều sắc phong thần. Đây là loại sắc phong do các triều đại phong kiến phong tặng và xếp hạng cho các vị thần được thờ cúng trong các đình làng, đền, miếu. Theo ông Lê Đồng Sơn, nguyên Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin TX Quảng Yên, nội dung các sắc phong này thường có nội dung ca ngợi công đức của thần, phong cho thần làm thành hoàng làng, hoặc gia tặng mỹ tự đẳng cấp cho thần, giao nhiệm vụ cho thần bảo hộ cho dân và giao cho dân phụng thờ thần. Trong các sắc phong thần còn phản ánh quyền uy tối thượng của nhà vua, thay trời xuống dân gian để cai quản con dân nên không chỉ trị vì muôn dân trần tục mà còn cai quản cả thế giới thần linh, kết hợp với các tín ngưỡng và đời sống tâm linh. Loại sắc phong này là tài sản chung của làng xã. Sắc phong ở các điểm di tích, khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng có số lượng lớn, tuy nhiên một số đã thất lạc và chưa sưu tầm được hết. Các đạo sắc phong hiện còn lưu giữ chủ yếu ở đền Trần, miếu Vua Bà, đình Yên Giang, đền Trung Cốc và đình Trung Bản.
Đền Trần ở phường Yên Giang còn lưu giữ được 9 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn phong cho Trần Hưng Đạo. Đó là các đạo sắc của vua Tự Đức (năm 1852, 1853, 1880), của vua Đồng Khánh (năm 1887), vua Duy Tân (năm 1909) và vua Thành Thái (năm 1889).
Ðình Yên Giang lưu giữ 6 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn, gồm vua Tự Đức (2 sắc vào năm 1853, 1 sắc năm 1878 phong Trần Hưng Đạo làm thượng đẳng thần, làm thành hoàng làng Yên Giang, thờ ở đình và miếu Niệm Thần), vua Đồng Khánh (sắc phong năm 1887), vua Duy Tân (sắc phong năm 1909) đều phong Trần Hưng Đạo là thành hoàng làng Yên Giang. Riêng vua Thành Thái vào năm 1889 còn phong nhiều vị thần khác để cho nhân dân Yên Giang cùng phụng thờ.
Trong khi đó, đình Trung Bản còn giữ được 6 đạo sắc phong của các vua nhà Nguyễn: Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, đều phong Thượng đẳng thần và ca ngợi công lao to lớn của tướng Trần Hưng Đạo trong dẹp tan giặc Nguyên - Mông. Vua Tự Đức có các sắc phong năm 1853, 1880, còn lại là sắc phong của vua Đồng Khánh năm 1887, vua Thành Thái năm 1889, vua Duy Tân năm 1909 và vua Khải Định năm 1917.
Đền Trung Cốc có sắc phong của vua Gia Long năm 1804 phong cho Trần Hưng Đạo là "Thượng đẳng thần khai quốc an dân, hộ quốc tý dân". Sắc của vua Tự Đức năm 1850 phong cho Phạm Ngũ Lão là Phạm điện súy Thượng tướng quân làm Thượng đẳng linh phù tôn thần. Ngoài ra nơi đây còn 2 sắc phong của vua Tự Đức và vua Duy Tân phong cho các con của Trần Hưng Đạo.
Đối tượng được phong tặng của sắc phong hiện lưu giữ tại các điểm của di tích Bạch Đằng chính là nhân vật lịch sử có công với nước hiển danh như Đức thánh Trần Hưng Đạo, như Phạm Ngũ Lão, các vị tiên công của các dòng họ xưa có công khai khẩn đất đai, mở làng. Đó cũng có thể là nhân vật chưa rõ danh tính như Quốc mẫu vua Bà một bà cụ hàng nước.
Sắc phong được vua phong tặng theo thường kỳ hoặc nhân những dịp lễ trọng của vua, của đất nước khi có sự thỉnh cầu của quan bộ lễ. Giấy cho loại sắc phong cũng được quy định về kích thước, loại giấy, hoa văn, nền sắc tùy theo đẳng cấp của thần, tùy theo chức tước và phẩm hàm của người được phong.
Ngày xưa được vua phong sắc là việc hết sức hệ trọng vinh dự. Sắc được tổ chức đón rước long trọng về nơi thờ tự. Sau đó phải sắm lễ thay mặt thần để tạ ơn vua, dâng sắc cho thần rồi sao ra một bản đem đi hóa. Bản chính thì rước vào cung cấm cất kỹ trong hộp sắc. Sau này, khi muốn mở sắc phong đối với phần tâm linh là phải có lễ trình xin ngày đẹp để mở... rồi đến ngày mở phải có đủ lễ và nghi lễ, ban khánh lễ phải dâng rượu, dâng hoa. Các nghi thức phải tôn kính.
Những đạo sắc phong, ngoài giá trị về tâm linh còn là một loại hình tài liệu lưu trữ quý hiếm, giàu tính khoa học, có giá trị về nhiều mặt. Đây là vật thể rất cần được giữ gìn bảo vệ trong đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân các làng xã.
Phạm Học
- Tăng cường quản lý các di tích và lễ hội đầu xuân
- Trồng 102 cây tùng Cô Tô tại Khu di tích K9
- Kiểm tra, giám sát công tác quản lý di tích, lễ hội tại TP Uông Bí
- Tổ chức lễ hội đền Cửa Ông đảm bảo phát huy giá trị của di tích
- Tái tạo rừng lim tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng
- Hướng dẫn quản lý, thu chi tổ chức lễ hội, tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội
Liên kết website
Ý kiến ()