Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 08/11/2024 01:40 (GMT +7)
Những HLV nữ đem thành công về cho thể thao Vùng mỏ
Chủ nhật, 22/10/2023 | 10:13:27 [GMT +7] A A
Ở các giải đấu, khi một nhà vô địch bước lên bục vinh quang, người ta thường nhớ đến nụ cười và có thể cả nước mắt của họ. Nhưng ít người biết đằng sau ánh hào quang ấy là rất nhiều câu chuyện của những người thầy, người huấn luyện viên (HLV) nữ đáng khâm phục.
Những người thầy “2 trong 1”
Nhắc tới câu chuyện này, tôi chợt nhớ dịp lên sân bay Nội Bài đón nhà vô địch, “Nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Huệ giành HCV SEA Games 30 ở nội dung 10.000m năm 2019. Bước xuống sân bay, nhận hoa và vô số lời chúc mừng, trong sự rưng rưng xúc động đó, Huệ nhắc ngay tới người thầy của mình: Vũ Thị Hoa, HLV Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh.
Quả thật, ít ai biết rằng người góp công lớn dựng lên thành công cho điền kinh Vùng mỏ ở SEA Games là một người thầy tâm huyết, cũng từng là một VĐV nức tiếng thập niên 1980. Có được thành công ở SEA Games 30, vang danh “Nữ hoàng chân đất”, ngoài nỗ lực bản thân có công sức rất lớn của HLV Vũ Thị Hoa, người thầy đồng hành cùng Huệ.
HLV Vũ Thị Hoa (sinh năm 1971) từng là một “nhà vô địch chân đất”, nhiều năm liên tục chinh phục Giải chạy Việt dã báo Tiền Phong hoặc vô địch các giải Quốc gia. Năm 1987, tham gia Giải Việt dã báo Tiền Phong lần thứ nhất, Vũ Thị Hoa giành HCV cự ly 3km nữ trẻ bằng chạy chân trần. Từ năm 1987- 1991, chị là người thường xuyên đưa “vàng” về cho thể thao Quảng Ninh tại các giải toàn quốc, ở nhiều nội dung, nhất là cự ly chạy 5.000m, 10.000m sở trường.
Từ chuyện thói quen xưa tập luyện, chạy trên các mặt sân xỉ hay gồ ghề đá sỏi, hay chuyện chinh phục nhiều giải đấu lớn bằng chính... bàn chân trần, mà Vũ Thị Hoa đã "truyền lửa", đào tạo nên một "Nữ hoàng chân đất" Phạm Thị Huệ làm rạng danh điền kinh Vùng mỏ, tỏa sáng trên đấu trường SEA Games.
Gặp HLV Vũ Thị Hoa tại sân tập Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT, chị chia sẻ: Trong khoảng 20 năm theo nghiệp huấn luyện, tôi có nhiều học trò ưng ý, trong đó có Phạm Thị Huệ, từng thành công khi chạy chân đất. Và từ kinh nghiệm bản thân, tôi giúp em rèn giũa kỹ năng. Còn Huệ luôn tập luyện rất chăm chỉ, ý chí nghị lực. Dù nhiều khi tập, thi đấu em vẫn chạy chân trần do thói quen. Điều tôi luôn nhắc em, đồng thời luôn khuyên em nên đi giầy bảo vệ chân.
Khác với Vũ Thị Hoa, VĐV kiêm trợ lý HLV Đinh Thị Trang (SN 1995) hiện vừa là một trong các tay chèo chủ lực vừa là trợ lý HLV trưởng tuyển đua thuyền Canoeing tỉnh Vũ Thị Linh. Trang là những người dám xông pha, tập luyện môn thể thao Olympic giàu tính cạnh tranh, được coi là nặng, khắc nghiệt nhất.
Chúng tôi gặp Đinh Thị Trang mùa hè 2021 tại Trung tâm Đua thuyền Sông Giá (Thủy Nguyên, Hải Phòng) khi Trang đã trở thành trợ lý HLV tuyển đua thuyền Canoeing tỉnh được 2 năm. Trang vừa hỗ trợ công tác huấn luyện vừa chăm chỉ tập luyện. “Vừa tập luyện vừa hỗ trợ công tác huấn luyện khiến công việc của em gấp đôi lên. Là đàn chị trong tuyển nên em càng phải gương mẫu trong cả cuộc sống lẫn tập luyện, đồng thời phải thi đấu thật tốt để làm gương cho các em. Đó là đích để em nỗ lực nhưng cũng vô hình dung là áp lực với bản thân”- Đinh Thị Trang chia sẻ.
Đinh Thị Trang là VĐV trụ cột của tuyển, một trong các VĐV giàu thành tích nhất ở các kỳ đại hội thể thao và ở đấu trường quốc tế. Đinh Thị Trang đang nắm trong tay "kho" thành tích mà bất cứ VĐV trẻ nào cũng phải khâm phục khi Trang cùng đồng đội tham gia 4 kỳ đại hội thể thao toàn quốc đoạt 11 HCV. Ngoài ra, còn đoạt 3 HCB tại SEA Games 31, 4 HCV Giải Vô địch Đua thuyền Đông Nam Á 2019…
Một HLV nữ "hai trong một" tài năng khác là HLV Lâm Thị Hương (sinh năm 1981), HLV môn Pencak Silat, Trường Thể dục thể thao tỉnh. Từng tập võ để rèn luyện sức khỏe, Lâm Thị Hương đã trở thành Nhà vô địch Thế giới môn Pencak Silat.
Lâm Thị Hương được phát hiện và đào tạo, huấn luyện bởi HLV Dương Bá Cường (Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh). Phản xạ nhanh nhẹn, sức mạnh và sự khéo léo của Hương dường như sinh ra là dành cho môn võ đối kháng Silat.
Dù đến với Silat muộn (1997), nhưng chỉ trong 2-3 năm sau, Lâm Thị Hương đã lần lượt chinh phục tấm HCV Giải Vô địch trẻ và Giải Quốc gia rồi đoạt HCV SEA Games 21 (năm 2001) SEA Games 22 (năm 2003). Đỉnh cao là Lâm Thị Hương và các đồng đội đã chinh phục Giải Vô địch thế giới giai đoạn 2002- 2003, gồm đoạt cả HCB, HCV thế giới.
Từ giã sự nghiệp thi đấu, Hương tiếp tục "giữ lửa" đam mê Silat khi tham gia phát lộ và đào tạo nhiều tài năng trẻ vang danh cho Pencak Silat Quảng Ninh.
Đằng sau những tấm HCV
Quả thật so với những đồng nghiệp nam, những HLV nữ dường như gặp nhiều bất lợi hơn, bởi thêm gánh nặng lo toan công việc gia đình. Với HLV Vũ Thị Hoa, chị luôn trăn trở với công tác đào tạo trẻ, nhất là tìm kiếm các VĐV tài năng. Có lẽ vì cuốn vào những chuyến đi, việc rèn giũa các VĐV tài năng khiến chị đầu tư nhiều tâm sức, thời gian.
"Dù không phải thường xuyên đi xa nhà như những môn khác, nhưng những chuyến tập huấn, tham gia giải ngoại tỉnh, có khi cả tuần trời. Đó là chưa kể, với đặc thù môn điền kinh, các VĐV phải tập ca từ khoảng 5h sáng vì thế tôi phải đi từ sớm, đi cả chục km để đến nơi tập huấn. Tất cả chiếm khá nhiều thời gian cho gia đình, con cái. Thế nhưng điều tôi rất yên tâm bởi sự ủng hộ từ gia đình"- chị Hoa vui vẻ chia sẻ.
Có lẽ tâm huyết, giàu kinh nghiệm và vững tâm, nên chị Hoa đã đào tạo ra nhiều thế hệ VĐV nối tiếp thành tích của mình, truyền thống điền kinh Vùng mỏ như: Phạm Thị Huệ, Đoàn Thu Hằng, Nguyễn Minh Trí... tỏa sáng, giành nhiều HCV ở các giải trẻ, giải vô địch quốc gia và trên đấu trường quốc tế.
Với nghiệp VĐV, sau những tấm HCV, nhiều người vẫn chịu những ảnh hưởng từ chính thời gian thi đấu đỉnh cao, mang vinh quang về cho đất nước. Đó là trường hợp HLV Lâm Thị Hương, sau giai đoạn thi đấu đỉnh cao, chị chịu những chấn thương gối, thoát vị ở cột sống hành hạ. Đây cũng chính là chấn thương khiến chị phải từ giã sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của mình. "Dù đã được phẫu thuật, điều trị nhưng những khi trái gió trở trời, những chấn thương này vẫn ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày, tới việc tập luyện, thị phạm kỹ thuật cho VĐV" - HLV Lâm Thị Hương chia sẻ.
Vì thế, có lẽ HLV Lâm Thị Hương nhiều khi vẫn nhịn đau để hướng dẫn các động tác kỹ thuật cho học trò. Với tình yêu, đam mê cháy bỏng cho bộ môn Pencak Silat mà Lâm Thị Hương đã góp phần vào phát hiện, đào tạo ra nhiều thế hệ VĐV Pencak Silat tài năng của Quảng Ninh và cống hiến cho đội tuyển quốc gia như: Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Xuân Trúc...
Với nữ giới khi theo nghiệp thể thao, ngoài chấn thương, họ còn chịu thiệt khi dành cả thanh xuân, tình cảm với gia đình... cho môn thể thao mình trót đam mê. Đó là điều chúng tôi khâm phục nhất chính là ở VĐV, trợ lý HLV Đinh Thị Trang với môn đua thuyền. Do đặc thù môi trường tập luyện, đội tuyển đua thuyền Quảng Ninh luôn phải xa nhà, Trang phải thường xuyên "cắm trại" tập luyện ở Trung tâm Huấn luyện đua thuyền Sông Giá (Thủy Nguyên, Hải Phòng).
"Ban đầu buồn nhất là phải xa gia đình, thi thoảng mới được về thăm nhà. Có thời điểm cả năm, thậm chí Tết còn không được về thăm nhà. Đôi khi cũng rất buồn, nhớ nhà, nhưng rồi dần cũng quen. Vốn là môn thể thao ngoài trời, vất vả, cả năm trời dù nắng nóng hay gió rét đều gắn chặt với sông nước. Để thành tài, cần tập luyện cường độ cao và thường xuyên ở môi trường sông nước, nhiều khi khiến VĐV đua thuyền bị hành hạ bởi một số bệnh nghề nghiệp, thường xuyên đau lưng, cổ tay..."- Đinh Thị Trang chia sẻ.
Điều chúng tôi cảm phục nghị lực của cô VĐV tài năng này chính là sự quyết tâm tập luyện thi đấu để đồng hành, hướng dẫn các VĐV trẻ đoạt nhiều thành tích cao hơn nữa. Ngoài ước mơ hoàn thiện bộ sưu tập HCV của mình, chúng tôi biết rằng, Trang đang tận dụng "quãng thời gian vàng" của VĐV để thi đấu thật tốt, chăm lo, trang trải cho gia đình còn nhiều khó khăn ở Vân Đồn.
Ngoài những cái tên kể trên, có thể thấy, còn nhiều HLV nữ của thể thao tỉnh nhà, giàu đam mê, cống hiến, đang góp phần quan trọng đem về nhiều vinh quang cho thể thao Vùng mỏ.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()