Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:28 (GMT +7)
Những “kẻ hủy diệt” trên vùng biển đảo Vĩnh Thực
Thứ 2, 17/10/2022 | 08:20:26 [GMT +7] A A
Từ nhiều tháng nay, hàng chục chiếc tàu “chã ván”, “khán điện” đêm, ngày quần thảo trên vùng biển đảo Vĩnh Thực (TP Móng Cái) khiến cho ngư dân làm nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản trên vùng biển này vô cùng bức xúc. Họ gọi những chiếc tàu này là “hung thần”, “ma quái”, “kẻ hủy diệt”…
Dàn thế trận khai thác
Đến đảo Vĩnh Thực vào cuối giờ chiều, chúng tôi gọi điện liên hệ với anh Th, ngư dân xã Vĩnh Trung. Anh bảo: “Cứ đi đâu đó đi. Khoảng 9h tối ra khu vực đập Cái Vĩnh, xã Vĩnh Trung sẽ có thuyền đến đón”. Sau một hồi dài loanh quanh trên đảo, chúng tôi đến khu vực đập Cái Vĩnh. Hàng chục tàu, thuyền san sát neo đậu, ánh đèn pin lập lòe. Một lát sau, một chiếc thuyền máy tiến sát bờ và ra tín hiệu cho chúng tôi xuống thuyền. Trên chiếc thuyền nhỏ lỉnh kỉnh thức ăn, đồ uống, những cây sào, chiếc giỏ… trang bị của một người đi biển chuyên nghiệp. “Không có đêm nào trên vùng biển này không xuất hiện các hung thần khai thác thủy sản bằng hình thức tận diệt. Chúng ngang nhiên hoạt động mà không gặp phải bất cứ sự ngăn cản nào của lực lượng chức năng. Các anh cứ ra biển với tôi một đêm thì sẽ rõ” - Anh Th bức xúc nói.
Chiếc thuyền máy chở chúng tôi len lỏi qua những tàu thuyền khu neo đậu. Sau khoảng 30 phút thì ra đến vùng biển rộng mà theo lời anh Th thì đây là một khu chương, bãi rộng lớn được người dân cắm cọc, đổ cát để nuôi các loại nhuyễn thể. Một khu bãi triều là nơi trú ngụ của hàng trăm loài hải sản giá trị, như sá sùng, tôm, cua, ghẹ, bề bề..., cũng là khu vực mà hàng chục chiếc tàu "chã ván", "khán điện" dàn trận quần thảo đêm, ngày.
Anh Th tắt máy thuyền, thả neo, vùng biển khá yên tĩnh. Với tay lấy chiếc sào dài kiểm tra mực nước, anh Th như hiểu băn khoăn của chúng tôi, nói: “Mọi ngày vào thời điểm này là tàu chạy rầm rầm. Hôm nay do nước lớn, chắc phải tí nữa họ mới cày, xới”.
Trong khi chờ đợi, anh Th giải thích cho chúng tôi về tàu "chã ván", tàu "khán điện" đã gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản trên vùng biển này. Tàu "chã ván" dùng bộ càng gỗ dài khoảng 20m lắp phía sau tàu, giữa 2 càng gỗ là chiếc cào, có dòng điện dẫn xuống đáy biển. Tàu đi đến đâu, chiếc cào xới tung đáy biển đến đó. Các loại thủy sản to, nhỏ vừa giật mình bơi lên thì bị dòng điện đánh tê liệt, rồi tự động cuộn mình vào túi lưới. Hệ thống ròng rọc kéo túi lưới lên tàu, sau đó phân loại hải sản...
Tàu "khán điện" lắp bộ càng phía mũi tàu, mỗi càng dài khoảng 15m, có bộ phóng điện. Càng sục xuống đáy biển sẽ hất tung chỗ trú ngụ của các loài hải sản. Tôm, cua, cá bị phóng điện tê liệt, không thể bơi đi, thuận dòng trôi theo bùn đất vào túi lưới. Cứ vài vòng quần thảo, sục sạo đáy biển, những chiếc ròng rọc lại kéo túi lưới lên tàu một lần. “Họ cày xới như thế suốt bao lâu nay. Những người dân làm nghề khai thác truyền thống như chúng tôi làm gì có chỗ mà làm ăn nữa” - Anh Th nói.
Chúng tôi nằm thiu thiu ngủ trong cabin thuyền, nghĩ chắc đêm nay không được chứng kiến cảnh khai thác thủy sản hủy diệt. 1h sáng, anh Th gọi chúng tôi dậy, chỉ một vài đốm sáng từ phía xa xa đang di chuyển vào, bảo: “Giờ này chúng nó mới di chuyển. Chắc chắn là mấy chiếc tàu khán điện”.
Khoảng 15 phút sau, 3 chiếc tàu dàn hàng ngang với ánh đèn pha sáng chói trước mũi, “gầm gừ” ngang qua tàu chúng tôi. 2 chiếc càng rộng giang ra trước mũi tàu, ầm ầm cày xới, quần thảo giữa biển đêm. Tôi với tay lấy chiếc đèn thật sáng soi về phía những chiếc tàu này để ghi hình, anh Th vội ngăn lại: “Chúng nó manh động lắm. Cứ chụp ảnh qua ánh sáng từ tàu chúng nó thôi. Soi đèn chúng nó biết, nó quay lái sang đây dũi cho 1 dũi là chìm nghỉm đấy. Nhiều ngư dân thả lưới trên vùng biển bị tàu chúng nó quấn lưới, phản ứng với nó, bị nó đuổi đánh cho”. Ánh đèn pin siêu sáng mà tôi rọi đến chẳng là gì so với bóng đèn cao áp xoay 360 độ trên tàu khán. Thấy ánh đèn pin soi vào, một chiếc tàu "khán điện" rọi thẳng bóng đèn cao áp về phía thuyền chúng tôi hồi lâu để "nhắc nhở".
Những chiếc tàu khán điện dàn trận hàng 2, hàng 3 vòng đi vòng lại trên vùng biển này trong tiếng máy gầm rú. Cứ sau loạt tiếng máy gầm, những chiếc tàu này dừng lại, tời lên hàng loạt bùn đất lẫn hải sản lên tàu.
Những chiếc tàu khán điện xuất hiện đêm nay, theo anh Th, chủ yếu thuộc loại nhỏ. "Có hôm xuất hiện những chiếc tàu khán điện to, chạy phăm phăm trên biển. Bộ càng trên tàu to, dài, được thiết kế hiện đại, thò ra thụt vào như cột thủy lực. Mỗi bộ kích điện có giá gần 100 triệu đồng, có những tàu khán điện dùng tới 3 bộ kích điện" - Anh Th cho biết.
Khoảng 3 giờ sáng, khi nước biển xuống thấp, ánh đèn của những chiếc tàu "ma quái" xa dần, hướng khu vực Cống Cách, thôn 4, xã Vĩnh Trung. Theo anh Th, các tàu này về phân loại, bán thủy sản cho những người thu mua và neo đậu ngay tại khu vực này.
Khó khăn trong xử lý?
Sau nhiều đêm chứng kiến tình trạng các tàu "chã ván", "khán điện" quần thảo trên khắp vùng biển các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực, chúng tôi thông tin sự việc tới lãnh đạo Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Vạn Gia. Lãnh đạo đơn vị khẳng định luôn kiên quyết xử lý các tàu khai thác thủy sản trái phép. Ngay trong đêm, Đồn đã cử lực lượng tuần tra, kiểm soát tại những khu vực vùng biển mà phóng viên phản ánh. Tuy nhiên, không phát hiện những tàu này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hồng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung, cho biết: Xã đã nhiều lần nhận được phản ánh của người dân về tình trạng các tàu "khán điện" khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển. Xã đã kiểm tra và phát hiện có tình trạng này. Tuy nhiên, do không có phương tiện để xử lý, xã đã thông tin và phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Vạn Gia để xử lý, nhưng rất khó để xử lý dứt điểm.
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Thời gian qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các địa phương tích cực tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Khi phát hiện ngư dân sử dụng các nghề khai thác thuộc danh mục nghề cấm hoạt động trên vùng biển sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Không chỉ việc xử lý theo hình thức bắt quả tang, thu giữ tang vật mà khi các tàu khai thác hoạt động, neo đậu trên vùng biển còn phải khai báo với lực lượng chức năng; kiểm tra các tàu này cả khi neo đậu, phát hiện tang vật sử dụng để khai thác thủy sản trái phép là có thể xử lý theo quy định.
Thời gian qua, địa phương và lực lượng chức năng đã tích cực tuyên truyền, xử lý những vi phạm trong khai thác thủy sản. Tuy nhiên, tình trạng ngư dân sử dụng các dụng cụ cấm để khai thác thủy sản theo hình thức tận diệt vẫn ngang nhiên diễn ra. Theo báo cáo của UBND TP Móng Cái, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng và các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; bắt giữ, xử lý 25 vụ vi phạm, xử phạt 267,5 triệu đồng.
Clip tàu khai thác thủy sản theo hình thức hủy diệt ở vùng biển đảo Vĩnh Thực:
Quế Ninh
Liên kết website
Ý kiến ()