Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 04:55 (GMT +7)
Những di vật đá chùa Quỳnh Lâm
Chủ nhật, 18/10/2015 | 14:57:58 [GMT +7] A A
Chùa Quỳnh Lâm (hay còn gọi chùa Quỳnh) thuộc xã Tràng An (TX Đông Triều). Chùa được xây dựng từ thời Lý và có quan hệ mật thiết với sự hình thành, ra đời và phát triển của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Chùa xưa đã không còn, ngôi chùa ngày nay là được dựng lại khoảng mươi năm trở lại đây. Sở dĩ, vai trò, quy mô, vị thế của chùa Quỳnh Lâm xưa mà ngày nay ta biết được là dựa vào một phần thư tịch cổ, đặc biệt là tư liệu từ các di vật bằng đá còn lại của chùa như văn bia, tháp, chân tảng kê cột...
Tháp Tịch Quang - công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc nghệ thuật thời Lê thế kỷ 17 của chùa Quỳnh Lâm. |
Đã lâu tôi mới có dịp trở lại thăm chùa Quỳnh. Ngôi chùa từng được ví như học viện Phật giáo thời Trần ẩn dưới tán cây xum xuê, bao quanh bởi khung cảnh đồng lúa đang đến thì uốn câu, xa xa là dãy Yên Tử mờ xanh. Thật là một bức tranh hữu tình. Sau khi thăm, trò chuyện cùng Thượng toạ Thích Đạo Quang - trụ trì chùa Quỳnh, tôi thả bộ vãn cảnh, tìm lại dấu xưa.
Chùa Quỳnh Lâm hiện còn giữ được một số bia đá ghi lại các lần tu bổ, tôn tạo chùa, thân thế sự nghiệp cao tăng từng trụ trì chùa. Tiêu biểu trong số này là bia “Trùng tu, tái tạo tiên du sơn đệ nhất Quỳnh Lâm tự bi” dựng năm 1629 hiện nằm ở bên trái, trước cổng chùa. Văn bia cho biết, dịp trùng tu này có quy mô lớn, gồm làm lại điện phật, nhà thiên hương, nhà tiền đường, nhà giải vũ, hành lang, tam quan, kho thóc, gác chuông… Tổng cộng là 103 gian. Người chấp bút soạn văn bia này là tiến sĩ Nguyễn Thực (1554-1647). Ngoài những lời tán dương công đức của chúa Trịnh Tráng (1577-1657), Nguyễn Thực đã mượn giáo lý nhà Phật để can gián chúa “Trộm nghĩ, giáo lý nhà Phật đã truyền lâu rồi, cúi đầu xin chúa thượng rộng lòng mở lòng thiện, gắng thi hành đạo thiện. Lấy ở điều lành là vô cùng, thiện để nuôi người, thiện để nuôi nước…”. Mỗi một bia đá giống như một cuốn sử nhỏ ghi chép lại các dấu mốc của chùa, như tấm bia 4 mặt ở vườn tháp cho biết hồ nước rộng trồng sen trước chùa hiện nay là được đào năm 1664.
Một trong các kiến trúc bằng đá của chùa Quỳnh quy mô và còn nguyên vẹn tới nay, đó là tháp Tịch Quang (mộ nhà sư Chân Nguyên), nằm bên tay phải lối vào cổng chùa. Tháp dựng năm 1727, gồm 5 tầng, là một công trình kiến trúc đẹp, kiên cố, thể hiện tài nghệ ghép đá xây tháp của người thợ xưa; phong cách kiến trúc giống với tháp đá 7 tầng ở chùa Hồ Thiên, xã Bình Khê (Đông Triều). Trên 4 mặt tháp có bia gắn vào thân tháp nội dung ca ngợi, ghi nhớ công ơn sâu nặng của hoà thượng Chân Nguyên (1647-1726) là người có công chấn hưng Phật giáo Việt Nam và có nhiều công đức trong việc tôn tạo chùa, tô tượng, đúc chuông chùa Quỳnh.
Di vật bằng đá đáng chú ý nữa của chùa Quỳnh phải kể tới tấm bia đá nằm bên trái cổng chùa. Đây có thể coi là tấm bia đá lớn nhất trong các ngôi chùa ở Quảng Ninh. Bia cao 2,43m, rộng 1,51m, dày 0,25m. Trên trán và xung quanh riềm bia trang trí hình rồng trong các ô vuông chéo, rồng không có sừng, không có tai, không mập, thân uốn thắt túi nhiều khúc nhỏ dần về đuôi. Điểm xuyết quanh các ô rồng vuông chéo là những tam giác hình hoa dây cách điệu. Chính từ đặc trưng của hình rồng giống với rồng thời Lý mà các nhà nghiên cứu còn phân vân phải chăng đây là bia thời Lý nhưng đã được sửa lại vào thời Trần?
Trải qua bao thời gian và cả những binh lửa, may mắn là ngoài các bia đá, tháp đá, chùa Quỳnh còn giữ lại được một số bậc rồng, tảng kê chân cột chạm cánh sen, khánh bằng đá xanh. Số di vật này không nhiều nhưng chừng ấy đã là rất quý đối với các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, bảo tồn các giá trị chùa Quỳnh Lâm.
Trần Minh[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()